Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Rừng đã chết

"Rừng đã cháy và rừng đã héo
Em hãy ngủ đi
Rừng đã khô và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi..."
Có lẽ chưa bao giờ lời bài hát của Trịnh Công Sơn lại ứng vào hoàn cảnh Việt Nam như hiện tại. Những từ "rừng vàng, biển bạc" mà sách địa lý Việt Nam luôn dạy học sinh nay chỉ còn là chuyện cổ tích. Đọc trên báo chí mấy ngày qua, có một vụ cuốn hút nhiều dư luận, theo đó: vào ngày 7-12 một chiếc xe chở gỗ bị lật tại dốc Phù Huột, thuộc bản Tông, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An làm 10 người thiệt mạng, 7 người bị thương.

Nhưng sự việc không phải chỉ là một tai nạn thảm khốc, theo các báo Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng thuật lại thì người ta phát giác, trong số những người bị thương có các cán bộ kiểm lâm đi chung với xe chở gỗ lậu. Sau đó người ta còn phát giác xe chở gỗ lậu trên còn được "bọc lót" bằng một chiếc xe Ford màu đen đi sau và một chiếc xe Toyota Vios màu trắng bạc đi trước dẫn đường. Thế nhưng, khi xe gỗ lâm nạn, chiếc xe Toyota Vios quay lại và chiếc xe Ford chỉ cứu 2 kiểm lâm viên và chủ gỗ Hoàng Văn Chiến. Họ đã bỏ mặc phía sau 15 người thương vong và vờ như mình không biết, không thấy gì cả. Đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giam 4 cán bộ kiểm lâm, trong đó có Trịnh Thanh Long, Phó giám đốc kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Khi bị điều tra, ông "cấp trên" lập tức chối: "Họ muốn hạ thấp uy tín, vu oan cho tôi nên mới nói vậy. Tôi khẳng định xe gỗ ấy là của lâm tặc cấu kết với cán bộ kiểm lâm để vận chuyển trái phép, trong đó có nhân viên của tôi, còn tôi thì không hề hay biết gì !?”...

Như vậy, chỉ vì một xe chở gỗ lậu, lỡ bị tai nạn giao thông người ta mới phát hiện hàng loạt vấn đề: từ đường xá xuống cấp, đường dây cấu kết tham nhũng, người được giao bảo vệ rừng lại cũng là lâm tặc, điều đáng nói hơn cả là các cán bộ chỉ lo cứu nhau và nhẫn tâm bỏ mặc những người bị nạn nằm giữa đường rừng, trong đêm tối ... Rừng Việt Nam không héo tàn mới lạ. Giả sử không có vụ lật xe, ai biết được những chuyện thế này?

Trở lại chuyện xe gỗ lậu bị lật, một trạm trưởng kiểm lâm tên là Đào Công Thắng, người đi cùng xe chở gỗvà bị thương khi xe lật, và kiểm lâm viên Nguyễn Kim Hùng đã viết tường trình rằng họ được cấp trên (Trịnh Thanh Long) chỉ đạo đi theo xe để áp tải gỗ cho ông ta. Như vậy, theo lời khai của cán bộ kiểm lâm này, ít nhất có 6 cán bộ, nhân viên kiểm lâm có liên quan, trong đó khi số gỗ lậu được bốc lên chiếc xe bị nạn có mặt 5 cán bộ, nhân viên kiểm lâm. Cũng qua bản tường trình, người ta có thể thấy việc các cán bộ kiểm lâm cấu kết với nhau để khai thác rừng làm của riêng diễn ra khá nhẹ nhàng, tự nhiên. Đêm tối, giữa đường rừng hoang vắng, người có nhiệm vụ giữ rừng lại chính là kẻ phá rừng...  đúng là, có mà trời biết. Nhưng nếu theo dõi kỹ báo chí (cả báo chí truyền thống lẫn báo chí công dân) ta có thể thấy dễ dàng, sự nhũng lạm này xảy tại rất nhiều nơi, trong nhiều năm nay, đến nỗi chính nhà cầm quyền cũng phải gọi "tham nhũng là quốc nạn". Như vậy, trong một xã hội mà kẻ giữ quyền lực đã lợi dụng tối đa quyền của mình để tư lợi, bất chấp pháp luật cũng phản ánh nhiều ở những lãnh vực khác. Từ cấp thượng tầng nơi thủ đô cho đến giữa rừng hoang vắng như thời buổi hiện tại, chỉ có thể gọi đó là sự băng hoại quyền lực, là tham nhũng, là đua nhau xâu xé tài nguyên quốc gia cho tư túi.

Tài nguyên rừng ở Việt Nam hiển nhiên là quan trọng hàng đầu, (Theo điều tra của Phóng Viên Tuổi Trẻ, xe gỗ chở1 2 cột nhà (mỗi cột dài 5m), 18 xà và sáu bộ phản. Tất cả đều là gỗ trai (gỗ quý hiếm, nhóm 1, cấm khai thác)không chỉ là từ các sản phẩm, sản vật mà nó mang lại cho quốc gia, những cánh rừng từ đầu nguồn ngăn lũ, giữ nguồn nước và cân bằng sinh thái cho đến là mái nhà cho hàng chục sắc dân sinh sống, lưu giữ văn hóa đặc thù... còn có lợi ích lâu dài và to lớn hơn nữa. Hơn 30 năm nay, những cánh rừng bạt ngàn từ Bắc chí Nam đã bị tàn phá trơ trụi, những khu rừng quốc gia rỗng ruột (bên trong là trang trại của các quan chức dùng để làm giàu, săn bắn tiêu khiển) đã khiến thú rừng bị tận diệt, văn hóa sắc tộc mai một (nỗi căm hận người Kinh thêm sâu sắc), và bão lũ càn quét đồng bằng hàng năm... là những ví dụ tiêu biểu. Những lời cảnh báo từ việc giết rừng Việt Nam như bấy lâu nay, liệu có được quan tâm đúng mức?

Ảnh: chiếc xe chở gỗ bị nạn (Bưu Điện Việt Nam)

Cũng theo báo chí tường thuật, trên chiếc xe gỗ đó có 14 người phu khuân vác nằm ngủ trên đống gỗ, họ dùng bạt xe trùm kín thân mình vì đêm đó rất lạnh. Khi xe tuột dốc họ không thể nhảy ra ngoài vì vướng bạt và 10 người đã bị gỗ đè chết. Các cán bộ kiểm lâm thoát chết vì ngồi trong cabin, người nghèo đi "bốc" gỗ mướn chết thảm còn vì cán bộ chỉ cứu nhau, họ bị chết oan vì không ai cứu, h ọđã không được đối xử như những con người.

Có thể nói, sự kiện tai nạn thảm khốc của chiếc xe gỗ lậu bị lật là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính vẫn là sự băng hoại đạo đức của hệ thống quyền lực. Họ không hề đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu mà chỉ lo vơ vét đầy túi, họ không quan tâm đến đường sá giao thông, họ không quan tâm đến tài nguyên rừng bị cạn kiệt, không xem xét kiểm tra cán bộ thấu đáo, không cần biết ai chịu hậu quả vì phá rừng, không quan tâm đến số phận người nghèo... Khi bị bắt, họ chỉ đổ lỗi cho nhau để chối tội.

Rừng đã chết.

Lạc Việt

1 nhận xét: