Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

Katyn - Nỗi đau thương Ba Lan, nhân loại không quên

Sự kiện mùng 10 tháng Tư  khiến cả thế giới muốn được biết Katyn là gì. Trước đó, Ba Lan muốn nói nhưng không ăn thua với tuyên truyền của Nga.

"Katyn" hay "rừng Katyn" là đề tài cấm kị thời Ba Lan bị Nga Xô đô hộ bởi là nơi 22 ngàn sĩ quan Ba Lan bị giết hại theo lệnh Stalin năm 1940. Vụ thảm sát có mục đích triệt tiêu mầm mống yêu nước, trí thức tinh hoa của Ba Lan thời bấy giờ.

Sau sự kiện mùng 10 tháng Tư, các kênh truyền hình thế giới đều muốn chiếu phim của Wajda


 

Phải sau khi Ba Lan dành độc lập qua bầu cử tự do và thiết lập chính phủ dân chủ năm 1989, người Ba Lan mới được tưởng nhớ nạn nhân Katyn.

Nhưng phía Nga chần chừ không chịu minh bạch tài liệu Katyn khiến hận thù không thể nguôi trong quan hệ Ba Lan - Nga vốn láng giềng và có chiều dày lịch sử xung khắc.

Đòi sự thật

70 năm liền, gia đình nạn nhân Katyn đòi sự thật mà không được. 70 năm mòn mỏi trông chờ một vài cử chỉ hối cải của phía Nga nhưng chưa bao giờ được nhận.

Putin của Nga có phần thiện chí hơn trong bàn thảo về Katyn những năm gần đây khiến mỗi lễ kỉ niệm là một phe dư luận Ba Lan trông đợi và hi vọng.

Lễ kỉ niệm thứ 70 được hi vọng sẽ là bước ngoặt trong thái độ của Nga đối với Ba Lan.

Cuối cùng, lễ kỉ niệm trở thành bước ngoặt bi thảm cho mọi nỗ lực trước đó: các điều tình cờ, bất ngờ bỗng tập trung vào một địa điểm lịch sử - Smolensk ở Katyn, một thời điểm lịch sử - 70 năm ngày giỗ nạn nhân, khiến nhiều bình luận gia lỗi lạc cũng phải đặt câu hỏi về sự huyền bí vượt xa kiểm soát của con người.

Lech Kaczynski là người được đánh giá là một trong những nhân vật chú trọng tới vấn đề Katyn nhất trong giới cao cấp. Và cũng những người như vậy đã theo ông trên chuyến bay định mệnh để tới Katyn với hi vọng phía Nga sẽ mở cơ hội cho hòa giải bằng hối cải và xin lỗi cũng như thỏa mãn Ba Lan về nỗ lực minh bạch.

Rốt cuộc, Ba Lan đã đạt được nhiều hơn thế, bởi nay, cả thế giới đã hướng cái nhìn vào Ba Lan - Katyn - Nga. Nhưng Ba Lan đã phải trả giá cao không thể đếm với 96 nhân vật liên quan mật thiết tới nhà nước và Katyn thiệt mạng.

Phim về Katyn

Ngay sau sự kiện mùng 10 tháng Tư, nhà sản xuất bộ phim "Katyn" của đạo diễn Ba Lan Andrzej Wajda nhận được nhiều thỉnh cầu của các trạm truyền hình trên thế giới (nhưng không có Việt Nam cộng sản), ngỏ lời muốn được trình chiếu Katyn trên ăng-ten mình.

Chính nước Nga cũng đã vượt qua chính mình khi quyết định trình chiếu phim "Katyn" trên kênh truyền hình quốc gia hôm 11 và quốc tang ngày 12. Được đánh giá là cử chỉ đẹp nhưng có ý cho rằng chủ yếu để chấn an dư luận tại Ba Lan.

Nếu ở quốc gia khác, chưa chắc đã có một hai kết cục an ủi như vậy. Ba Lan may mắn khi có đội ngũ nghệ sĩ tài ba (với Wajda là tiêu biểu) để làm các công việc mà chính trị gia không làm được, đồng thời nỗ lực của các nghệ sĩ lại đạt được nhiều thành công hơn những gì chính giới có thể.

Andrzej Wajda cho ra đời phim "Katyn" còn là tiếng nói sự thật mạnh mẽ hơn cả những hô hào tìm sự thật. Nhưng để phim của ông và cả thế giới nói tới chữ "Katyn", Tổng thống Kaczynski cùng những nhân vật ưu tú nhất đã phải chết trong tai nạn thảm khốc.

Tổng thống Kaczynski là người nhiệt thành ủng hộ cách mạng Cam của Ukraina và không ngần ngại bay sang Gruzja khi nước này súng nổ với Nga 2 năm trước.

Nhờ có những người như vậy, sự thật đã được phơi bày, sau những trả giá lớn lao.

Cúi nhận nhưng không chịu xin lỗi Katyń

Nguyên thủ Ba Lan - Nga gặp nhau lần đầu tại Katyń. Putin có những cử chỉ đột phá nhưng truyền thông thế giới tập trung đăng tin Nga vẫn chưa xin lỗi sau 70 năm.

 

Nguyên thủ Ba Lan - Nga gặp nhau lần đầu tại Katyń. Putin có những cử chỉ đột phá nhưng truyền thông thế giới tập trung đăng tin Nga vẫn chưa xin lỗi sau 70 năm.

Sau 70 năm ngày Nga bắt đầu chiến dịch bí mật thảm sát 22 ngàn sĩ quan Ba Lan ở rừng Katyń, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Vladimir Putin đã cùng tham dự lễ tưởng niệm hôm qua mùng 7 tháng Tư.

Lần đầu tiên có sự xuất hiện của đại diện hai nước trong rừng Katyń khiến từng cử chỉ nhỏ, từng câu nói trong bài phát biểu, nhất là của ông Putin, đều được báo giới cùng dư luận phân tích tỉ mỉ. Báo chí quốc tế nói Putin đã cúi đầu mặc niệm nạn nhân thảm sát Katyń.

Cùng đó, Putin có những tuyên bố đột phá, nói "không thể bao che tội ác" và muốn tìm sự thật. Putin cho rằng Stalin đã thủ tiêu các sĩ quan Ba Lan để trả hận màn thua trong cuộc chạm trán năm 1920 với Ba Lan.

Thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan thì nói sự thật không bao giờ là nguyên nhân chia rẽ mà trên hết, sự thật phải được phơi bày.

Truyền thông chính thức của Nga thì nhấn mạnh lời ông Putin nói không bao che tội ác nhưng dân tộc Nga không chịu trách nhiệm vụ Katyń.

Tuy vậy, riêng việc Putin cùng Donald Tusk tham dự lễ kỉ niệm và đề cập tới lý do thảm sát cũng đã đủ để báo giới Ba Lan và thế giới đánh giá hành động của Putin "mang tính lịch sử". Điều làm báo chí tập trung hơn hết lại là điều mà Putin chưa làm: xin lỗi.

Thăm dò dư luận do CBOS tìm hiểu thì tới 81% người Ba Lan cho rằng vấn đề Katyń chưa giải quyết khiến quan hệ Ba Lan - Nga căng thẳng. Tỉ lệ người Ba Lan đánh giá quan hệ Nga - Ba Lan kém sáng sủa cũng cao hơn 10% so với năm trước. Một trong những nghị viên đảng PiS là Paweł Kowal nhận xét kết quả điều tra cho thấy người Ba Lan ngờ vực cử chỉ hối cải của Nga nên đặt dấu hỏi về sự thành thật của Nga.

70 năm thảm sát Katyń

70 năm kể từ khi phát súng đầu tiên bắn vào tù binh, trí thức Ba Lan, Katyń vẫn tiếp tục là cuộc thảm sát gây bức bối đau lòng và chịu nhiều giằng co.

Một ngày đầu tháng Tư năm 1940, phát súng đầu tiên đã nổ bắt đầu cuộc thảm sát hàng loạt 22 ngàn sĩ quan Ba Lan do NKWD của Nga Sô thực hiện tại rừng Katyń, theo lệnh của Stalin và 7 thành viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Nga. Các sĩ quan bị giết trong tư thế bị trói chặt và bị bắn vào sọ từ súng ngắn, bị chôn trong những ngôi mộ tập thể khổng lồ giữa rừng sâu.

Sau khi Nga đổ quân vào Ba Lan nhân Chiến tranh Thế giới II bùng nổ tháng 9 năm 1939, Ba Lan không nằm trong tình trạng chiến tranh với Nga nhưng các sĩ quan của Ba Lan đã bị bắt giữ như những tù binh.

Chiến dịch thủ tiêu toàn bộ 22 ngàn sĩ quan được cho rằng có động cơ triệt hạ trí thức, tầng lớp trụ cột của Ba Lan thời bấy giờ.

Một sự tình cờ khiến các ngôi mộ tập thể được tù nhân lao động khổ sai của Ba Lan phát hiện năm 1942. Bộ máy cầm quyền của Đức quốc Xã khi đó tận dụng phát hiện này trong công tác tuyên truyền bêu riếu Nga khi chiến tranh chưa kết thúc.

Thế Chiến II kết thúc, Nga Sô thắng Phát-xít Đức và đô hộ Ba Lan bằng thể chế cộng sản, Ba Lan hiện diện trên bản đồ thế giới với tên gọi "Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan".

Kể từ đó, Nga Sô đổ lỗi cho Phát-xít Đức là chủ nhân của cuộc thảm sát khiến mọi thông tin, bằng chứng về cuộc thảm sát bị làm mạo, giấu kín, tăng phần đau khổ cho gia đình các nạn nhân.

Chỉ tới khi người dân Ba Lan thành công trong công cuộc đòi chuyển đổi thể chế vào năm 1989, người ta mới được tự do tưởng nhớ nạn nhân Katyń. Trước đó, nhà nước Ba Lan cộng sản không cho phép người dân được nói tới tội ác Katyń với tác giả là bộ máy an ninh mật vụ NKWD của Nga. Gia đình nạn nhân Katyń tiếp tục bị trù dập, có người bị thủ tiêu bởi dám tưởng nhớ tới ngày mất và hoàn cảnh ngày mất thân nhân mình.

Với những người cầm đầu nước Nga hiện đại là Jelcyn và Putin thì Katyń là đề tài gây bối rối và đầy mâu thuẫn.

Vào năm 1990, chính quyền nước Nga công nhận bộ máy NKWD đã giết hại các sĩ quan Ba Lan tại rừng Katyń. Tuy vậy, vào năm 2005, Công tố Quân Sự Liên bang Nga khép cuộc điều tra thảm sát Katyń với kết luận: "không có cơ sở coi thảm sát Katyń là thảm sát diệt chủng".

Phía Nga tiếp tục không cung cấp hồ sơ Katyń khiến dư luận Ba Lan phẫn nộ. Một số bản sao tài liệu được trao cho Ba Lan vào những năm 1990 và 1992 không làm dư luận thỏa mãn.

Gây bức xúc nhất là việc tòa án Nga không chịu truy tìm, trừng phạt những kẻ tham gia cuộc thảm sát và không chịu đặt tên cho cuộc thảm sát là hành động giết người hàng loạt.

Đây là vết thương nhức nhối nhất trong quan hệ Nga - Ba Lan, khiến diện mạo nước Nga tiếp tục là bóng đen ngờ vực đối với dư luận Ba Lan.

Sự kiện thời sự nhất là việc gia đình nạn nhân Katyń quyết định nộp đơn tố cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasburg.

Nước Nga đi chiến dịch nước đôi khiến dư luận Ba Lan lại một phen bình phẩm: Một đằng Nga cho phép đài truyền hình quốc gia trình chiếu bộ phim "Katyń" của Andrzej Wajda(*), kể chi tiết quá trình bắt giữ và giết hại các sĩ quan Ba Lan. Mặt khác, Nga gửi thư tới Tòa án Nhân quyền Strasburg về việc "chưa thể khẳng định người Ba Lan từng bị bắn (tại rừng Katyń) hay không". Bức thư 17 trang của Nga gửi tòa nhân quyền cũng không dùng tới các từ "thảm sát" hay "tội ác chiến tranh" mà chỉ đề cập tới "sự kiện Katyń" hoặc "vụ việc Katyń" mà thôi.

Chính quyền Ba Lan trong đó có bộ ngoại giao Ba Lan bị dư luận chỉ trích là kém sắc sảo và quá yếu đuối trong bang giao với Nga. Đương đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu là tập thể gia đình nạn nhân chứ không phải là nhà nước Ba Lan. Chính quyền Ba Lan chỉ là phía thứ ba trong vụ kiện Nga tại tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Putin sẽ có mặt ngày kia, mùng 7 tháng 4 tại rừng Katyń để tham dự ngày giỗ của 22 ngàn nạn nhân. Đây là cử chỉ được bình luận là tích cực dù lá thư của chính quyền nước Nga gửi tòa Strasgurg đã đào sâu ngờ vực về thiện chí thật của nước này trong nỗ lực giải quyết dứt điểm và làm sáng tỏ thảm sát Katyń.

© Bến Việt – www.benviet.org

 (*) Andrzej Wajda, con trai nạn nhân sĩ quan bị giết tại Katyń, đạo diễn lừng danh thế giới của Ba Lan, từng nhận Oscar cho sự nghiệp làm phim.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét