Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Foreign Policy - Nền kinh tế rối ren và ông thầy tu lộn xộn

Will Inboden
Tqvn2004 chuyển ngữ

Hai tin tức phát đi từ Việt Nam trong vài ngày qua cho thấy những thách thức đáng kể mà quốc gia đầy hứa hẹn này vẫn phải đối mặt. Những câu chuyện này, thoạt nhìn, tưởng như không có điểm gì chung. Tin thứ nhất, từ tờ Washington Post, liên quan một vụ việc kinh hoàng, trong đó tên côn đồ mang danh an ninh Việt Nam đã tấn công một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang cố gắng tới thăm một linh mục Công Giáo bất đồng chính kiến, ông Nguyễn Văn Lý, người đang chịu sự quản thúc tại gia. Tin thứ hai, từ New York Times, mô tả những bất ổn kinh tế đang cản trở Việt Nam, khi mà các doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam và đồng tiền thiếu ổn định của quốc gia này đối mặt với thực tế khắc nghiệt của thị trường tài chính quốc tế. Phía sau hai câu chuyện nói trên là cùng một chủ đề: Trách nhiệm của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng duy nhất lãnh đạo Việt Nam, và sự độc đoán già yếu của nó.

Phần lớn các cuộc tranh luận hiện thời về mô hình phát triển của Trung Quốc (và cả Nga) với chủ nghĩa tư bản độc tài đã bỏ qua một thực tế là có những quốc gia khác, chẳng hạn như Việt Nam, đang cố gắng theo đuổi con đường tương tự. Họ đã có cả thành tựu lẫn thất bại. Kể từ khi Bộ Chính trị của Việt Nam khánh thành phương án "đổi mới" chấp nhận tự do hóa nền kinh tế vào năm 1986, quốc gian này đã phát triển với tốc độ trung bình 7 phần trăm / năm. Đằng sau những con số ấn tượng là vô số công dân Việt Nam có đời sống được cải thiện đáng kể trong hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, như nhà kinh tế Herb Stein (đã qua đời) đã tuyên bố trong luật cùng tên của mình: "Nếu cái gì không thể tiếp tục mãi mãi, thì nó sẽ dừng lại". Đó là trường hợp của những hy vọng về tăng trưởng bền vững trong một hệ thống dễ vỡ như của Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản vẫn lên kế hoạch cho nhiều hoạt động kinh tế và cố gắng trong tuyệt vọng để bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước khỏi các luật chơi của thị trường. Tin tức trên tờ Time bao gồm những thống kê cho thấy sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: Các doanh nghiệp này hấp thụ 40 phần trăm vốn đầu tư trong nước, nhưng chỉ sản xuất 25 phần trăm của tổng sản phẩm quốc nội. Sự phân bổ nguồn vốn sai lầm như vậy có hậu quả tai hại, chẳng hạn như lạm phát, xếp hạng tín dụng bị hạ thấp, lãi suất tăng, và thị trường chứng khoán đình trệ.

Trường hợp của Cha Lý miêu tả căn bệnh độc tài đảng trị ở Việt Nam một cách sinh động hơn so với các con số thống kê kinh tế. Cùng với sư thầy Thích Quảng Đô bên Phật Giáo, người cũng bị quản thúc tại gia - vâng, đúng ra là quản thúc tại chùa, Cha Lý là một trong những nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến nổi bật ở quốc gia này. Linh mục này đã bị cầm tù và được thả nhiều lần trước đây, chủ yếu do áp lực của quốc tế, và những chỉ trích trực diện của ông đối với chính quyền thường xuyên kích thích để Đảng CS hiển thị một cách dại dột những thói xấu của mình. Chẳng hạn như gần đây nhất, các nhân viên an ninh Việt Nam đã tấn công thành viên của Tòa đại sứ Hoa Kỳ, ông Christian Marchant, chỉ vì ông này cố gắng vào thăm nhà Cha Lý. Liệu có phải những nhân viên an ninh bạo tàn đó đã làm theo lệnh của một Ủy viên Bộ Chính Trị bực tức, đang gào lên "ai giúp tôi loại bỏ cái thằng cha linh mục lộn xộn kia không"? Hay hành động đó chẳng qua là một "hành vi quá khích của quan chức địa phương"? Dù diễn giải theo hướng nào đi nữa, thì vụ tấn công quan chức ngoại giao Hoa Kỳ này cũng là một điều không hay làm tổn thương đến chính phủ Việt Nam.

Một điều trớ trêu là, cả hai sự kiện tồi tệ về nhân quyền và về kinh tế này lại diễn ra vào lúc có sự gia tăng quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Những mối quan hệ được cải thiện, bắt đầu từ thời Clinton, và được tiếp tục dưới thời Bush và Obama, là một xu hướng đang hoan nghênh và cần được tiếp tục như một phần của chính sách chiến lược lớn của Hoa Kỳ tại Châu Á. Nhưng một chính sách địa chính trị không ngoan cần bao hàm tất cả mọi khía cạnh của mối quan hệ. Như chính quyền Bush đã chứng minh: có thể vừa ép Việt Nam mạnh mẽ về cải thiện nhân quyền, trong khi vẫn tăng cường các mối quan hệ song phương trên nhiều mặt. Thậm chí nhiều hơn như vậy, về lâu về dài, một Việt Nam tôn trọng cácquyền tự do kinh tế, chính trị và tôn giáo của người dân sẽ là một đối tác đáng tin cậy hơn đối với Hoa Kỳ, và có lẽ thậm chí trở thành một chương thành công khác trong câu chuyện về tự do ở châu Á.

Bài báo trên tờ Times kết thúc với một quan sát lạc quan rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức kinh tế mới nhất vì nó có những người dân năng động, dễ phục hồi, và tận tụy. Những ai đã đến thăm hay sống tại Việt Nam trong những năm gần đây đều có thể làm chứng rằng người dân Việt Nam quả thực là một viên ngọc: duyên dáng, chăm chỉ, lạc quan. Đó là lý do tại sao Việt Nam sẽ không bao giờ đạt đến tiềm năng của mình dưới một chính phủ vô trách nhiệm, luôn cố gắng để bịt miệng những công dân sáng tạo nhất, can đảm nhất của mình, như Cha Lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét