Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Nhìn lại cuộc di cư 1954-1955 (III)

Số người tập kết ra Bắc

Theo phúc trình của Ba Lan, tàu Ba Lan đã chở 85 ngàn người ra Bắc so với con số 800 ngàn người vào Nam. Theo báo cáo “Chuyên chở bộ đội Việt Minh trên tầu Kilinski 1954-1955 (Nautologia 2001 n.1-2(136), trang 18-21) của thuyền trưởng tầu Jan Kilinski, ngày 07/04/1955 thì tổng cộng chỉ một mình chiếc tầu Ba Lan đã chở khoảng 85.000 người từ Nam ra Bắc, 3.500 tấn thiết bị quân sự và 250 tấn đạn dược ra Bắc. Con số 85.000 người do chỉ một chiếc tầu thôi, giả dụ mỗi lần chở được tối đa 5000 người, tàu JanKilinski phải mất bao nhiêu chuyến hải trình?

Chiếc chiến hạm Mỹ chở nhiều chuyến nhất và nhiều người nhất là tầu General House, đã chở được 50.000 người di cư vào miền Nam. Chiếc General House thuộc loại tầu đổ bộ T-AP, dùng để chuyên chở binh lính. Bình thường chở từ 1200-2000 binh sĩ. Chở quá tải là 3000 người. Trường hợp khẩn cấp có thể chở từ 5000-7000 người. (Trích OPTF, trang 213)

Theo Ramesh Thakur trong cuốn Peacemaking in Viet Nam, (The University of of Alberta Press,1984, trang 131) thì con số người từ Nam ra Bắc thật ít ỏi. Chỉ có 4269 người bỏ miền Nam ra miền Bắc. Trong khi đó Ronald B. Frankum, Jr. viết như sau:

Peacekeeping in Vietnam: Canada, India, Poland, and the International Commission by Ramesh Chandra Thakur
Nguồn: University of Alberta, 1984
“At the same time, personnel and equipment moved to the South, The French and Polish were involved in transporting those who wished to go to the North.The French had allocated approximately ten shịps for Viet Minh transportations and had estimated that sixteen thousand of the possible one hundred fifty thousand personnel had already completed the trip north.”

Cùng lúc, các nhân viên và các thiết bị được chuyển vào Nam, Pháp và Ba Lan đã để hết tâm trí vào việc chuyên chở những người muốn được đi ra Bắc. Nước Pháp đã phân phối cho Việt Minh độ 10 chiếc tầu để chuyên chở và ước lượng vào khoảng 16 ngàn người trên tổng số ước lượng có thể là 150.000 ngàn nhân viên đã hoàn tất chuyến đi ra Bắc rồi”. (Trích OPTF, trang 138)

Theo tài liệu trong cuốn Cuộc Di Cư Lịch Sử trang 244, thì chuyến bay đầu tiên chở người ra Bắc vào ngày 08/04/1955 và tổng cộng chỉ có 15 chuyến.

Có 1018 người được chở ra Bắc bằng phi cơ.

Và có 3340 được chở ra Bắc bằng tàu thủy của Pháp. Cộng chung là 4.358 người.

Tài liệu của Phủ Tổng Ủy Di cư rõ ràng là thiếu sót, vì không đề cập đến số lượng người được chở ra Bắc bằng tàu của Ba Lan như đã nêu trên. Vì thế con số hơn 4000 người được chở ra Bắc là không xác thực.

Tuy nhiên, có một sự thực không thể chối cãi là sau này có một số người tập kết đã bỏ trốn về miền Nam như trường hợp anh Trịnh Minh Cầm ở tỉnh Bình Định và đồng bạn. Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia thời 1955 có bài viết tường thuật đầy đủ về trường hợp của anh Nguyễn Minh Cầm. Theo anh Cầm, đã có khoảng 300 người đã cùng trốn đi như thế với anh và họ đã vào được đến Quảng Bình, rồi từ Quảng Bình tới được bờ sông Bến Hải. Nhưng khi tới được bờ sông Bến Hải thì chỉ còn lại có 195 người, những người khác đã chết ở dọc đường. (Trích Cuộc Di Cư Lịch Sử, Phủ Tổng Ủy Di Cư, trang 250)

Trên những chuyến tầu chở ra Bắc của tầu Kilinski, Ba Lan, người viết có tấm hình bộ đội Bắc Việt chở ra Bắc cả một đàn voi vốn là phương tiện chuyên chở của bộ đội Bắc Việt ở Cao nguyên Trung phần.

Riêng một số người di cư được tầu Ba Lan “chở dùm” vào miền Nam thì không được cái may mắn như những người di cư được chở vào miền Nam trên các tàu Mỹ. Đó là trường hợp cuộc ra đi bất hạnh của một số đồng bào Ba Làng (Thanh Hóa) di cư vào Nam trên tầu Kilinski của Ba Lan. Và đây là lời kể lại của những con người bất hạnh đó:

“Chúng tôi bước lên tầu Ba Lan với tất cả hồi hộp và lo sợ vì chúng tôi vẫn có cảm tưởng bọn Việt Cộng sẽ đưa chúng tôi đi biệt tích một nơi nào khác, chứ không phải vào Nam. Chính vì sợ thế mà nhiều đồng bào chúng tôi không dám đi... Việt Minh chia chúng tôi làm 3 hạng, hạng “phản động” bị giam xuống đáy tầu, nóng như lò lửa. Hạng “lừng khừng”, hạng “tiến bộ” được đối xử khá hơn, bị gò ép như cá hộp, nghẹt thở và không phân biệt lúc nào là ngày và đêm. Ăn thì mỗi ngày được lưng bát cơm với một miếng thịt bò nhỏ xíu mà mặn không thể tưởng tượng... Một số đàn bà trẻ con vì nhịn đói, nhịn khát, nóng bức quá nên bị ngất đi...Thủy thủ Ba Lan trên tầu này không hề nhìn ngó đến chúng tôi.
(Trích Cuộc Di Cư Lịch Sử, Phủ Tổng Ủy Di Cư, trang 252)

Người Pháp cũng nhờ Hải quân Mỹ chở người tập kết ra Bắc. Vào ngày 15 tháng 8, Hải quân đô đốc Sabin đã từ chối yêu cầu của người Pháp chở 18.000 người tập kết ra miền Bắc. Và kể từ đó, Hải quân Mỹ được lệnh từ chối tất cả mọi yêu cầu chở người tập kết ra Bắc. Chúng ta không kể đến một số không nhỏ nhiều người theo Việt Minh còn lưỡng lự không muốn rời bỏ miền Nam để ra sinh sống ngoài Bắc. Cũng không kể có một số người được cài lại miền Nam để phá rối hiệp định Geneva.

Tài liệu đọc thêm: Người viết hiện đang có trong tay tập tài liệu của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ (? – DCVOnline) ghi lại về việc cộng sản cài người ở lại miền Nam Việt Nam như sau: Cuộc xâm lược từ miền Bắc, hồ sơ về chiến dịch chinh phục miền Nam Viêt Nam của Bắc Việt. Trong phần V của tập tài liệu có ghi như sau:
“Khi Việt Nam bị chia đôi, hàng ngàn đảng viên được lựa chọn kỹ càng và được lệnh ở lại tại chỗ miền Nam và gìn giữ guồng máy bí mật của họ cho nguyên vẹn hầu giúp tăng tiến mục đích của Hà Nội. Võ khí và đạn dược được tích trữ để sau này được đem dùng. Du kích quân trở về với gia đình để chờ lời kêu gọi của Đảng. Những kẻ khác rút vào những sào huyệt ở tận rừng sâu.

Đa số, khoảng 90 ngàn người đi ra Bắc Việt.
(Trích tài liệu của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, trang 26)

Việt Nam Cộng Hòa sau này cũng cho xuất bản một cuốn Bạch thư nhan đề: Chính sách xâm lược của Việt Minh Cộng sản do chính phủ VNCH ấn hành vào tháng 07/1962.

Trong các con số Việt Minh tập kết ra Bắc, con số nào là chính xác? Khi những người miền Nam được gọi là “tập kết” ra Bắc, phần không nhỏ, bọn họ để lại gia đình trong Nam. Vậy con số 85.000 được chuyên chở trên chỉ một chiếc tầu thủy theo thuyền trưởng tầu Ba Lan có tin được không? Cũng không hiểu tầu Kilinski thuộc loại tầu gì? Khả năng chuyên chở tối đa là bao nhiêu? Và họ đã chuyên chở bao nhiêu chuyến từ Bắc vào Nam? Tỉ lệ quá chênh lệch (giữa hai bên) này nói gì?(1)


Những sĩ quan và quân đội quốc gia tiếp quản những khu vực do Việt Minh trao trả lại trước khi ra Bắc theo Hiệp Định Geneva

Đây là một vấn đề ít được sách vở tài liệu nói tới. Theo lời một nhân chứng, đại úy Tùng lúc bấy giờ là sĩ quan tham dự vào chiến dịch tiếp quản này kể lại như sau cho tôi như một chứng từ miệng.

Đại úy Tùng thuộc đơn vị Sub Division Nam Định. Đơn vị này trước đây thuộc quân đội Pháp và đã được chuyển giao cho quân đội Quốc gia vào năm 1954 do sĩ quan Dương Quý Phan làm Tư lệnh. Trong đơn vị này có các sĩ quan như Tôn Thất Xứng (sau này thăng Thiếu tướng) trung tá Phạm Văn Đổng (sau cũng thăng Thiếu Tướng).

Sau đó, đại úy Tùng được lệnh di chuyển vào miền Nam, tháng 07/1954. Đơn vị của ông do đại tá Lê Văn Kim (sau này thăng Trung tướng) làm chỉ huy trưởng cuộc hành quân. Tôn Thất Đính (sau thăng Trung Tướng) làm Tham Mưu trưởng đi tàu há mồm LST của Pháp đổ bộ Sa Huỳnh rồi thẳng đường đến Quy Nhơn. Tuy nhiên, việc tiếp quản lại do một tiểu đoàn dù của Tây đi trước nhận bàn giao trực tiếp từ phía Việt Minh, sau đó mới giao lại cho quân đội Quốc Gia. Sau khi tiếp quản Quy Nhơn rồi lần lượt đến tiếp quản Sông Cầu, Tuy Hòa. Cũng xin nhắc lại trước khi có Hiệp định Geneva thì nơi đây đã xẩy ra một cuộc hành quân lớn tên Operation Atlante có sự tham dự của Đỗ Cao Trí mang một Tiểu đoàn Khinh binh từ Bắc vào Tuy Hòa. Cuộc hành quân kết cục là thất bại.

Tình hình ở Quy Nhơn lúc bấy giờ nằm trong tay quân đội Việt Minh. Không có điện, nước. Chỉ ở đường phố chính có điện nhờ dùng hai dynamô của xe thiết giáp chạy bằng dầu hỏa. Việc giao thông thì có một đoạn đường xe lửa chạy dài chừng 20 kilô mét, chỉ có một toa. Không có đầu máy. Khi chạy thì người ta dùng tay nhận một cái cần từ trên xuống dưới như một thứ piston, cộng thêm sức của chừng 10 người đẩy cho toa xe lửa có đà để chạy. Khi nào toa xe ngừng lại thì xuống đẩy tiếp. Đến nơi thì họ lại nhảy xuống kéo thừng để cho toa xe ngừng lại thay cái thắng.

Tình hình dân chúng thì tỏ vẻ lạnh nhạt, nếu không nói là ác cảm với quân đội Quốc Gia. Một lần, lính Quốc Gia mang trứng gà đến nhà dân để xin luộc, dân chúng từ chối không cho mượn bếp để luộc trứng.

Sau này, quân đội Quốc Gia phải bỏ công rất nhiều, dùng tâm lý chiến để lấy được lòng dân. Đặc biệt, sau khi tiếp quản Quy Nhơn xong thì thủ tướng Ngô Đình Diệm có ra thăm ủy lạo dân chúng và sau đó, trong dân gian đã truyền tụng hai câu thơ như sau:

Mười năm không thấy cụ Hồ
Mới có 10 ngày đã đón cụ Ngô



Operation Passage to Freedom.

Phải nói rằng năm 1954-1955 đánh dấu một cuộc di cư vĩ đại về người trong lịch sử nhân loại. Và đối với người Mỹ, nhất là những thủy thủ trực tiếp trong việc cứu vớt người tị nạn thì công việc cứu giúp người di cư từ miền Bắc vào miền Nam thì trước hết và sau cùng cũng vẫn chỉ là một trách nhiệm tinh thần, một Moral obligation của một dân tộc giúp một dân tộc để có thể sống tự do trong một chính thể dân chủ, không bị đe dọa bởi cộng sản.

Săn sóc nguời di cư trên tàu USS Bayfield, 1954
Nguồn: HQ Hoa Kỳ/Thư khố Quốc gia
Thật vậy, đối với phần đông các thủy thủ các tầu chiến, đại diện cho nước Mỹ nay ở tuổi 70 và 80, họ chỉ nhìn thấy công việc của họ với tính cách nhân đạo và cả đời họ sau này, điều gì còn lại vẫn là tình nhân loại trong công việc làm của họ.

Họ được quyền được hiểu như thế.

Sự dấn thân và tinh thần lý tưởng ấy vẫn phải được nhìn nhận. Mặc dầu sau này, chính phủ Mỹ đã trực tiếp tham gia vào chiến trường miền Nam thì đó lại là một vấn đề khác, nhất định không phải là vấn đề của họ.

Riêng đối với người Việt Nam từ Bắc chí Nam, ý nghĩa cuộc di cư ấy là một chọn lựa chính trị dứt khoát không chấp nhận chế độ cộng sản.

Cả thế giới đã chú tâm theo dõi biến cố chính trị thời đó. Đặc biệt là báo chí Mỹ. Tôi tâm đắc với nhan đề một bài báo với hàng chữ lớn: Let Our People go. Hãy để cho dân chúng tôi đi. Hành trình ra đi đó gợi nhớ cho người viết cuộc ra đi hơn 2000 năm trước đây của người Do Thái ra khỏi Ai Cập đi tìm miền đất hứa.

Và xin được dẫn một chứng từ về cuộc ra đi hào hùng ấy của đồng bào Thanh Hóa (thuộc liên khu 4 của Việt Cộng):

“Kế hoạch bàn định xong, vào một đêm không trăng, chúng tôi cho đàn bà trẻ con xuống bè mảng trước, còn đàn ông chúng tôi ở lại điều khiển đốt làng.“Đốt cho sạch”, ấy là khẩu hiệu chung của chúng tôi. Mỗi gia trưởng và trai tráng trong mỗi gia đình đều có nhiệm vụ thanh toán bằng lửa túp nhà của mình, nên ai nấy đều hăm hở, mặc dù là đốt mồ hôi nước mắt của chính mình.Thế rồi hiệu lệnh phát ra, trăm bó đuốc châm lên, trăm ngôi nhà đỏ rực.

Đây mới thực là lửa đỏ căm hờn bùng cháy.

Lửa đỏ đầy làng, đốt cháy bao cơ nghiệp của dân làng, mà dân làng đều vui mầng hớn hở cũng đau đớn thật. Xong công việc chúng tôi rút lui ra chỗ thuyền bè đậu, cách xa bờ độ 100 thước, và hối hả chống chèo hướng ra bể khơi. Chúng tôi say sưa chèo mãi cho đến khi ánh lửa trên bờ tàn và dần dần tắt hẳn mới trở lại thực tại và thấy mình lênh đênh giữa biển cả...

Đi là cái hy vọng độc nhất của chúng tôi. Mãi cho đến lúc rạng đông, mặt biển song sao, gió lộng, ánh thái dương ló dạng chúng tôi mới quay lại phía sau, nhìn lên bờ, nhưng không thấy đâu là bờ bến cả.

Lênh đênh trên mặt biển cho đến lúc đứng bóng thì đoàn chúng tôi trông thấy một chiếc tầu chiến ở ngoài xa. Chúng tôi reo hò, giơ tay vẫy, có người có sáng kiến hơn, cột mảnh áo trắng lên trên cây xào làm cờ phất lia lịa. May quá, chiếc tầu chiếu đèn lên 5,6 lần hướng về phía chúng tôi. Một hồi sau chúng tôi tiến đến bên tầu chiến. Các sĩ quan và thủy thủ hình như đã được lệnh tiếp đón chúng tôi, nên họ không hỏi han gì cả dòng thang giây xuống đón chúng tôi. Họ niềm nở, đỡ tất cả bọn chúng tôi lên tầu, và mọi người lúc ấy mới thật là hú vía, thoát hiểm.

Và tàu cập bến Hải Phòng lúc 2 giờ đêm.
(Trích Cuộc Di cư lịch sử, trang 90-91)

Nhưng đã có bao nhiêu người di cư may mắn như đám người trên?

Tác giả Minh Võ, trong bài viết: Di cư, một kỷ niệm đắng cay sau trở nên ngọt ngào viết:

“Mẹ tôi kể lại, bốn mẹ con phải đi 4 lần mới có một lần thành công. Đường đi dài gần 200 cây số mà cứ gần đến Hải Phòng thì lại phải dẫn nhau quay về, vì lần nào cũng bị Việt Minh ngăn cản, dụ dỗ, đe dọa. Lần thứ bốn, may có một cán bộ địa phương thương tình cấp giấy tờ cho đi hợp pháp mới tới nơi. Bà đã gặp lại người cán bộ này tại miền Nam chỉ ít ngày sau đó. Anh ta nói khi cấp giấy cho gia đình tôi, là trong bụng đã ôm mộng bỏ đảng ra đi rồi.
(Trích Minh Võ, trong Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, trang 293-294)

Cuộc di cư này có thể chia ra ba giai đoạn: tiếp cư, di cư, và định cư.


Giai đoạn tiếp cư

Trại tạm cư Dốc Mơ
Nguồn: National Geographic magazine, June 1955/truyen-thong.org
Ngay khi nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ ngày 07/05 và thỏa ước Geneva vừa được ký kết ngày 20/7 chưa ráo mực thì đã có những chuyển biến trong dân chúng.

Đúng ra là một cuộc khủng hoảng, xáo trộn lựa chọn chính trị giữa đi hay ở. Nó không giống hoàn cảnh một thứ tháo chạy rút quân như ở Ban Mê Thuột. Nhưng nó cũng có một vài góc cạnh giống như thế. Việc đi hay ở tùy thuộc khu vực dân chúng nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh cộng sản hay trong vùng kiểm soát của Quốc gia. Nhiều cuộc di chuyển tháo chạy, co cụm chuyển từ vùng ít an toàn sang vùng an toàn hơn.

Người Pháp đã không nghĩ tới hoặc không có một kế hoạch cụ thể nào nhằm tạm cư những người dời bỏ làng mạc ra đi. Trong Passing the Torch (tác giả, năm xuất bản? – DCVOnline) đã nhận xét như thế này: “When refugees surged into Hai Phong, they encountered the chaos of an overcrowded and hostile city. By August 10, 1954, an estimated two hundred thousand refugees were encamped at Hanoi and awaiting evacuation. (Trích trang 98) Khi số người di cư tràn ngập về Hải Phòng, họ gặp phải tình trạng hỗn độn, tràn ngập người và sự thù nghịch của thành phố. Đến 10/8/1954, có khoảng 200.000 người tỵ nạn tạm trú ở Hà Nội và chờ đợi được di cư.

Trong khi đó, dân chúng các tỉnh phía Nam của Bắc phần bỏ làng mạc và tập trung về những vùng như Bùi Chu, Phát Diệm, Nam Định và Phủ Lý mà họ cho là an toàn hơn. Chẳng hạn tỉnh Bùi Chu có cả thảy 365 làng, nhưng phần lớn đều không có an ninh. Khi nghe tin Điện Biên Phủ thất trận thì dân chúng bỏ chạy co cụm về chung quanh tỉnh Bùi Chu.

Trong sách Cuộc Di Cư Lịch Sử, trang 83 được viết lại như sau:
“Rồi cùng với những cuộc triệt thoái của quân đội Liên Hiệp Pháp khỏi các tỉnh miền Nam Trung-châu Bắc Việt, nhân dân các tỉnh Bùi Chu, Ninh Bình, Nam Định, Phủ Lý vội vàng chạy về Hà Nội. Tiếp đó nhân dân các tỉnh chung quanh Hà Nội như Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc Yên cũng hốt hoảng kéo về Hà Nội. Những lớp sóng người dồn dập kéo về Hà Nội giữa khi dân chúng đô thành hoang mang lo lắng đã thức tỉnh những kẻ hoài nghi, do dự và châm ngòi cho phong trào di cư bùng nổ 3 ngày trước khi Hiệp định Geneva được ký kết. Chuyến tầu đầu tiên chở dân chúng Phát Diệm di cư vào Nam rời cửa biển Bắc Việt vào ngày 17/07/1954 và cặp bến Sài Gòn ngày 21/07/1954.

Xin nói cho rõ hơn, Bùi Chu và Phát Diệm là hai vùng bị triệt thoái đầu tiên của quân đội Pháp nên Bùi Chu và Phát Diệm cũng là những nơi đầu tiên mở đầu cho phong trào di cư vào miền Nam. Vì thế không lạ gì, tầu Thuỵ Điển Anna Salen rời cửa biển Bắc Việt và vào đến cảng Sài Gòn chỉ một ngày sau khi Hiệp định Geneva được ký kết.

Như vâỵ, người dân Phát Diệm là những người đầu tiên chính thức di cư từ miền Bắc vào miền Nam.

Phong trào di cư sau đó cứ thế mà lan rộng.

Ở đây, nơi những khu vực tạm trú, mọi thứ đều thiếu thốn vì không được chuẩn bị. Chẳng hạn toàn tỉnh Bùi Chu chỉ có một nhà thương với 85 giường bệnh để phục vụ cho 440.000 dân. Chính quyền Quốc gia và Pháp tỏ ra bất lực. May có cơ quan USOM của Mỹ giúp giải quyết được một phần nào những khó khăn về thuốc men và nước uống.

Như đã nói ở trên, chỉ tính đến ngày10/08/1954, người Pháp và chính phủ quốc gia phải đối đầu với 200.000 người di cư chờ được đi vào Nam. Lo chỗ ăn, chỗ ở nước uống, bệnh xá cho 200.000 người chắc không dễ?

Phần chính phủ Pháp, họ chưa thoát ra khỏi hết nỗi ám ảnh tuyệt vọng bị thất trận ở Điện Biên Phủ. Và theo tinh thần Hiệp định Geneva, họ phải rút khỏi Đông Dương trong vòng hai năm. Trong thời gian này, họ cần 400 triệu đô la Mỹ để nuôi quân lính Pháp. Ai sẽ tài trợ số tiền này, nếu không phải là Mỹ. Việc chuyên chở thương phế binh về Pháp cũng phải thương lượng với người Mỹ. Mối bận tâm hằng đầu của họ chỉ là triệt thoái an toàn binh đội Pháp ra khỏi Bắc Việt. Ngay trước khi thất trận Điện Biên Phủ, người Pháp đã có kế hoạch rút khỏi Bắc Việt các cơ sở hành chánh như ngân hàng, các cơ sở giáo dục, các trường Tây đưa vào miền Nam.

Và họ đã làm.

Nhưng họ có đủ phương tiện tiền bạc và kế hoạch để giải quyết vấn đề di chuyển của người tị nạn sau hiệp định Geneva không?

Phần chính phủ ông Diệm mà người ta gọi là “l’homme nouveau”, người mới, tiếng là thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam từ Nam ra Bắc, nhưng xem ra quyền hành của ông thu gọn ở phía Nam hơn là phía Bắc. Không thể trách được vì ngày 26/06/1954, ông Diệm mới đặt chân xuống Sài Gòn trong một tình huống cực kỳ bấp bênh và hỗn loạn. Bấp bênh vì có nhiều chống đối từ phía người Mỹ và nhất là phía người Pháp bằng đủ thứ ngôn ngữ thô tục nhất gán ghép cho ông như: thiển cận, bướng bỉnh, quá cứng rắn, một giải-pháp-khác-Diệm, chống cộng cực đoan, người khó khăn để liên hệ, kẻ tiên tri không có lời rao giảng. Nhiều giải pháp, nhiều tên tuổi được nêu ra trong danh sách những người có thể thay thế ông Diệm.

Salan đã đón chào ông Diệm về làm thủ tướng bằng cách ra lệnh triệt thoái quân đội viễn chinh Pháp ra khỏi 4 tỉnh phía Nam của Bắc Việt và sau đó để quân đội quốc gia thay thế. Việc triệt thoái binh đội Pháp ra khỏi 4 tỉnh phía Nam trước sau cũng phải làm. Nhưng làm sao để không gây ra những bất ổn chính trị, tình trạng hoảng loạn không tránh được của thành phần dân chúng sống trong các vùng tề do Pháp kiểm soát?

Xin trích dẫn Trần Tam Tỉnh, kẻ đưa đường cho cộng sản, mô tả hoàn cảnh người di cư các tỉnh phía Nam Bắc bộ như sau:

Báo chí ngày 25/10/1954 viết: “Cuộc xuất hành bằng đường biển với những người di cư, phần đông phương tiện khác rất yếu ớt, những người di cư, phần đông là công giáo, từ các vùng Bùi Chu, Phát Diệm do Việt Minh kiểm soát, trong vòng 24 giờ qua đã lên tới con số khổng lồ khiến bộ tư lệnh Hải quân Pháp đã phải quyết định vớt họ. Đêm qua và sáng nay, các đơn vị Hải quân Pháp đã chở tới Hải Phòng gần 2000 người di cư, họ vớt được ngoài khơi hải phận Việt Minh, ở lối 100km mạn Nam Hải Phòng.Theo lời những người di cư, hàng ngàn người khác thuộc địa phận Bùi Chu và Phát Diệm đang tìm cách chạy trốn, có khi phải trả 5000 quan Pháp cho một chỗ trên các thứ thuyền hoặc bè. Nhiều thuyền bè đã bị lật và đắm luôn trong các cơn bão đang làm dữ mấy ngày này. Như vậy, hàng trăm người di cư đã bị chết đuối trong tai nạn đó. Ngày 26/10/1954, báo chí đưa tin: 15.000 người công giáo bỏ trốn bằng ghe thuyền hoặc bè để đi tìm tự do, từ các địa phận Bùi Chu và Phát Diệm đã tới được Hải Phòng”.
(Trích Thập giá và lưỡi gươm, Trần Tam Tỉnh, trang 109)

Amouroux đã viết trên tờ Aurore lời kêu gọi như sau:
“Chúng ta, thế giới tự do và không chỉ có nước Pháp, chúng ta có thể nào bỏ rơi những con người đó mặc cho sự trả thù, đem quẳng họ lại vào bàn tay cộng sản và làm cho cuộc bỏ trốn kỳ diệu của họ năm 1954 hóa ra vô ích sao?”

Thực sự trên thực tế, quân đội quốc gia cũng đã không thể thay thế quân đội Pháp được. Người viết bài này đã theo anh rể thuộc Bảo An đoàn, từ Phủ Lý được chuyên chở bằng xe camion ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội đáp máy bay vào Tourane vào cuối tháng 07/1954. Đó là những chuyến bay sớm nhất của quân đội Pháp chở binh sĩ Quốc gia và gia đình của họ di cư vào miền Nam.

Dân chúng ở các tỉnh bị quân đội Pháp bỏ rơi như Hưng Yên, Sơn Tây, Hưng Hóa Bắc Ninh còn có nhiều cơ may di cư ra Hải Phòng hoặc Đồ Sơn bằng đường bộ. Khốn đốn nhất là dân chúng di cư từ các tỉnh phía Nam Bắc Việt không dễ dầu trốn đi được bằng đường bộ cũng như đường thủy ra Hải Phòng.

Từ cửa Cồn Thoi ra Hải Phòng trên những mảnh bè tre nứa ghép lại một cách vội vã, tùy tiện bỏ mặc cho sự sống chết là trăm phần gian nan và khốn đốn.

Được tin này, ngày 29/06 ông Diệm phản đối kịch liệt quyết định của người Pháp và yêu cầu người Mỹ can thiệp với thủ tướng Mendes-France. Sự thù hận và mối hiềm khích nghi kỵ của ông Diệm đối với người Pháp từ những sự việc trên kéo dài. Sau này, ông Diệm yêu cầu Pháp chấm dứt mọi liên hệ với Hà Nội. Pháp không đồng ý. Ông cũng nghi ngờ người Pháp là đầu mối giật giây, âm mưu với các giáo phái cũng như đứng đằng sau nhóm Bảy Viễn, Nguyễn Văn Hinh.

Vì thế, khi ổn định xong tình hình chính trị miền Nam thì đã đến lúc người Pháp phải xách gói ra đi. Ngày 28/04/1956, ngày cuối cùng của một số binh đội Pháp còn sót lại diễn hành trên đường phố Catinat, sau đó đáp tầu ở bến cảng Sài gòn trên đường về nước. Cũng có nước mắt tiễn đưa. Ở đâu, thời nào thì cũng thế, người ta nhìn thấy có những mệnh phụ lén lút chùi nước mắt tiếc nuối. Cũng đầy đủ nghi lễ, cũng kèn trống.

Kể từ nay, chế độ thực dân Pháp thực sự chấm dứt.

Phải chăng những nghi thức bề ngoài là những thứ mà lúc nào một người Pháp lịch sự, có văn hóa cũng cần đến? Hình ảnh này nhắc nhở người ta nhớ đến buổi lễ cuốn cờ của quân đội Pháp ở Hà Nội vào tháng 10/1954.

Họ muốn ra đi trong đàng hoàng, trật tự như khi quân đội Pháp rút khỏi Hà Nội để bàn giao lại cho Việt Minh thay thế họ?

Sau này, ông Diệm chỉ riêng tặng huân chương cao quý Presidential Citation with Ribbon of friendship cho Hải quân đô đốc Sabin tại Sài Gòn khi giai đoạn di cư đã hoàn tất.(2)

In recognition of the invaluable services rendered to the free people of Viet Nam by the members of the Royal Navy, engaged in this operation.

I, as President of the Council of Ministers, State of Viet Nam, hereby award to Admiral Sir Charles E. Lambe, KCB, CVO, representing the office and men of the Royal Navy.

The Ribbon of Friendship

During the months of August and September 1954, the members of the Royal Navy assisted to freedom from the terrors of Communist rule in their home territory in North and Central Viet Nam, hundreds of thousands of men, women and children.

Thanks to the efficient and humanitarian assistance of the members of the Royal Navy these refugees have been given an opportunity to start their lives anew in the free territories of Viet Nam.

The free people of Viet Nam express their heartfelt gratitude for this unselfish manifestation of friendship and support.

Saigon, the 7th of October 1954

Chữ Ký: Ngô Đình Diệm
Nguồn: lycos.co.uk
Nhiều tin đồn cho hay quân đội Pháp bỏ bom các tỉnh phía Nam Bắc việt làm chết cả ngàn người và rằng xe nhà binh Pháp chỉ chịu chở thường dân với giá 100 đồng mỗi người. Tin đồn như thế không lấy gì làm chắc chắn và bỏ bom xuống dân chúng để làm gì? Số lượng máy bay dùng để chuyên chở binh đội Pháp và Quốc Gia còn không đủ, lấy đâu ra máy bay để thả bom giết hại dân chúng? Và ở thời kỳ 45-54, những chiếc máy bay quan sát Morane của Pháp bay chậm như rì, chỉ cần một cây đại liên cũng có khả năng bắn rơi. Và xin nhắc nhở một chi tiết nhỏ là loại máy bay Morane chỉ có sàn máy bay là làm bằng sắt, tất cả những phần thân và nóc làm bằng vải bạt. Pháp còn bao nhiêu máy bay DC3 dùng để đi ném bom?

Quân đội Pháp còn rất eo hẹp, nghèo nàn và giới hạn lắm về phương diện máy bay. Và đó cũng là một trong những lý do kỹ thuật làm mất Điện Biên Phủ.

Ngày 30/06, ông Diệm bay ra Hà Nội gặp giới chính quyền người Pháp và bàn thảo, thương lượng về kế hoạch rút quân đội Pháp và Việt Nam. Đồng thời, ông cũng gặp giới chức quân đội và hành chánh Việt Nam. Trong một buổi lễ do chính quyền Việt Nam tiếp đón ông, có việc một số binh đội Quốc gia quần áo, gươm súng nai nịt chỉnh tề, sau đó có buổi lễ tuyên thệ của giới chức trong chính phủ, quỳ và thề trung thành với Quốc Trưởng Bảo Đại.

Kết quả cuộc thương thảo này không biết như thế nào?

Nhưng việc ông Diệm ra Bắc gây được tiếng vang tốt cũng như tin tưởng trong đám người di cư. Ông được coi như linh hồn của cuộc di cư và một thứ bản mệnh tương lai cho họ, nhất là những người theo đạo Thiên Chúa.

Lúc này, chung quanh Hà Nội như Gia Lâm, Hàm Long, Thái Hà Ấp, Nhà Ga Hàng Cỏ, chung quanh hồ Hoàn Kiếm, la liệt người di cư từ khắp nơi đổ về. Chỗ nào có đất trống là có người đến trú ở tạm. Ăn nằm la liệt ngổn ngang khắp nơi, một vỉa hè, một công viên. Người Mỹ đã cung cấp 18.848 tấn gạo, 1200 tấn cá khô cho các trại tiếp cư chung quanh Hải Phòng. USOM đã giải tỏa 31 triệu đồng để mua thực phẩm dự trữ. (Trích OPTF, trang 23).


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét