Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Không có đảng nào như Đảng Cộng Sản - PHÓNG SỰ ẢNH

Nhìn lại 90 năm Đảng Cộng Sản ở Trung Quốc

Người viết các chú thích ảnh: Ty McCormick

Ngày 1 tháng 7 năm 2011

1 – Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đang chuẩn bị cho việc kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập của họ vào tuần này. Trong một nỗ lực tuyên truyền nhằm gây ấn tượng, CCP đã bảo trợ các buổi hòa nhạc, các buổi biểu diễn và các cuộc triển lãm nghệ thuật cách mạng cũng như “đại hội thể thao đỏ” và “du lịch đỏ” – tất cả đều nhằm lôi kéo sự quan tâm tới một thứ như là tiểu sử các “vị thánh” Cách Mạng. Thậm chí để đánh dấu dịp này CCP còn mua hai bức thư viết tay của Karl Marx. Cách đây chín mươi năm, khi Mao và 12 đại biểu ban đêm bí mật gặp nhau để thành lập CCP thì chủ đích của họ là tạo dựng một xã hội vô sản không tưởng. Trong những năm sau đó Mao đã kích động một cuộc cách mạng quần chúng nông dân để chống lại lực lượng Quốc dân đảng và Nhật và cuối cùng đã thống nhất đất nước Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản vào năm 1949. Nhưng di sản ý thức hệ của Mao là một di sản đầy gai góc, bởi lẽ trong khi tầm nhìn lý tưởng của ông ta đến giờ vẫn còn gợi lên một nỗi hoài cổ nhất định nào đó thì những chính sách trên thực tế của ông ta – cụ thể là Đại Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa – đã để lại hơn 20 triệu cái chết và gây tác hại không thể kể xiết cho cơ cấu xã hội của Trung Quốc.

Trong một thế giới của sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc thì người ta ngày càng khó nhận ra sự liên quan giữa chủ nghĩa cộng sản và vị thế ngày càng lớn mạnh của những nhà tư bản khổng lồ ở đất nước này. Hôm nay, đảng vẫn tiếp tục duy trì sự tồn tại chủ yếu như là một mạng lưới bảo trợ cho phép các đảng viên có cơ hội nhận được những công việc tốt trong chính phủ và khu vực nhà nước. Như tờ Bloomberg đã diễn tả, đảng hứa hẹn đảm bảo “an ninh, sức mạnh và một đường lối để đi đến sự thịnh vượng.” Mặc dù 1,24 triệu sinh viên đại học đã gia nhập đảng trong năm ngoái, song có lẽ người ta đã hiểu tại sao những lý tưởng cách mạng về ruộng đất đang có vẻ như là một cơ hội kinh doanh hơn là một triết học soi đường chỉ lối.

Dưới đây là một cái nhìn để thấy lãnh đạo CCP đã điều khiển như thế nào công cuộc đổi thay đáng kinh ngạc của Trung Quốc trong 90 năm qua.

2 – Mao đang nói chuyện trước một đám đông tại Đại học Kangdah Cave năm 1939, kêu gọi kháng chiến mạnh mẽ hơn nữa chống lại Quân đội Hoàng Gia Nhật. Bài nói chuyện này được thực hiện trong thời gian  cuộc Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 2 (1937-1945), cuộc chiến tranh này chủ yếu là giữa Trung Hoa Dân Quốc và Đế chế Nhật Bản xâm lược.  Trước khi nổ ra cuộc chiến tranh này, Đảng Cộng sản Trung Quốc của Mao đã tiến hành một cuộc nội chiến chống Kuomingtang (KMT hoặc gọi theo tiếng Trung Quốc là Trung Hoa Quốc Dân Đảng) là đảng đã lật đổ nhà Thanh vào năm 1911 nhưng hai phe đã liên minh lại để thành lập một mặt trận thống nhất nhằm tống cổ người Nhật. Sau khi Nhật đầu hàng năm 1945 thì cuộc chiến giữa CCP và KMT lại nổ ra một lần nữa.

3 – Cộng quân đang tiến tới gần Thượng Hải hôm 21 tháng 5 năm 1949 trong cuộc Nội chiến Trung Quốc. Cuộc nội chiến này cuối cùng đã dẫn đến sự ly khai của Trung Hoa Dân Quốc (nay là Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã kéo dài – với sự gián đoạn vì cuộc chiến kháng Nhật từ năm 1927 – từ năm 1927 cho tới khi Mao tuyên bố thắng lợi trước lãnh tụ Tưởng Giới Thạch của Quốc Dân Đảng vào tháng 10 năm 1949. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chính thức được thành lập vào ngày 1 tháng 10 nsăm 1949.

4 – Từ trái sang phải: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, Mao, và Lưu Thiếu Kỳ [Liu Shaoqi], chủ tịch nước thứ hai của PRC, đang duyệt đội quân danh dự tại sân bay Bắc Kinh năm 1959 trong đợt kỷ niệm lần thứ 10 ngày thành lập PRC. Mối bất hòa Trung-Xô đang ngày càng khoét rộng ngay từ giai đoạn đó và trong lễ khai mạc Đại hội Đảng 22 tại Moscow năm 1961 Khrushchev đã gọi Trung Hoa Đỏ là “nhóm chống đảng” và những kiến thức “Sta-lin-nít” của họ đã chống lại Moscow.

5 – Mao và Lâm Bưu [Lin Biao], phó thủ tướng của PRC, đang diễu qua đám đông trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1966. Lâm Bưu sau này đã bị mất tích trong một tai nạn máy bay bí ẩn sau âm mưu cho người ám sát Mao.

6 – Thanh niên đang lấy tư thế để chụp ảnh trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản của Trung Quốc [thường gọi tắt là Cách Mạng Văn Hóa] năm 1967. Được bắt đầu vào năm 1966 và kéo dài cho tới khi Mao mất năm 1976, cuộc Cách mạng Văn hóa là một ý định nhằm thanh trừng chủ nghĩa tư bản ra khỏi xã hội Trung Quốc và nhất là để loại bỏ những người thuộc “giai cấp tư sản” đã thâm nhập vào CCP. Hậu quả thật thảm khốc: Hoạt động kinh tế bị nghừng trệ và những đối thủ chính trị của Mao bị thủ tiêu.

7 – Một dàn đồng ca của Hồng Quân Trung Quốc đang ca ngợi Mao Chủ tịch trong một buổi lễ ăn mừng vụ thu hoạch lúa mì năm 1967.

8 – Một đám đông đang hăng hái giơ cuốn “Cuốn sách nhỏ màu đỏ” để cổ vũ Mao tại sân vận động Bắc Kinh năm 1967. Đầu đề chính thức là Những lời trích dẫn Mao Chủ tịch, cuốn sách là một tuyển chọn những bài nói chuyện và trước tác về nhiều chủ đề liên quan đến tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách được coi là một biểu tượng của Cách mạng Văn hóa và nằm trong số những cuốn sách được in với số lượng nhiều nhất của mọi thời đại.

9 – Năm 1969, nông dân Trung Quốc ở vùng Hoằng Cảnh [Hungching] đang đọc to Mao tuyển. Chữ viết dưới chân dung của Mao Chủ tịch viết: “Kỷ niệm khai mạc thành công Đại hội Đảng lần thứ chín! Hãy phấn khởi học tập và làm theo lời dạy của Mao để hưởng ứng một sự kiện trọng đại mới.”

10 – Một tốp Hồng Vệ binh đang vui vẻ lấy tư thế cùng các dụng cụ làm ruộng trong một bức ảnh được đăng bởi hãng tin chính thức của Trung Quốc hồi năm 1971. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Hồng Vệ Binh được giao nhiệm vụ bài trừ tập quán, văn hoá, thói quen và tư tưởng cũ, nhưng vào năm 1968 – sau một số cuộc đụng độ với Quân Giải phóng Nhân dân – Hồng Vệ Binh đã bị giải tán và bị đưa về các vùng nông thôn.

11 – Nông dân ở ngoại ô Bắc Kinh tới viếng Mao qua đời ngày 9 tháng 9 năm 1976 ở tuổi 82. Lễ truy điệu ông đã diễn ra trong tám ngày ở Bắc Kinh. Đám tang của ông được tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân dân với sự tham dự của “cả thế giới,” theo tạp chí Time.  

12 – Một cuộc mít tinh lớn của quân đội và nhân dân để bày tỏ sự ủng hộ dành cho Hoa Quốc Phong [Hua Guofeng] được bầu làm tổng bí thư của CCP. Hoa Quốc Phong, người kế tục do Mao chọn, đã nhậm chức vào ngày 6 tháng 10 năm 1976, nhưng sau đó đã bị lu mờ trước Đặng Tiểu Bình táo bạo và có hiểu biết hơn, người rút cục đã biến đổi đất nước Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế theo hướng thị trường. Mặc dù vậy, thời gian  Hoa Quốc Phong làm việc trên cương vị người cầm lái CCP đã có những cải cách kinh tế và giáo dục mang tính ôn hòa tạo ra một cầu nối quan trọng giữa những năm tháng cuối cùng của Cách mạng Văn hóa chống tư bản của Mao và bước ngoặt bước vào nền kinh tế toàn cầu của Đặng Tiểu Bình. 

13 – Triệu Tử Dương [Zhao Ziyang], một trong những kiến trúc sư chính của những cải cách thị trường tự do của Trung Quốc và là thủ tướng của Trung Quốc từ năm 1980 đến 1987. Bức ảnh được chụp vào năm đầu tiên ông làm thủ tướng.

14 – Triệu Tử Dương và lãnh tụ Cộng sản Tối cao Đặng Tiểu Bình đang hội ý tại Đại hội Đảng lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 1987. Mặc dù Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ giữ chức nguyên thủ quốc gia – ông đồng thời là chủ tịch Ủy ban Cố vấn Trung ương Đảng và chủ tịch Quân ủy Trung ương – song sự tận tụy của ông đối với vấn đề thương mại quốc tế và tiến bộ công nghệ đã giúp ông trở thành người anh hùng của thời kỳ nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.

15 – Hàng trăm nhà hoạt động là sinh viên đang đối mặt với cảnh sát trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 22 tháng 4 năm 1989. Các cuộc biểu tình vì dân chủ đã nổ ra sau khi Hồ Diệu Bang [Hu Yaoban], một quan chức của CCP bị sa thải vì đã ủng hộ công cuộc tự do do hóa chính trị, và chỉ bị dập tắt sau khi các đơn vị Quân Giải phóng Nhân dân đã tàn sát dã man hàng trăm, có thể là hàng nghìn sinh viên biểu tình trong tháng 6 năm 1989.

16 – Triệu Tử Dương nói chuyện với những sinh viên biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn chưa đầy một tháng trước khi xảy ra cuộc đàn áp dã man. Trong bài nói chuyện mang tính hòa giải của ông, ông đã cầu khẩn sinh viên chấm dứt tuyệt thực và đối thoại với chính phủ, đây là một dịp hiếm hoi đảng đã thú nhận những thất bại.”Mọi điều các bạn nói và chỉ trích chúng tôi đều là xứng đáng. Mục đích của tôi ở đây không phải là xin các bạn tha thứ,” ông nói trước khi đề nghị sinh viên hãy chấp nhận một bước đi cải cách mang tính thực tế hơn. “Nếu các bạn ngừng tuyệt thực, chính phủ sẽ không đóng lại cánh cửa đối thoại, dứt khoát không! Những gì các bạn đã đề xuất thì chúng ta có thể tiếp tục thảo luận.” Bài nói chuyện này đã khiến Triệu Tử Dương sớm ra khỏi ban lãnh đạo đảng và bị quản thúc tại gia trong suốt quãng đời còn lại.

17 – Tổng bí thứ Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, người kế nhiệm Triệu Tử Dương, đang phát biểu tại đại hội Đảng lần thứ 14 hôm 12 tháng 10 năm 1992. Trong thời gian ông giữ chức vụ tổng bí thư từ năm 1989 đến 2002, Giang Trạch Dâmn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo đưa Trung Quốc từ bỏ nền kinh tế quốc doanh chủ đạo của thời kỳ Mao để hướng tới một nền kinh tế thị trường có kế hoạch. 

18 – Những con búp bê matryoshka truyền thống của Nga được vẽ chân dung những lãnh tụ Trung Quốc kể từ thời kỳ lật đổ nhà Thanh năm 1911. Từ trái qua phải: chủ tịch lâm thời của Trung Hoa Dân quốc Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch, người sáng lập nước Trung Hoa cộng sản Mao Trạch Đông, lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình, và Chủ tịch Giang Trạch Dân.  

19 – Hồ Cẩm Đào, tổng bí thư hiện nay của CCP, đang phát biểu trước các nhà lãnh đạo các nước tại một bữa tiệc đánh dấu ngày cuối cùng của Thế vận hội Olympic Bắc Kinh hôm 24 tháng 8 năm 2008. Hồ Cẩm Đào thay Giang Trạch Dân làm tổng bí thư vào năm 2002.

20 – Cựu chiến binh 94 tuổi Liu Jiaqi ứa nước mắt khi đội lên đầu chiếc mũ lưỡi trai tại một dịp kỷ niệm “Ôn lại cuộc Vạn lý Trường Chinh,” hôm 22 tháng 7 năm 2006. Vạn lý Trường Chinh  là một cuộc rút lui kéo dài một năm qua 8000 dặm của Hồng Quân Cộng sản bắt đầu từ năm 1934. Chính trong cuộc rút lui này mà nhiều nhà sáng lập PRC, trong đó có Mao, đã lên nắm quyền hành.

21 – Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu tại Đại hội nhân dân toàn quốc lần thứ 11 tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 5 tháng 3 năm 2010. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

22 – “Khách du lịch đỏ” đang khua những lá cờ cộng sản trong một cuộc diễu hành tại một di tích đóng quân lịch sử của Hồng Quân ở gần Quuỳnh Hải [Qionghai] hôm 16 tháng 4 năm 2011. Sự khôi phục trở lại mối quan tâm tới những lý tưởng cách mạng của Mao bắt đầu từ chiến dịch kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của CCP – chỉ có điều hơi trớ trêu một chút – ấy là việc đẻ ra một cái nhãn hiệu du lịch mới mẻ sinh lời như thế này đã lại càng củng cố khuynh hướng ưa thích tư bản của đất nước Trung Quốc. Chỉ cần hơn 23 đô la bạn có thể tới thăm hàng chục di tích cách mạng ở Diên An [Yanan], một thành phố nhỏ của tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc và  được xem tái hiện chiến thắng của cộng sản đối với KMT với đầy đủ pháo binh, xe tăng và máy bay bốc cháy rơi từ trên trời xuống. Toàn bộ dự án này đã thu về 1,17 tỉ đô la chỉ trong năm ngoái.  

23 – Các diễn viên múa đang biểu diễn tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 90 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 28 tháng 6 năm 2011.

Ty McCormick là một nhà nghiên cứu thuộc ban biên tập của Foreign Policy.

Người dịch: Hiền Ba

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét