Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2009

Báo chí VN và vụ bắt LS Lê Công Định


Ông Lê Công Định khi bị bắt

Ông Lê Công Định bị bắt hôm thứ Bảy 13/06

Vụ nhà chức trách Việt Nam bắt luật sư Lê Công Định đã nhanh chóng trở thành tin hàng đầu của các cơ quan truyền thông nước ngoài nói về Việt Nam.

Ngoài sự quan tâm của truyền thông, vụ bắt LS Định còn khiến các diễn đàn mạng sôi động với rất nhiều bình luận và có ngay một trang vận động thả tự do cho ông.

Hết sức quan tâm

Các hãng thông tấn Reuters, AP, AFP đều có bài ngay về vụ bắt "Luật sư bảo vệ cho các nhà hoạt động dân chủ".

BBC News trang tiếng Anh 14/06 chạy tin "Vietnam holds high-profile lawyer" ở top trang châu Á-Thái Bình Dương, trên cả bài về khủng hoảng Bắc Hàn và chuyện Ấn Độ-Macau.

Truyền thông trong vùng, từ tờ Strait Times của Singapore đến bản tin của ABC, Úc cũng nói về vụ"Luật sư Việt Nam bị bắt".

Nhưng có sự khác biệt giữa ba nguồn tin tức, bình luận.

Có thể nói là luật sư Định từng làm việc với mọi thành phần trong xã hội nên tôi thấy khó có thể tin được là ông câu kết với các thế lực thù địch.

Đại sứ Mỹ Michael Michalak

Truyền thông nước ngoài đưa tin và khi trích các báo trong nước hoặc cáo buộc của phía công an Việt Nam với những từ ngữ nặng nề như "phản động", "thù địch", đều để trong ngoặc kép.

Đặc biệt, được đài Tiếng nói Hoa Kỳ phỏng vấn ở Washington hôm Chủ Nhật, Đại sứ Michael Michalak cho biết ông ‘quan tâm và muốn tìm hiểu kỹ hơn' vụ luật sư Lê Công Định bị bắt.

VOA trích lời Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói thêm: "Có thể nói là luật sư Định từng làm việc với mọi thành phần trong xã hội nên tôi thấy khó có thể tin được là ông câu kết với các thế lực thù địch".

Trái lại, truyền thông Việt Nam, từ các tờ có tiếng là cởi mở, tiến bộ đến các tờ nặng tính quan phương như Quân đội Nhân dân, báo ngành công an, hay tờ Hà Nội Mới, đều đăng tin bắt LS Định giống nhau.

Điều này khiến cộng đồng mạng đặt câu hỏi về một sự chuẩn bị từ trước và "đặt hàng" đồng loạt mọi tờ báo phải đăng nội dung công an cung cấp.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng sáng thứ Hai 15/06 đăng ý kiến của một số người dân về vụ bắt LS Lê Công Định.

Cả năm người được trích dẫn, từ một sinh viên tới Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM Phạm Vĩnh Thái đều chỉ trích hành vi "vi phạm pháp luật" c̉ủa ông Định và kiến nghị "phải xử lý theo pháp luật một cách nghiêm minh nhất".

Ông Thái nói ông đã đọc "thông tin trên báo chí".

Bùng nổ trên mạng

Cũng chính cộng đồng mạng ngay từ phút tin về vụ bắt LS Định lan ra, đã bùng nổ với cuộc tranh luận về vụ việc.

Hai xu hướng chính đối chọi nhau hiện là:

Vụ bắt bất thường này là 'một đòn giáng vào giới tinh hoa, trí thức có lòng yêu nước', nhất là những người trẻ.

Họ cũng bày tỏ sự thương cảm với người họ coi là trẻ, có tài mà bị nạn.

Đối lại, với con số không cao, là dạng quan điểm nói 'nếu bị công an bắt thì chắc phải có tội', hoặc phê phán người bị bắt vì 'phản lại tổ quốc', hoặc hơi có tính cá nhân, không thích luật sư Lê Công Định.

Các trang blog cũng bàn sôi nổi về thân thế của ông Định, nhất là chuyện ông là chồng của Hoa hậu Ngọc Khánh.

Sau Lê Công Định sẽ còn là những ai?

Một blogger

Một ý kiến trên mạng Dân Luận bình rằng dù sao thì Hoa hậu Ngọc Khánh nên tự hào về chồng cô vì hai hoa hậu khác ở Việt Nam cũng có chồng bị bắt nhưng là vì tham nhũng hoặc lừa đảo, còn LS Định là vì yêu nước.

Một ý kiến gửi đến trang blog Dr Nikonian thì viết:

"Tôi không cho rằng việc bắt giữ luật sư Định là đúng đắn và có lợi cho hình ảnh VN trong giai đoạn này,"

Nhắc đến cả thời điểm quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, ý kiến này viết tiếp:

"Tôi mong là chính quyền VN không đến nỗi quá mù quáng để không cân nhắc hơn thiệt trong cuộc xử luật sư Định sắp tới."

Blogger 'bác Linh' thì đặt câu hỏi: "Sau Lê Công Định sẽ còn là những ai?"

Trong một phản ứng nhanh chưa từng thấy trước các sự việc liên quan đến chính trị Việt Nam, ngay từ ngày 13/06, đã có một trang mạng bằng tiếng Anh vận động lấy chữ ký ở địa chỉ

http://www.thepetitionsite.com/1/free-vietnamese-advocate-le-cong-dinh

Điểm qua các chữ ký thấy nhiều người tên họ Việt Nam nhưng cũng có cả người Mỹ, Đức, Pháp, Canada tuyên bố họ ký tên yêu cầu thả tự do cho LS Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét