Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Lại bắt những người bất đồng chính kiến

Theo báo chí trong nước, trước khi bị cơ quan an ninh bắt giữ sáng nay vì bị coi là có hoạt động ''chống Nhà nước'', thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung cũng đã bị loại ngũ khỏi Trung đoàn Gia Định, nơi anh đang thi hành nghĩa vụ quân sự.

Theo cơ quan an ninh Việt Nam, trong thời gian du học ở Pháp, Nguyễn Tiến Trung đã lập ra tổ chức ''Tập hợp Thanh niên Dân chủ'',  với chủ trương thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, để tập hợp giới trẻ, phối hợp với các tổ chức bị coi là ''chống Nhà nước Vìệt Nam'' ở trong và ngoài nước.

Cũng theo nhà chức  trách, anh Nguyễn Tiến Trung còn lập trang blog để viết, phát tán nhiều tài liệu, điều hành, quản lý diễn đàn ''Thanh Niên dân chủ'' trên Internet và phát biểu tại một số cuộc gặp mặt với nội dung ''kích động chống Nhà nước''.  Bản tin của tờ Công an Nhân dân cho biết là Nguyễn Tiến Trung đã lôi kéo nhiều thanh niên đang du học ở nước ngoài tham gia diễn đàn này, nhưng tờ báo lại nêu tên những nhà hoạt động chính trị kỳ cựu tại Pháp như ông Nguyễn Quốc Nam, Trần Minh Răn, Nguyễn Thị Thanh Vân.

Cơ quan an ninh Việt Nam còn khẳng định là khi trở về Việt Nam, Nguyễn Tiến Trung đã tham gia hoạt động của ''Đảng Dân chủ Việt Nam'' và đã giới thiệu một số người vào đảng này, trong đó có luật sư Lê Công Định, người vừa bị bắt giữ ngày 13/6 vừa qua, cũng vì bị coi là có những ''hoạt động chống Nhà nước''.

Anh Nguyễn Tiến Trung còn bị cáo buộc là đã xúi giục thanh niên ở Việt Nam biểu tình vào cuối năm 2007 phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cũng như biểu tình vào tháng 4 năm ngoái, nhân lễ rước đuốc thế vận Bắc Kinh 2008  ở Sài Gòn.

Ngoài Nguyễn Tiến Trung, hôm qua, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, tạm giam ông Trần Anh Kim, phó tổng thư ký ''Đảng Dân chủ Việt Nam"  cũng với tội danh tuyên truyền chống Nhà nước. Ông Trần Anh Kim còn thành viên điều hành phụ trách khu vực phía Bắc của khối 8406, một tổ chức đấu tranh đòi dân chủ đa đảng, nhưng bị chính quyền xem là một nhóm ''phản động''.

Cơ quan an ninh Việt Nam còn cho rằng ông Trần Anh Kim cùng với một số người khác, với sự trợ giúp của các tổ chức ''phản động động lưu vong ''thành lập'' Hội chống tham nhũng'', ''Hội dân oan'', kích động dân khiếu kiện kéo về Hà Nội biểu tình chống Nhà nước. Ông Trần Anh Kim còn viết và phát tán trên mạng những bài viết bị coi là có nội dung chống đối Nhà nước và đã cung cấp thông tin cho các tổ chức ''phản động lưu vong''.

Nói chung, cơ quan an ninh Việt Nam trình bày Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim như là hai nhân vật có liên hệ chặt chẽ với '' Đảng Nhân dân Hành động'' của ông Nguyễn Sỹ Bình ở Mỹ và đảng Việt Tân, bị xem là tổ chức ''khủng bố'', như là họ đã nói về luật sư Lê Công Định khi bắt giữ ông này.

Khi trình bày những chứng cớ ''phạm pháp'' của luật sư Lê Công Định, tờ Công an Nhân dân thậm chí còn đã sử dụng một tấm hình ngụy tạo, đó là bức hình chụp tại Đan Mạch, trong đó một người đàn ông được đánh dấu là luật sư Lê Công Định, nhưng thực tế đó là một người khác.

Bức hình này được Công an nhân dân chú thích là buổi hội thảo '' Tự do dân chủ cho Việt Nam '' do ông Nguyễn Sỹ Bình tổ chức, nhưng thực tế đây là buổi  ra mắt Uỷ ban yểm trợ phong trào dân chủ Việt Nam ở Đan Mạch, do một ngườI khác đứng ra tổ chức.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng như Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đều đã phản đối vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định và đã đòi Việt Nam trả tự do cho luật sư này, nhưng Hà Nội đã bác bỏ yêu cầu đó.

Xin nhắc lại, Đảng Dân chủ Việt Nam đã được nhà ly khai Hoàng Minh Chính phục hồi vào năm 2006, trước khi ông qua đời vào năm 2008. Còn Khối 8406 ra đời vào ngày 8/4/2006, mà một trong những lãnh đạo là linh mục Nguyễn Văn Lý hiện đang ngồi tù sau khi bị kết án tám năm tù vào năm 2007. Cách đây vài ngày, một nhóm 36 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã viết thư đến chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cha Lý.

Nguồn: RFI (http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4117.asp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét