Thứ Ba, 7 tháng 7, 2009

Liên tục bắt người bất đồng chính kiến

Vụ bắt thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung ở TPHCM một ngày sau khi bị loại ngũ và cựu Đại tá Trần Anh Kim ở Thái Bình đã đưa con số vụ giam giữ vì điều 88 Bộ Luật hình sự lên bảy người trong vòng chưa đầy một tháng.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam tiến hành các vụ bắt những người có quan điểm đối lập vào thời điểm hiện nay.

Cơ quan an ninh Việt Nam đã theo dõi những người đòi cạnh tranh với đảng Cộng sản cầm quyền từ lâu.

Chẳng hạn trong trường hợp của Nguyễn Tiến Trung, bạn gái của anh nói những gì anh làm đều là ''công khai'' và mọi người đều biết từ trước khi anh vào quân ngũ cách đây một năm.

Công an Việt Nam cũng đã biết các hoạt động của các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Trần Anh Kim từ lâu.

Nhưng họ đợi tới thời điểm này mới bắt giam và khởi tố các nhân vật tuyên bố ủng hộ dân chủ.

'Màn khói'

Một số người cho rằng những vụ bắt bớ này là nhằm để tạo 'màn khói' che đi những vấn đề nóng bỏng và có tính ngòi nổ hơn.

Trong đó có sự bức xúc của người dân về những diến biến liên quan tới Biển Đông cũng như làn sóng phản đối dự án bauxite tại Tây Nguyên và Lâm Đồng.

Người ta cũng nói trước khi bị bắt luật sư Lê Công Định còn định kiện Trung Quốc về vấn đề lãnh hải.

Có nhà bất đồng chính kiến đã nói truyền thông đã không còn chú ý nhiều tới vấn đề Biển Đông và đặc biệt là chuyện khai thác bauxite theo sau những vụ bắt giữ gần đây.

Trước đây các vụ bắt người theo điều 88 có thể diễn ra chỉ sau một vài bài viết hay vài tiết giảng về nhân quyền.

Nay công an Việt Nam nói Đại tá Trần Anh Kim đã ''phát tán trên mạng 85 bài viết'' và cũng nói ông Kim ''thừa nhận viết và phát tán hơn 60 đầu tài liệu có nội dung chống Nhà nước''.

Trên mạng Internet cũng có ý kiến cho rằng vụ bắt các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức chỉ là hệ quả của đấu tranh nội bộ trong tầng lớp cầm quyền.

Và vẫn theo cách diễn giải đó, chỉ vụ bắt thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, người từng được các nhân vật cao cấp của Phương Tây tiếp, mới là phép thử đối với dư luận từ Hoa Kỳ.

Tất nhiên, đây cũng chỉ là một cách giải thích mà thôi.

Đại hội

Phía công an Việt Nam cũng nói tới khả năng tổ chức các cuộc gặp lớn và những hoạt động của những người bất đồng chính kiến vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Chính quyền có vẻ sợ ảnh hưởng lan tỏa của những tư tưởng dân chủ mà những người có tư tưởng tự do ở Việt Nam có thể tạo ra.

Nhưng điều có thể thấy rõ là các vụ bắt bớ mới nhất diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ đại hội quan trọng sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2011.

Chủ nghĩa 'Mác Lê' và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được nhắc tới và dường như các nhà lãnh đạo Việt Nam không có ý định từ bỏ chủ nghĩa mà Nguyễn Tiến Trung từng nói là không phải xuất phát trên những điều kiện của xã hội Việt Nam và trong lúc xã hội đang thay đổi hàng ngày.

Nếu dựa vào những phát biểu của chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết mới đây với ''chính nghĩa rạng ngời'' của Việt Nam và sự chỉ trích Hoa Kỳ ''vi phạm nhân quyền nhất thế giới'' người ta có thể thấy phe bảo thủ đang thể hiện quan điểm và cả sức mạnh qua các vụ trấn áp hiện nay.

Nhóm đối lập của Việt Nam trên thực tế chưa làm được gì nhiều ngoài vấn đề phô trương thanh thế.

Cái mà giới lãnh đạo có lẽ sợ hơn là những người đứng trong hàng ngũ của chính họ nhưng có tư tưởng tự do.

Rất có thể đợt bắt người, tất cả đều theo điều 88 này, là một cố gắng nhắc nhở một số 'đồng chí' hãy đứng vào hàng và đi đúng lề đường.

Giới quan sát không thể không đặt câu hỏi vậy những người có thể sẽ bị an ninh đến gõ cửa là những ai đây.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090707_dissident_arrest.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét