Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

'Phụng dưỡng cây cổ thụ'

Một trong những bản sắc văn hóa sâu đậm của người Việt chúng ta là yêu thiên nhiên, sống hài hòa với tự nhiên, trọng tình và luôn giữ trọn tình nghĩa thủy chung.

'Xét công trạng cho người còn khó huống hồ xét công trạng cho ngựa voi, cây cối'

Không chỉ thủy chung với người mà còn thủy chung với cả vật, cả cỏ cây.

Xưa có chuyện voi của Hai Bà Trưng, của Đức Thánh Trần giúp các ngài xông trận lập chiến công, voi hi sinh khi lâm trận, người dân lập đền thờ để ghi nhớ công lao con vật hiền lành nhưng trung thành cùng người đánh giặc.

Nghe nói trong trận Điện Biên năm xưa cũng có một chú voi được ban thưởng huân chương quân công vì có công kéo pháo , chuyển gỗ xây công sự trong chiến trường.

Cây và sự tích

Nhiều cây cối gắn liền với các sự tích của Thánh Trần nay cũng còn được chăm sóc giữ gìn chu đáo trong khu đền Trần và nhiều nơi trong cả nước. Cây đa Tân Trào ở “Thủ đô gió ngàn năm” xưa cũng thuộc về loại cổ thụ được chăm sóc và giữ gìn.

Công bằng mà nói, nếu bình xét công trạng, cây đa Tân Trào xét về nhiều mặt, cũng không có gì hơn hẳn nhiều cổ thụ khác trong cả nước. Về lí lịch: bản thân, cây đa Tân Trào có thể do dân làng trồng mà cũng có thể do chim chóc ăn quả thải hạt mà có.

Chi bạc tỷ làm cái thân đa Tân Trào giả bằng xi măng, bằng nhựa hóa học, chẳng có một giá trị gì ngoài sự phảm cảm.

Vũ Thế Long

Có những cây như cây vú sữa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trồng để làm gương cho cả nước thi đua trồng cây. Những cây ấy cũng có thành tích thật thiết thực. Những “Tân thụ” ấy có lí lịch, ngày tháng năm trồng và ảnh chụp phim quay rõ ràng.

Lí lịch của đa Tân Trào thì tù mù một dấu hỏi. Đa Tân Trào chỉ là một chứng vật lịch sử bởi dưới gốc cây đa này đã diễn ra nhiều hoạt động lịch sử của thời tiền khởi, gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với Chính phủ lâm thời của nước VNDCCH.

Vậy là cây đa chỉ là một vật chứng, một hình ảnh lịch sử. Công bằng mà xét cả rừng cây Tân Trào cũng là những vật chứng của cái thời kì ấy và còn nhiều vật chứng khắp nơi trong nước như trong thân cây đa khổng lồ làng Võng La Hà Nội đã là nơi ẩn trú của Đảng bộ xã trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp ở Hà Nội, Nhà Quốc Hội xưa giữa Ba Đình….

Một cách ghi lại dấu vết của cây cổ thụ tại Pháp

Cổ thụ Võng La chắc gì đã kém thành tích hơn cổ thụ Tân Trào ? Chẳng những là chứng vật lịch sử mà còn có công che chở bảo vệ cho cán bộ để lãnh đạo nhân dân Thủ Đô kháng chiến bảo vệ xóm làng.

Xét công trạng cho người còn khó huống hồ xét công trạng cho ngựa voi, cây cối. Cây cối voi ngựa có biết nói đâu, ai cho gì nhận vậy.

Thưởng phạt ra sao là do con người ta cả.

Mấy năm nay, nghe tin dữ “Quốc thụ” Tân Trào lâm trọng bệnh , người ta vời bao nhà khoa học, giáo sư tiến sỹ đầu ngành đến cứu chữa. Ai nấy đều lo lắng xót xa.

Chế độ cao nhưng cây giả?

Tuần rồi, lại nghe tin vui “ Nhà nước đã đầu tư chăm sóc “Quốc thụ” Tân Trào tương đối thành công và nay có quyết định bỏ thêm hai tỷ rưỡi để “tân trang” và “phục dưỡng” cho Quốc thụ.

Nghe giật cả mình! Trời ơi! Sao mà lắm tiền thế?

Trót mạo muội gọi cổ thụ Tân Trào là “Quốc Thụ”, tôi sợ sẽ bị mọi người phê bình vì nói càn. Ai cho phép? Muốn chọn Quốc hoa, Quốc phục phải có hội đồng nhà nước xem xét, phải được Chính phủ và Quốc Hội thồng qua.

Ai cho phép tự phong là Quốc thụ? Tôi dám nói liều như vậy chỉ vì so với cây cối trong cả nước này thì từ cây non đến cây già chẳng có cây nào được người ta chăm bẵm, nâng đỡ đến như vậy.

Anh có tiền anh cứ tiêu. Nhưng thả sức tiêu tiền của nhân dân thì lại là một chuyện khác.

Vũ Thế Long

Riêng cái khoản được tiêu chuẩn chăm sóc cao cấp như thế thì cả nước chỉ có một.

Gọi là “Quốc thụ Tân Trào” cũng có cái lí của nó chứ. Thử tìm xem có cây nào được hưởng chế độ cao hơn hơn?

Nghe nói có những tay trọc phú chơi ngông dám bỏ ra cả tỷ bạc để mua về một gốc đa cỏn con mọc bên hòn giả sơn, được ca tụng có dáng có thế tuyệt trần. Bé tẻo tèo teo nhưng lại già hơn ông bành tổ! Ấy là chuyện của nhà giàu.

Ai có tiền thì cứ tiêu miễn là tiền chính đáng. Pháp luật có ai cấm người ta mua cây giá một tỷ, chục tỷ đâu? Anh có tiền anh cứ tiêu. Nhưng thả sức tiêu tiền của nhân dân thì lại là một chuyện khác.

Tôi đọc kĩ xem người ta đã làm gì với 2 tỷ rưỡi đồng để “Tân trang-phục dưỡng”cho Quốc Thụ Tân Trào? Nào là đúc lại thân cây đã chết bằng xi măng, nhựa tổng hợp, nào là chăm chút cho chiếc lá cuối cùng của ‘quốc thụ”, nào là trồng thêm cây non…Toàn những chuyện nghe kinh người.

Người Nhật trồng cây non trong lòng cây cổ thụ đã tàn

Không hiểu người ta đúc lại cái phần thân đã chết của cổ thụ để làm gì nhỉ?

Ừ, cứ cho rằng đúc để thiên hạ chiêm ngưỡng cái phần xác giả của của cổ thụ thì tôi đố ông nào bà nào dám cam đoan là cái xác giả ấy đúc như thật? Có ai đổ khuôn cái xác giả ấy đâu mà biết?

Vả lại, cây cối có sinh có tử, có phát triển, mỗi lúc một thay hình đổi dạng. Sao mà làm được cái cây giả bằng xi măng , bằng composit y xì như cây thật được?

Mà làm cái của giả ấy để làm gì cơ chứ? Chỉ cần đặt ở đấy cái hình nhỏ đắp nổi hay một hình ảnh thật nào đó của cây xưa là đủ lắm rồi. Thờ tổ tiên thì cũng chỉ đến thế là cùng.

Có dịp đi thăm cây cổ ở vài nơi trên thế giới, tôi thấy người ta có nhiều cách để nhắc nhở mọi người về một kỉ vật của một thời đã qua. Vừa đẹp, vừa văn minh, khoa học, lại là một bài giáo dục về môi trường rất có ý nghĩa.

Ở Paris, người ta đặt tấm biển nhỏ bên cạnh mô hình nhỏ ghi rõ nơi đây xưa đã từng tồn tại một cổ thụ hơn 400 năm.

Ở Nhật Bản, thay vì bứng đi cái gốc rễ của cây tùng cổ không lồ, người ta giữ lại cái gốc và trồng trong lòng nó một cây non. Thế là đủ, thế là hay mà chẳng mấy tốn kém.

Ngẫm lại cách hành xử của ngành văn hóa chúng ta với “Quốc Thụ” Tân Trào mà thấy buồn. Chi bạc tỷ làm cái thân đa giả bằng xi măng, bằng nhựa hóa học, chẳng có một giá trị gì ngoài sự phản cảm.

Không có giá trị thẩm mỹ lẫn ý nghĩa văn hóa.

Cực phản cảm vì dám tiêu tiền công một cách vô nghĩa, lãng phí vô tội vạ.

Thương thay cho các cổ thụ không được may mắn xếp hạng như “Quốc thụ Tân trào”, dầu rằng công trạng chắc gì đã thua kém?

2 nhận xét: