Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

MẤT TIỀN MUA BÁNH THÌ PHẢI ĂN

(Quanh chuyện làm Phim “Lý Công Uẩn”)

Nhớ chuyện cười ra nước mắt thời những năm 60 của thế kỷ trước, đồng bào dân tộc ở miền Bắc nước ta lúc bấy giờ còn nghèo và rất lạc hậu. Họ chưa biết tiêu tiền và cũng chưa nói sõi tiếng Kinh, nên không thể phân biệt được chiếc bánh gạo, bánh sằn với bánh xà phòng. Bởi vậy mới có chuyện người Thái đi chợ về, vừa đi vừa ăn “Bánh” xà phòng. Thấy sự lạ, cán bộ hỏi: xà phòng là để tắm, để gội đầu không ăn được đâu! Người Thái bảo: “Mất tiền mua thì phải ăn thôi, không thích cũng ăn, cay đắng gì cũng phải ăn kẻo phí của Yàng (Giời)!”.

Trở lại câu chuyện làm Phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” (19 tập) của Cty CP truyền thông Trường Thành, là tác phẩm mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với kinh phí gần 100 tỉ đồng. Xung quanh bộ phim này hiện có dư luận phản ứng trên các diễn đàn mạng. Một vài tờ báo đã đưa thông tin “hoãn phát sóng bộ phim”… vì  Hội đồng duyệt quốc gia đề nghị phải lược những bối cảnh mang đậm chất Trung Hoa…

Theo tôi, hãy lắng nghe tiếng nói của những “người trong cuộc” và tốt nhất phải ăn cái bánh xà phòng “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” xem nó đắng cay đến chừng nào? chứ chưa được ăn mà cứ cấm, cứ cãi “chay”, cãi vã tùm lum thì càng thêm thèm, càng thêm kích thích tính tò mò muốn ăn cái “bánh” ấy mà thôi.

Được biết, bộ phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long” có sự tham gia khá đông đảo, hùng hậu của các nghệ sĩ Trung Quốc. Kịch bản do ông Trịnh Văn Sơn – GĐ Cty Trường Thành – viết và Kha Trung Hòa biên tập. Đạo diễn phim là Cận Đức Mậu (đạo diễn của phim truyền hình “Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên”), quay phim người Trung Quốc. Và  gần 700 bộ trang phục cổ trang  được may từ TQ, thuê trường quay Hoành Điếm (TQ) và phim có sự tham gia của hàng trăm diễn viên quần chúng TQ

Biên tập phim là Kha Chương Hoà, người biên kịch cho Thái tổ mật sử, Võ Tắc Thiên, Vương Triều Ung Chính… Phim có 3 đạo diễn, trong đó có hai gương mặt Trung Quốc. Tổng đạo diễn là Cận Đức Mậu, người từng thực hiện Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc. Điều này làm nhiều người lo ngại phim về lịch sử Việt lại mang đậm màu sắc Trung Quốc đến mức Cố vấn mỹ thuật – trang phục cho phim là GS.TS. Đoàn Thị Tình phải lên giải trình với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch. Vì thế, màu sắc TQ tràn ngập bộ phim cũng là dễ hiểu.

Phim khắc họa giai đoạn từ thời tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long, đặt nền móng vững chắc cho thời kỳ ổn định và phát triển dài lâu của đất nước. Tác giả kịch bản là ông Trịnh Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành, đơn vị bỏ tiền sản xuất bộ phim. Ông Sơn cho biết, đây là kịch bản đầu tiên và duy nhất của ông. Kịch bản được ông Sơn thai nghén nhiều năm, hoàn thành tháng 8/2009 và đệ trình lên Hội đồng lý luận trung ương. Từ khi xong kịch bản đến khi kết thúc tiền kỳ phim vừa tròn một năm. Theo ông Sơn, đây là quãng thời gian rất eo hẹp và nếu không nhờ đến sự góp sức của êkíp chuyên nghiệp Trung Quốc thì không thể hoàn thành nổi.

Ông Trịnh Văn Sơn với tư cách tác giả kịch bản và nhà sản xuất cho rằng, sự góp mặt của êkíp Trung Quốc chỉ làm tăng giá trị nghệ thuật, tính hoàng tráng chân thực của phim – những điều mà các bộ phim dã sử khác của Việt Nam chưa làm được, chứ không làm giảm bớt tính dân tộc của bộ phim. Phim được làm trên các cứ liệu lịch sử dưới sự cố vấn của giáo sư sử học Lê Văn Lan, đã xin ý kiến phản biện từ Hội Điện ảnh. Nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chương Hòa không can thiệp gì vào cốt truyện mà chỉ sắp xếp kịch bản theo nguyên tắc, 3 phút có một cao trào nhỏ, 5 phút có một cao trào trung bình và 10 phút có một cao trào lớn để người xem bị cuốn hút vào phim.

Trước khi bắt tay làm phim, Cận Đức Mậu đã nhiều lần sang Việt Nam để đến thắp hương ở đền vua Đinh, vua Lê, tượng đài Lý Công Uẩn, tuyển chọn diễn viên và cảm nhận văn hóa Việt. Các thành viên trong đoàn phim đánh giá, vị đạo diễn này có nghiệp vụ sư phạm cao, hướng dẫn diễn viên rất tận tình dù gặp phải rào cản về ngôn ngữ. Những bối cảnh tại Hoàng Điếm đều được lựa chọn sao cho giống với cảnh núi rừng, cung điện Việt Nam thế kỷ 11. Ông Sơn cho rằng, chính tính hoàng tráng của phim khiến nhiều người nghĩ nó là sản phẩm “made in China”.

Cũng khá bức xúc với việc Đường tới thành Thăng Long bị cho là giống phim Trung Quốc, GS.TS. Đoàn Thị Tình cho biết những bộ trang phục bà thiết kế hoàn toàn mang hồn túy dân tộc. “Tôi là người nghiên cứu lịch sử trang phục Việt Nam hàng mấy chục năm trời, từng được giao thiết kế trang phục cho phim Lý Công Uẩn của hãng phim truyện Việt Nam nhưng sau đó, vì nhiều lý do bộ phim này không thể thực hiện. Những bộ trang phục thiết kế cho Đường tới thành Thăng Long là kết quả nghiên cứu nhiều năm trời, trên cơ sở khoa học dân tộc và đại chúng”.

Theo bà, việc tương đồng giữa trang phục cổ trang Việt Nam bà Trung Quốc là không thể tránh khỏi vì những bộ giáp phục, long bào đều có mẫu số chung, hơn nữa văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng nhiều tới văn hóa Việt Nam qua 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên những họa tiết, hoa văn trên trang phục thể hiện nhận thức xã hội thì hoàn toàn khác nhau. “Long bào Lý Công Uẩn sử dụng họa tiết hoa sen vì Lý Công Uẩn rất sùng bái đạo Phật. Hình ảnh con rồng thời Lý cũng hoàn toàn khác với rồng Trung Quốc. Sóng nước liên hoàn trên vai giáp phục thời Lý khác với họa tiết thẳng trên vai giáp phục Trung Quốc” – bà Tình cho biết.

Bà khẳng định, giai đoạn tiền Lê sang thời Lý tương ứng với triều đại Tống ở trung Quốc, trong đó trang phục thời Lê Long Đĩnh rập khuôn hoàn toàn thời Tống còn trang phục thời Lý Công Uẩn thì có nhiều khác biệt. Mũ đội đầu của vua và hoàng hậu cũng được thiết kế dựa theo pho tượng cổ nhất về vua Lý Công Uẩn ở chùa Lý Kiến Sơ (Gia Lâm – Hà Nội). Theo bà, khi đưa những bộ quần áo này sang, êkíp Trung Quốc rất bất ngờ vì phía Việt Nam có thể phục dựng trang phục tốt như vậy.

Nhà sản xuất hy vọng, việc chọn hướng đi tắt đón đầu cho quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất phim cổ trang sẽ đem đến một tác phẩm đáng xem cho công chúng, vừa mang ý nghĩa lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật.

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh biên tập & bình luận

http://nguyentrongtao.org/m%E1%BA%A5t-ti%E1%BB%81n-mua-banh-thi-ph%E1%BA%A3i-an.xml

1 nhận xét: