Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

alexis krikorian: việt nam là vấn nạn chưa từng thấy bao giờ

Lời Giới Thiệu:  Alexis Krikorian (“AK”), Giám Đốc Hội Đồng Tự Do Xuất Bản của Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Quốc Tế (IPA), sinh năm 1974 tại Lyon, Pháp, và tốt nghiệp Cử nhân từ Viện Chính Trị Khoa Học Lyon năm 1996. Vào năm 1999, anh tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ Chuyên Khoa Quan Hệ Quốc Tế (International Relations) từ Viện Cao Học Quốc Tế của Genève. Sau đó anh dọn đến Paris–nơi anh giữ nhiệm vụ biên tập viên trong ba năm cho một công ty cung cấp thông tin trên internet. Trở về Genève, anh cộng tác với IPA vào tháng Hai năm 2003. Vào tháng 3 năm 2005, anh được thăng chức làm Giám Đốc Hội Đồng Tự Do Xuất Bản của IPA.

Bài phỏng vấn sau đây được Da Màu bắt đầu lúc 3:27 chiều ngày thứ Hai, 25 tháng 4 năm 2011, gần như trùng hợp với thời điểm Bùi Chát nhận Giải Thuởng Tự Do Xuất Bản ở Buenos Aires, Á Căn Đình (vì giờ ở Buenos Aires đi trước giờ Miền Đông Hoa Kỳ 1 tiếng) và kết thúc lúc 7:29 sáng ngày thứ Hai, 2 tháng 5 năm 2011, khoảng 48 tiếng sau khi Bùi Chát trở về Việt Nam từ Buenos Aires và sau khi anh bị chính quyền Việt Nam giam giữ.

Lúc bài phỏng vấn này được lên mạng sáng ngày 3 tháng 5 năm 2011 thì Bùi Chát, theo tin nhận được từ Lý Đợi, đã được tạm thả, nhưng vẫn phải “lên đồn làm việc” vào sáng ngày 3 tháng 5. Theo tin của Lý Đợi thì chỉ có Bằng Tưởng Lệ bị tịch thu, còn tiền thưởng 5,000 swiss francs thì vẫn được giữ.

Bài phỏng vấn với Alexis Krikorian được Đinh Từ Bích Thúy (ĐTBT) thực hiện trong tiếng Anh, qua email, và sau đó chuyển ngữ sang tiếng Việt. (Bản tiếng Anh của bài phỏng vấn nằm dưới bản tiếng Việt sau đây.)

  

bjorn-alexis-bc

Từ trái sang phải: Bjorn Smith-Simonsen (Chủ tịch Hội Đồng Tự Do Xuất Bản, IPA), Alexis Krirorian (Giám đốc Hội Đồng Tự Do Xuất Bản, IPA), Bùi Chát (nxb Giấy Vụn), Buenos Aires, Argentina ngày 4/26/2011 (Nguồn: Dân Làm Báo)

 

DTBT: Thưa ông Krikorian, tôi là Đinh Từ Bích Thúy, chủ biên Da Màu, tạp chí văn chương mạng xuất bản trong tiếng Việt và phục vụ độc giả trong và ngoài nước Việt Nam. Là một tờ báo với phương châm: “văn chuơng không biên giới,” chúng tôi cảm thấy rất được cổ vũ qua việc IPA trao giải thưởng cho ông Bùi Chát, nhà xuất bản Giấy Vụn, đồng thời việc IPA hiện nay đang chặt chẽ vận động với các chính quyền quốc tế và các nhà tranh đấu nhân quyền đòi trả tự do cho Bùi Chát.

Tôi hy vọng mình có thể dùng cách xưng hô qua tên gọi cho tiện. Anh cứ gọi tôi là Thúy (tên Thúy trong tiếng Việt, như tên Alexis với người Tây Phương, có thể dành cho cả đàn ông và đàn bà. Trong trường hợp của tôi, đó là tên dành cho phụ nữ.)

Để giúp ích độc giả Da Màu, xin anh cho chúng tôi biết thêm về những sinh hoạt của IPA liên hệ đến Hội Đồng Tự Do Xuất Bản, qua những câu hỏi sau đây:

(1) IPA tái lập Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản năm 2005. Điều gì đã khuyến khích sự tái lập của giải thưởng này, và tại sao nó đã bị ngừng trao trước năm 2005?

AK: Giải thưởng thật ra được thành lập chính thức năm 2005. Chữ “tái lập” mà thỉnh thoảng chúng tôi dùng là một chữ không chính xác. Trước năm 2005, chúng tôi chỉ trao giải thưởng này một lần duy nhất, đó là vào dịp Hội Chợ Sách ở Frankfurt kỷ niệm 50 năm ngày Tuyên Ngôn Hoàn Vũ Nhân Quyền. Giải thưởng này được trao cho bà Ayse Nul Zarakolu, một nhà xuất bản phụ nữ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã qua đời.

Tôi gia nhập IPA năm 2003 và dưới sự lãnh đạo của Lars Grahn, Chủ tịch Hội Đồng Tự Do Xuất Bản của IPA và cũng là một nhà xuất bản Thụy Điển, chúng tôi quyết tâm thành lập [chính thức và liên tục] Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản. Quyết định này được sự ủng hộ của Ban Điều Hành. IPA đã quyết định thành lập giải thưởng này vì quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản hiện bị tấn công khắp nơi. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà văn và các nhà xuất bản thường bị quấy nhiễu, truy tố, bắt giam, tra tấn, đôi lúc bị giết vì những điều họ viết ra và xuất bản.

(2) Vậy hiện nay IPA có những thành viên ở Việt Nam hay không?

AK: Không, hiện nay chúng tôi không có thành viên nào ở Việt Nam.

(3) Như vậy IPA đã biết về Giấy Vụn, Bùi Chát và những cộng sự viên của anh qua cách nào?

AK: Chúng tôi đuợc biết về Bùi Chát qua những thành viên Á Châu của chúng tôi.

(4) Anh có thể cho Da Màu biết tên của các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã báo động cho IPA về lòng can đảm của các nhà xuất bản sinh hoạt dưới những chế độ hà khắc?

AK: Vì chúng tôi là Hiệp hội Các Nhà Xuất Bản Quốc Tế, chúng tôi trông nhờ vào các thành viên của chúng tôi trước tiên, đó là các nhà xuất bản từ nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài các thành viên của chúng tôi, tổ chức mà chúng tôi cộng tác thường xuyên nhất là Văn Bút Quốc Tế, với trụ sở ở Luân Đôn đại diện cho những nhà văn trên thế giới. Hội này có nhiều trung tâm văn bút ở nhiều quốc gia trên hoàn cầu, và [những trung tâm này] thường đề cử danh sách cho Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản. Chúng tôi cũng làm việc với tổ chức Index on Censorship (Thước Đo Kiểm Duyệt) và (World Association of Newspapers (WAN– Hiệp Hội Báo Chí Thế Giới). Chúng tôi cũng là thành viên của hệ thống IFEX, là mạng lưới Tự Do Phát Biểu hoàn cầu.

(5) Xin anh cho biết quá trình tuyển chọn ngưởi được trao giải.

AK: Những thành viên của IPA nói chung, những thành viên trong Hội Đồng Tự Do Xuất Bản, những nhà xuất bản cá nhân; và các tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực Tự Do Phát Biểu và Nhân Quyền đều có thể đề cử danh sách đến Hội Đồng Tự Do Xuất Bản của IPA. Từ đó Hội Đồng tuyển chọn tên các người được đề cử vào danh sách chung kết. Ban Điều Hành của IPA sau đó bỏ phiếu [cho nhà xuất bản hoặc cá nhân được coi là xứng đáng với giải thưởng này.]

(6) Trong kinh nghiệm làm việc, có bao giờ anh đã phải can thiệp với nhà cầm quyền để giúp cho người được tuyển chọn rời xứ sở của họ để ra ngoại quốc nhận Giải Thưởng?

AK: Không, chưa bao giờ cả. Chúng tôi chưa bao giờ phải [can thiệp với nhà cầm quyền].

(7) Anh có phải can thiệp trong trường hợp của Bùi Chát để ông ấy có thể sang Buenos Aires lãnh Giải Thưởng?

AK: Không, chúng tôi không phải làm gì cả. Trong trường hợp [của Bùi Chát], chúng tôi chỉ lo chuyện làm sao anh ấy có thể sang Buenos Aires để dự lễ trao giải. Cho nên chúng tôi chỉ thông báo tên của Bùi Chát sau khi biết rõ là anh ấy đã đến Á Căn Đình.

(8) Giải thưởng này phản ảnh lòng can đảm chính trị hay cũng bao gồm cả giá trị nghệ thuật? Xin anh vui lòng định nghĩa giá trị nghệ thuật [nếu giải thưởng cũng bao gồm khía cạnh này.]

AK: Giải Thưởng này được trao tặng để tôn vinh “lòng can đảm phi thường trong sự phấn đấu cho quyền tự do xuất bản.” Nó là một, nếu không muốn nói là giải thưởng duy nhất hiện có, về quyền tự do xuất bản (quyền tự do xuất bản là một phần tử của quyền tự do phát biểu]. Giải Thưởng này không dựa trên giá trị nghệ thuật.

(9) Xin anh cho biết nếu từ trước đến nay đã có những hậu quả chính trị về phía nhà cầm quyền có liên can trực tiếp đến chuyện một nhà xuất bản được trao Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản?

AK: Không, từ trước đến nay thì chưa thấy có hậu quả chính trị nào. Trong một trường hợp, có thể đã tạo sự thay đổi từ phía pháp luật. Năm ngoái, chúng tôi trao Giải Đặc Biệt cho nhà xuất bản Sel ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vài tháng sau, nhà xuất bản này được trắng án.

(10) Chắc anh muốn nói đến trường hợp của ông Irfan Sanci, giám đốc nhà xuất bản Sel của Thổ Nhĩ Kỳ, là người đã bị truy tố theo luật hình sự 226 của Thổ Nhĩ Kỳ vì đã xuất bản “dâm thư” khi phổ biến bản dịch Don Juan của Guillaume Apollinaire và những tác phẩm văn chương “nhạy cảm” khác? Trong trường hợp này, yếu tố nào, qua sự hiện diện của IPA, đã giúp ông Sanci được trắng án? Có phải vì IPA đã đệ đơn amicus curiae (thân hữu của tòa án), hay một lời tuyên bố để thuyết phục tòa án? Hay anh đã nghĩ rằng dư luận báo chí chung quanh việc ông Sanci được Giải Đặc Biệt đã cổ võ quần chúng, và thuyết phục tòa Thổ Nhĩ Kỳ, trong việc giúp ông trắng án? Nếu có thể, xin anh cho biết thêm chi tiết về phán quyết của quan tòa.
[Amicus curiae: các cá nhân hoặc đoàn thể không phải là các bên đương sự của vụ tranh tụng có thể trợ giúp tòa án đạt đến phán quyết bằng cách lưu ý tòa án về các vấn đề công chúng đang quan tâm mà không/chưa được trình bày bởi luật sư của các bên đương sự. Tòa án do đó có thể cho phép các cá nhân hầu tòa/đệ đơn với tư cách là thân hữu của tòa án.]

AK: Về câu hỏi trên của chị, chúng tôi không đệ đơn amicus curiae, nhưng chúng tôi đã phổ biến một bản thông cáo báo chí để tạo áp lực với nhà cầm quyền. Cùng lúc chúng tôi gửi thỉnh nguyện thư đến chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi sự tha bổng cho Irfan Sanci. Giải Thưởng Đặc Biệt của IPA có lẽ cũng đã giúp [Sanci] vì tin tức về giải thưởng này được phổ biến rộng rãi trên các báo Thổ Nhĩ Kỳ và của Âu Châu (như bản tin trên trang chính của báo Le Monde)

[Chú thích của Da Màu: Tin trên báo Le Monde tường thuật rằng có những “lằn ranh đỏ” mà không một nhà xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ nào được phép vượt qua, đó là những vấn đề liên hệ đến dân tộc Kurd và Armenian, hoặc đề tài tình dục. Trong trường hợp của Irfan Sanci, ông đã được trắng án sau khi một hội đồng chuyên gia tuyên bố rằng bản dịch Don Juan là một tác phẩm văn chương và Apollinaire là một nhà văn trong truyền thống văn chương kinh điển. Bày tỏ những cảm nghĩ chắc cũng không khác các nhà xuất bản ngoài luồng của Việt Nam, ông Sanci nói,”Trong lúc xứ sở tôi trừng phạt tôi chỉ vì tôi làm nhiệm vụ của mình, thì tôi lại được quốc tế ủng hộ. Thê thảm thật đấy, nhưng cái nước Thổ Nhĩ Kỳ là thế!]”

(11) Chúng ta hãy bàn luận thêm về định nghĩa “tự do xuất bản.” Không hiểu IPA có ủng hộ sứ mệnh của wikileaks hoặc các tổ chức và cá nhân “tung tin nhạy cảm” qua internet, hay “tự do xuất bản” chỉ giới hạn ở môi trường sách in?

AK: Tự do xuất bản không chỉ giới hạn ở môi trường sách in, nhưng trong trường hợp wikileaks thì Hiệp Hội không có sự nhất trí về ý kiến.

(12) Thế “tự do xuất bản” có đồng nghĩa với khả năng hoặc nguồn tài chính để xuất bản những dữ liệu mà trước đây bị coi là nhạy cảm? Như trường hợp nhà xuất bản ROSSPEN chẳng hạn. Theo tin chúng tôi được biết thì ROSSPEN (Nhà in Bách Khoa Từ Điển Nga Quốc), một nhà xuất bản có tiếng được thành lập năm 1991, hiện đang thi hành sứ mệnh hoàn thành 100 bộ sách đồ sộ với nhan đề Lịch sử Chế độ Stalin. Tuy ROSSPEN hiện nay chưa bị chính quyền hậu-Liên Xô làm khó dễ, nhà xuất bản này đã ở trên danh sách chung kết của IPA từ hai năm nay. [Để tìm hiểu thêm về các bộ sách học thuật và lịch sử được ROSSPEN xuất bản, xin tham khảo Bản Tường trình của Publishers Weekly, ngày 4 tháng 4 năm 2011, tr. 16-17.]

AK: Vâng, dĩ nhiên rồi. Thật ra những dữ kiện liên hệ đến Stalin vẫn bị coi là nhạy cảm. Dường như ở bên Nga bây giờ người ta đang “sửa sắc đẹp” cho Stalin. Vì thế sứ mệnh của ROSSPEN vẫn được coi là quan trọng và can đảm.

(13) Vì những yếu tố chính trị và an ninh, IPA có chọn ngày và địa điểm nhất định mọi năm để tuyên bố Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản?

AK: Hiện nay Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản được luân phiên mọi năm trên thế giới, tùy địa điểm và thời gian. Chúng tôi hiện có dự định tổ chức việc trao giải thưởng vào giữa năm, vào dịp ngày lễ Sách Thế Giới và Ngày Tác Quyền, khoảng 23 tháng 4 mọi năm ở một địa điểm nhất định. Nhưng lúc này thì thời gian và địa điểm trao giải vẫn chưa được thống nhất. Còn về những quy luật liên hệ đến giải thưởng thì danh sách đề cử phải được gửi đến IPA ít nhất là 3 tháng trước ngày lễ trao giải thưởng.

(14) Cứ cho là IPA sẽ chọn một thời điểm nhất định để tuyên bố Giải Thưởng Tự Do Xuất Bản, điều này không hiểu có ảnh hưởng đến, hay bảo đảm cho sự an ninh của người được trao giải, nếu một chính quyền, khi phỏng đoán được lịch trình hàng năm của IPA, sẽ cấm việc du hành ra ngoại quốc, trong khoảng thời gian từ giữa tháng đến cuối tháng 4 mọi năm chẳng hạn?

AK: Tôi không rõ dự án [tổ chức một ngày nhất định hàng năm] sẽ ảnh hưởng đến sự an ninh của người được trao giải như thế nào. Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: từ năm 2006 khi chúng tôi bắt đầu trao giải thưởng này, thì không có người nhận giải nào lại bị khó khăn khi trở về quê hương của họ, kể cả [các cá nhân từ] những quốc gia như Iran, Zimbabwe hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Cho nên Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ. [Đây là một vấn nạn] chưa từng thấy bao giờ. Và câu hỏi của chị rất hay. Chúng tôi sẽ phải lưu ý điều này trong kế hoạch làm việc.

(15) Xin anh cho biết IPA nhận được tài trợ từ những nguồn nào?

AK: Nguồn tài trợ duy nhất của IPA là từ các thành viên của Hiệp Hội, chẳng hạn như những hội đoàn các nhà xuất bản từ nhiều quốc gia khác nhau.

(16) Xin anh cho biết tiến trình của IPA trong 5 năm tới.

AK: IPA thực sự đại diện cho môi trường xuất bản hoàn cầu. Tuy vậy, trong 5 năm tới, IPA sẽ có thêm nhiều phương tiện để xúc tiến việc xuất bản như một thế lực cho sự phát triển của kinh tế, văn hóa và chính trị, và có quyền thẩm định trong mọi tranh luận liên hệ đến các nhà xuất bản (nhất là trong lĩnh vực tác quyền, kiến thức đọc và viết, quyền tự do xuất bản).

(17) Chúng tôi liên kết với Tiền vệ, và đã đưa lên mạng một Kháng Thư, với các bản trong ngoại ngữ. Hiện giờ chúng tôi đã có độ 87 chữ ký từ khắp mọi nơi. Chúng tôi dự định sẽ gửi Kháng Thư này đến những tổ chức làm việc trong lĩnh vực tự do xuất bản và tự do phát biểu. Xin anh cho biết những nguồn hiệu quả nhất?

AK: Sáng kiến của các anh chị thật tuyệt vời! Chúng tôi cũng sẽ nhờ các thành viên của IPA liên lạc với chính quyền của họ để gây áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam.
Nếu thấy cần, chị nên liên lạc với
Rohan Jayasekera Index on Censorship;  Jean Rafferty (Scottish PEN); Sara Whyatt, Giám Đốc, Hội Đồng Các Nhà Văn Bị Cầm Tù—Văn Bút Quốc Tế, sara.whyatt@internationalpen.org.uk (Writers in Prison Committee, PEN International); [Marian Botsford Fraser], Chủ tịch Hội Đồng Các Nhà Văn Bị Cầm Tù—Văn Bút Quốc Tế. Và cũng nên liên lạc với Kristina Stockwood ở IFEX.

DTBT: Chúng tôi rất cảm kích được cơ hội trao đổi với anh, và nhận được những nguồn thông tin trên. Hiện anh cũng đã biết chúng tôi là ai, và từ nay đừng ngại ngần trong việc gửi cho chúng tôi những thông tin và sinh hoạt của IPA trong thời gian sắp tới, cùng mọi nỗ lực tốt đẹp của IPA ở lĩnh vực Tự Do Phát Biểu/Tự Do Xuất Bản, vì đây cũng là sứ mệnh của chúng tôi ở Da Màu.

AK: Cám ơn chị trong tất cả mọi chuyện. Tôi xin lỗi là cuộc trao đổi của chúng ta đã có phần hấp tấp. Rất mong chị hiểu cho.

Đinh Từ Bích Thúy

Nguồn: Da Màu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét