Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Những bạo chúa Neron Việt Nam

Tự nhiên, tôi bỗng nhớ tới khung cảnh kinh thành La Mã bốc cháy trong tác phẩm Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz và thấy những trùng hợp kỳ lạ với hiện trạng Việt Nam.

Giữa thập niên 60 của thế kỷ công nguyên đầu tiên ấy, những người nghèo khó La Mã hướng về ngọn đuốc sáng Yêu Thương đã bị nhìn như kẻ tử thù bởi triều đình của một bạo chúa.

Gần như không có cách biệt khi so sánh thân phận những người nghèo khó ấy với 80 triệu con dân Việt Nam hiện nay. Cũng tương tự, nếu so sánh tập đoàn lãnh đạo Việt Nam với triều đình Neron thuở đó.

Neron luôn ngùn ngụt tham vọng biến mình thành kẻ vĩ đại bậc nhất trên mặt địa cầu tới mức thản nhiên hạ sát cả vợ, cả mẹ để giảm bớt cản trở trong nếp sống xa hoa tàn bạo. Con người phi nhân tới mức đó lại được một đám cận thần tung hô, tôn xưng như thần thánh và sẵn sàng tuân theo mọi lệnh chỉ. Vì thế, khi Neron muốn tìm cảm hứng nhìn lửa cháy để tạo một tác phẩm nghệ thuật mà y tin sẽ vượt xa các tác phẩm lẫy lừng Illiade và Odyssée, đám cận thần đã dâng sáng kiến hoả thiêu La Mã. Toàn bộ kinh thành bốc cháy khơi dậy sự giận dữ trong quần chúng, sự giận dữ mà Neron và đám cận thần không ngờ tới. Kế sách đối phó được đề ra là lập tức rao truyền chính đám người nghèo khó theo chúa Jesus đã nổi lửa và cái triều đình ác thú ấy ban lệnh “ném ngay lũ Thiên Chúa Giáo cho sư tử.”

Cơn uất hận vì cơ ngơi bị huỷ hoại, người thân bị chết thảm đã khiến từng đám đông cuồng nộ trở thành hung thú lao vào tàn sát những kẻ cũng là nạn nhân như mình theo lệnh truyền của chính các thủ phạm gây tội ác. Đây đúng là cảnh đã kéo dài trên đất nước Việt Nam từ 1945 qua mọi biến cố do chỉ hai động lực Ngu - Hèn. Cái Ngu đã khiến nhiều thế hệ lao vào xâu xé lẫn nhau bởi không nhận chân nổi thủ đoạn lường gạt của một bạo chúa, đồng thời cái Hèn đã liên tục tạo thêm sức mạnh cho bạo chúa mặc tình thao túng. Ai cũng dễ dàng nhận thấy nếu không có những Tigellinus và đội ngự lâm quân, không có những Chilon Chilonides … thì dù Neron có ba đầu sáu tay cũng không thể gieo tai rắc hoạ, không thể chỉ một giây phút phù du thiêu hủy cả một kinh thành…

Khác biệt giữa hai thảm cảnh La Mã thuở nào và Việt Nam hiện nay là La Mã có sự hiện diện của thằng hèn Chilon Chilonides. Thằng hèn Chilon đã nhúng tay vào đủ thứ nhơ nhuốc, bạo ngược để được trở thành cận thần của bạo chúa. Thằng hèn Chilon cũng là kẻ đi ban bố lệnh truyền “ném bọn Thiên Chúa Giáo cho sư tử”. Nhưng, chính thằng hèn Chilon đã đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt Neron, cáo giác kẻ chủ mưu đích thực vụ đốt phá kinh thành là ai.

Một thời tôi đã bị cuốn hút tới mức đọc đi đọc lại nhiều lần hai chương Quo Vadis nói về giây phút cuối cùng của thằng hèn Chilon Chilonides - một chương chấm dứt với sự thản nhiên trước cực hình rút lưỡi để được đứng bên đám người nghèo khó vẫn giữ vững nhịp con tim chan chứa tình người và một chương chấm dứt với nụ cười mãn nguyện cùng những dòng nước mắt đón nhận niềm vui của nạn nhân vào giây phút lìa đời.

Nhưng vượt lên trên hết vẫn là hình ảnh thằng hèn Chilon đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt bạo chúa, hình ảnh ghi lại bước khởi đầu sự cáo chung của một triều đại man rợ ghê tởm để những con tim của đám người nghèo khó La Mã đang bị treo trên thập tự giá, bị quăng vào móng vuốt ác thú, bị moi gan rút lưỡi… tiếp tục gửi tình Yêu Thương tới khắp năm châu.

Ý nghĩ cuối cùng dấy lên từ những trang “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn” lại là sự trở về với một thằng hèn trong hình ảnh một ước mơ.

Mong sao sớm xuất hiện tại Việt Nam những thằng hèn Chilon Chilonides!

Virginia, March 09, 2009

© Uyên Thao

Trích từ: Đọc "Hồi Ký Của Một Thằng Hèn". DCV Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét