Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Sự hả hê có phương pháp

Đọc xong bài Phong cách “Chí Phèo” và văn hoá phản biện trên Vietnamnet tui đã viết bài Phong cách ” Hoà Thân” và văn hoá của cái ác nhưng rồi tui xoá đi. Nói rứa căng quá, anh em lại gây xích mích, mất hoà khí không hay, đành viết mấy lời như ri. 

Tui không biết Phạm Hoài Huấn là đàn ông hay đàn bà, lớn nhỏ ra răng, xin cứ gọi đại bằng bác cho có lễ độ vậy.

 Bác Huấn góp ý không phải không có lý, có nhiều điểm đương nhiên lẽ đời cần phải như rứa. Tuy nhiên có quá nhiều điểm đáng bàn với bác xung quanh bài báo bác vừa tung ra rất kịp thời. Ví dụ bài học của Đẽo cày giữa đường mà bác bảo:”Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn” thì có thể viết một bài dài để nói lại điều này. Trước hết nói ngay cho bác hiểu, bài học đẽo cày giữa đường không phải là bài học “kiên trì với một con đường đã chọn” mà là bài học biết lắng nghe, nhưng trước hết nó là bài học hiểu biết. Anh đẽo cày mà không biết cái cày là gì, phải đẽo như thế nào, thấy người ta đẽo cày mình cũng đẽo thì tất yếu ai nói gì cũng phải làm theo thôi. Một khi đã không hiểu biết, ai nói gì cũng làm theo, cái cày tất yếu sẽ thành ” một khúc gỗ nhỏ”. Nhưng “”kiên trì với một con đường đã chọn” cũng tất yếu sẽ biến cái cày thành ” một khúc gỗ nhỏ” thôi bác. Cho nên làm gì cũng phải hiểu biết cái việc mình đang làm, một khi hiểu biết rồi thì tự khắc sẽ biết góp ý nào là đúng, góp ý nào là sai, góp ý nào là chân thành, góp ý nào là đểu cáng. 

 Muốn tranh luận với bác nhiều chuyện lắm, ví như bác hiểu về ông Chí Phèo cũng trật, trật ở cái lý do vì sao Chí Phèo thành Chí Phèo ấy. Nhưng thôi, tui muốn nói chuyện khác kia, ấy là cái cách góp ý của bác.

Ở đời không có việc gì mà không có lý do của nó, những người hay gặp hoạn nạn thường vẫn có một cái lỗi nào đó. Tìm kiếm nguyên nhân giúp cho người ta tránh được hoạn nạn là cần thiết nhưng phải đúng lúc đúng chỗ, nếu không chẳng những người ta không nghe mà còn nghi ngờ cả mục đích góp ý của mình nữa. Ví như thấy hàng xóm cháy nhà, mình đã không cứu được thì thôi, lại còn chạy đến nói bác chủ quan lắm, bất cẩn lắm, cháy nhà là phải. Như thế có đáng không? Thấy một đứa con nít bị người lớn đánh, không cần hỏi cũng biết đứa con nít có hỗn láo thế nào mới bị người ta đánh. Thay vì phải ra tay giải thoát cho đứa bé rồi mới góp ý cho đứa bé lần sau không được như thế như kia, thì mình lại nhảy đến, nói thằng hỗn, có câm mồm đi không, con nít mà hỗn láo thế à. Như thế có đáng không? Ngày xưa tui ở một nơi, hễ trong xóm có ai mất gà thì thể nào cũng có năm bảy người chạy đến, nói sao giờ này bác không cho gà vào chuồng, sao bác cho gà chạy rong thế kia, gà nhảy sang vườn nhà kia mất là phải rồi, nhà kia tham lắm đấy. Người mất gà càng điên lên càng chửi tợn. Vì cái họ cần lúc này là tìm được con gà chứ không phải ngồi nghe góp ý về sự nuôi gà. Những người góp ý cũng thừa biết vậy nhưng cứ góp ý, vì khi đó họ đâu có góp ý, đấy là sự hả hê có phương pháp của họ đấy thôi, thưa bác.

PHONG CÁCH ” CHÍ PHÈO” VÀ VĂN HOÁ PHẢN BIỆN

PHẠM HOÀI HUẤN

Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, chúng ta có quá nhiều “chuyên gia” trong nhiều lĩnh vực. Kết quả là, người ta cứ nghĩ chỉ cần nói ngược lại những điều nhà nước nói, những quyết sách lớn có nghĩa là phản biện, có nghĩa là “sành sỏi”. Một loạt chủ nhân các blog đã gặp quá nhiều rắc rối về mặt pháp luật vì lí do này.

Đẽo cày giữa đường

Cùng một sự kiện, một hiện tượng đôi khi có thể có các góc nhìn khác nhau. Chuyện một anh nông dân ra giữa đường ngồi đẽo cày. Nhiều người qua lại. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc làm của anh. Anh đẽo được một lúc thì một người đi qua chê: “Bác đẽo thế không phải rồi, bác đẽo to quá”, anh nông dân nghe thấy có lý bèn làm theo.

Anh làm được một lúc lại có một người đi qua bảo “Bác đẽo thế này không cày được đâu,cái đầu cày bác làm to quá….” Anh nông dân nghe có lý hơn, lại chỉnh sửa theo lời khuyên. Đẽo được một lúc lại một người đi qua nói”Bác đẽo thế không ổn rồi,cái cày bác làm dài quá không thuận tay”, anh nông dân nghe lại có lý hơn, lại chỉnh sửa theo. Và cuối cùng hết ngày hôm đấy anh nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, anh không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn. Anh buồn lắm nhưng cuối cùng anh đã hiểu “Làm việc gì cũng vậy, mình phải có chính kiến của mình và kiên trì với một con đường đã chọn”

Tư duy phản biện

Tác giả không có ý làm méo mó đi ý nghĩa của từ phản biện. Do vậy xin bạn hiểu từ phản biện theo đúng nguyên nghĩa của nó.

Phản biện là một việc làm cần thiết. Đặc biệt trong bối cảnh xây dựng đất nước thời hội nhập tư duy phản biện càng trở nên quan trọng trước những thông tin đa chiều và trước những sự kiện mà đôi khi cái giá phải trả cho các quyết định sai lầm là không thể tưởng tượng được.

Việc phản biện được nhìn nhận từ hai phía: Từ phía người tiếp nhận ý kiến phản biện và người phản biện. Người tiếp nhận ý kiến phản biện phải có được cái nhìn rộng mở, bao dung. Có phải vì thế mà Mác đã từng nói “cái mới là hợp qui luật nhưng cũng là cái xuất hiện sau, yếu thế…..”. Phải chấp nhận cái mới nếu cái mới này đúng.

Trong trường hợp người tiếp nhận ý kiến phản biện là người tôn thờ tư duy “nhất thắng, nhì hòa, không chịu thua” thì phản biện chỉ là là những tô điểm cho một nền dân chủ hình thức.

Mặt khác nếu người tiếp nhận phản biện không có được một sự vững vàng về mặt lập trường cùng với một nền tảng kiến thức tốt trong lĩnh vực mà người này đang đảm nhận, e rằng tình trạng phân vân theo tư duy “đẽo cày giữa đường” không phải là không có khả năng xảy ra.

Đôi khi người ta chỉ nhìn nhận phản biện ở góc độ của người tiếp nhận ý kiến phản biện mà quên mất đi nguồn gốc của phản biện đến từ đâu. Trên thực tế, người ta có thể thấy những lời than trách đại loại như: phi dân chủ, dân chủ hình thức, không thể hiện được ý chí của người dân….khi ý kiến phản biện không được đoái hoài.

Trở lại với câu chuyện đẽo cày giữa đường. Người ta thấy, nếu anh nông dân kia có một kiến thức nhất định về việc đẽo cày và những “quân sư” cũng là người giỏi về việc này. Chúng ta có quyền kì vọng và hoàn toàn có cơ sở để kì vọng sẽ có một cái cày hoàn mỹ. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu những người “quân sư” hoàn toàn không biết gì về việc đẽo cày? Hoặc cũng có thể những người này mang trong mình một toan tính đầy nhẫn tâm “phá cho bõ ghét”?

Tự do ngôn luận và hư danh thế giới ảo

Một trong những quyền được thừa nhận rộng rãi và hầu như không có nhiều tranh cãi trong một xã hội dân chủ là quyền tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận là việc một người được tự do bày tỏ quan điểm của mình một cách công khai mà không bị (hoặc lo sợ) những chế tài bất lợi từ phía nhà nước.

Tuy vậy, cũng cần phải làm rõ, quyền tự do này có những giới hạn nào không? Chữ tự do có thể được hình dung một cách dí dỏm qua câu chuyện vui như sau:

Ông A có một con gà trống. Luật pháp thừa nhận ông là chủ sở hữu của con gà, ông có toàn quyền, nói cách khác là tự do trong các hành xử với con gà. Muốn nuôi cho vui, nuôi làm gà đá thậm chí là…. làm thịt con gà. Quyền này được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Nhưng vấn đề rắc rối là cứ 3h sáng con gà lại quay đầu sang nhà hàng xóm gáy làm cho hàng xóm không ngủ được.

Nếu bạn là người hàng xóm, bạn sẽ hành xử như thế nào? Lúc đó bạn có còn vui với con gà thuộc quyền sở hữu của ông A hay không? Do đó, quyền tự do, trong trường hợp chúng ta đang bàn là tự do ngôn luận, được nhìn nhận trong tương quan với quyền lợi của người khác.

Việc thực hiện quyền này thế nào là tùy bạn. Nhưng nếu việc hành xử này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác thì giới hạn quyền tự do của bạn được dựng lên.

Đôi khi, có thể thấy có nhiều quyết sách lớn không đạt được sự đồng thuận (tất cả mọi người) từ người dân. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi trong bối cảnh tồn tại nhiều nhóm lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau thì việc đưa ra một giải pháp nhằm làm hài lòng tất cả các nhóm lợi ích hầu như là một điều không thể.

Điều này không chỉ là bình thường ở Việt nam mà là điều rất đỗi bình thường ở bất kì quốc gia nào khác trên thế giới. Trong trường hợp ý kiến phản biện không được chấp thuận, chắc hẳn tâm lí không hài lòng âu cũng là chuyện bình thường nếu xét trong bối cảnh qui luật tâm lí.

Nhưng đâu đó vẫn tồn tại ý tưởng rằng việc phản biện không hề có tác dụng tích cực. Từ đó, dẫn đến cách hành xử theo phong cách “Chí Phèo” trong hoạt động phản biện.

Dạo một vòng qua các diễn đàn, những trang cá nhân những lời “phản bác” càng đao to búa lớn càng nhận được sự ủng hộ nhiệt lệ của cộng đồng cư dân mạng. Chính “hào quang” từ những comment (bình luận) kia đã làm cho tác giả những “phản bác” lâng lâng bay bổng mà quên mất mình đang dần bước ra khỏi ranh giới của quyền tự do ngôn luận mất rồi.

Kết quả là những người này bị tuýt còi. Càng có thêm “tư liệu” cho những người theo trường phái “phản bác” đại loại như “nói không đúng đối tượng nên bị xử lí…”

Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, chúng ta có quá nhiều “chuyên gia” trong nhiều lĩnh vực. Kết quả là, người ta cứ nghĩ chỉ cần nói ngược lại những điều nhà nước nói, những quyết sách lớn có nghĩa là phản biện, có nghĩa là “sành sỏi”. Một loạt chủ nhân các blog đã gặp quá nhiều rắc rối về mặt pháp luật vì lí do này. Hào quang của thế giới ảo mới ghê gớm làm sao.

Nhìn nhận lại

Hoạt động phản biện nói riêng và tự do ngôn luận nói chung là một quyền năng được ghi nhận trong một xã hội dân chủ. Để hoạt động phản biện có hiệu quả, trước hết giới cầm quyền phải chấp nhận việc phản biện.

Nhưng mặt khác, để hoạt động phản biện thực sự là một hoạt động có ý nghĩa, bản thân người phản biện phải là người am hiểu về vấn đề đang phản biện. Trong trường hợp những lời phản bác (í quên phản biện chứ!) chỉ là một trò chơi chơi nổi nhằm tạo hư danh trên cộng đồng mạng thì vấn đề đã khác đi rồi.

(Nguồn: VNN)

Quê Choa Blog

1 nhận xét:

  1. Bác quechoa nói hay hơn bác Huấn, hahaha...cũng tức là phản biện của phản biện ...

    Trả lờiXóa