Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Phải có Luật Biểu tình

Đại biểu QH, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký hội khoa học lịch sử VN: "Phải luật hóa quyền biểu tình để thỏa mãn quyền bày tỏ chính kiến của người dân"

Phóng viên VTC: Ngày 5/6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra "các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc" trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng chúng ta lại dùng từ “tụ tập” để nói về điều đó. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Dương Trung Quốc: Tại sao ta lại ngại chữ “biểu tình”. Biểu tình được ghi trong Hiến pháp nhưng đáng tiếc nó chưa được luật hoá nên mỗi người hiểu khác nhau. Đông người đến môt chỗ làm một việc, nếu để ăn uống, chơi bời, giải trí thì đó là tụ tập, còn đến để bày tỏ chính kiến thì là “biểu tình”. Nội dung chính kiến thì ủng hộ, chào mừng... hay phản đối, đả đảo cũng đều là biểu tình. Vấn đề là phản đối hay ủng hộ cái gì mới là điều đáng xem xét.

Đáng mừng là trong các phát ngôn chính thức của Nhà nước đưa ra đều cho rằng hiện tượng “tụ tập” ấy bắt nguồn từ bức xúc của một số người dân, là một cách bày tỏ lòng yêu nước trước những gì xảy ra trên Biển Đông mà quan điểm chính thức của Nhà nước đều nói đến những hành động sai trái từ phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta và cách thể hiện sự bức xúc cũng diễn ra một cách đúng mức.

Vấn đề là cách thể hiện ấy vì không phải chủ trương của Nhà nước nên chính quyền đã sử dụng lực lượng để bảo đảm an ninh và tìm cách giải tán cuộc “tụ tập” một cách ôn hoà.

Ở đâu đó có xảy ra những tranh biện về việc nên hay không nên, nhưng quan trọng nhất trong chuyện này là đã không có sự xung đột. Đó là điều đáng mừng. Nó cũng cho thấy ý thức của những người tham gia rất tỉnh táo, dám thể hiện quan điểm của mình mà không bị ai xúi bẩy, kích động, có bức xúc nhưng vẫn bình tĩnh và không quá khích. Điều này giúp Chính phủ nhận ra điều phải làm và có điều kiện thực thi những giải pháp ngoại giao theo quan điểm phù hợp với lòng dân. Điều đó cũng cho thấy sự cần thiết phải luật hoá “quyền biểu tình” vì nếu biết cách sử dụng thì đó chính là lợi khí của Nhà nước mà lại thoả mãn quyền bày tỏ chính kiến của người dân.

- Nhiều bạn trẻ khi thấy Trung Quốc có những hành động vi phạm lãnh hải Việt Nam đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn. Nhiều bạn đòi đưa ra Tòa án quốc tế, nhiều bạn khác tỏ thái độ bức xúc trước những hành động của Trung Quốc... Ông có nhận xét gì về những hành động này?

Trước hết việc các bạn trẻ còn quan tâm đến những vấn đề chính trị thời sự, lại là những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia thì đó là một điều rất đáng mừng. Đáng sợ nhất là sự thờ ơ của tuổi trẻ cho rằng đấy là chuyện của ... người lớn. Bày tỏ ý kiến trên diễn đàn cùng là điều tốt vì các bạn trẻ đã biết sử dụng công cụ của thời đại, ý thức được quyền của mình trong mối quan hệ với cộng đồng.

Bộc lộ trên mạng là cách thể hiện trước cộng đồng, do đó điều này cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm. Đương nhiên nó tuỳ thuộc vào hiểu biết, nhận thức của mỗi người nên khó có thể tìm thấy sự đồng thuận tuyệt đối. Tôi không khuyên các bạn trẻ nên hay không nên nhưng đã lên mạng thì phải có bản lĩnh và cũng cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống thực, vì mạng cũng là môi trường ta dễ bị rơi vào tâm thế “ảo” ,đôi khi lợi bất cập hại.

Vấn đề là ở chỗ phát biểu như thế nào (kể cả nội dung và thái độ). Một nội dung đúng đắn, một thái độ đúng mức sẽ có tính thuyết phục, chia sẻ hay định hướng cộng đồng trên mạng. Những nhận thức sai lầm, thái độ quá khích cũng sẽ có tác động ngược lại ... Cần ý thức sức mạnh của mạng trên cả 2 mặt tích cực và tiêu cực đó. Để dân tộc không bị phân tâm khi đứng trước những thử thách lớn của lịch sử, những phát biểu trước cộng đồng, tôi xin nhắc lại cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm.

Đương nhiên vấn đề khó lại chính là chỗ nói thế nào là đúng đắn và thái độ thế nào là đúng mức. Ngoài sự khác biệt giữa những người tham gia trên mạng còn có sự khác biệt giữa quan điểm chính thống của Nhà nước với người dân. Đứng trước những vấn đề phức tạp như thế này thì lý tưởng nhất là có sự đồng thuận hay nhất trí của các bên.

Để có được sự đồng thuận ấy thì Nhà nước cần chủ động trong việc giáo dục, tuyên truyền kể cả sự lắng nghe, thuyết phục hay tiếp thu những tiếng nói từ phía người dân. Thái độ của người dân như thế nào một phần là từ cách ứng xử của nhà nước. Đây là một việc rất quan trọng vì đó là nền tảng của sự đoàn kết trong hành động.

Cuối năm 1946, khi đi kiểm tra công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân tái xâm lược, mọi người đều nói quyết tâm, Bác Hồ nói rằng quyết tâm chưa đủ, phải “tín tâm” thì mới “đồng tâm” được. Bởi vậy theo tôi, nếu để các bạn trẻ có những nhận thức sai về thực trạng, hành động không phù hợp với ý đồ của Nhà nước thì cần phải nhận rằng có phần do lỗi tại người lớn trong đó có cả những đoàn thể và cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước.

- Có ý kiến cho rằng lòng yêu nước phải thể hiện bằng hành động, chứ không phải là những lời nói trên các mạng xã hội. Ý kiến của ông về điều đó?

Đương nhiên lòng yêu nước thì phải được thể hiện bằng hành động, còn hành động như thế nào thì thật khó nói vì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Chung nhất là thực hiện tốt tư cách công dân và tìm được sự đồng thuận chung với cộng đồng. Lý tưởng nhất là có được sự đồng thuận với Nhà nước trong những vấn đề hệ trọng của nước nhà.

Xem thêm: http://www.vtc.vn/2-289308/xa-hoi/bien-dong-va-long-yeu-nuoc-cua-nguoi-viet.htm

1 nhận xét:

  1. Hiến pháp cho người dân có quyền biểu tình, nhưng chưa có luật, chính vì thế dân có thể biểu tình vì luật không hề cấm.
    MỘt chính quyền không biết tự trọng, đã vi phạm ngay chính hiến pháp do mình đặt ra bằng cách bắt bớ giam cầm người biểu tình... là một nhà cầm quyền vứt đi.

    Trả lờiXóa