Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

Việt Nam nửa tư bản nửa cộng sản

Graeme Mackay

Ngày 15 tháng 6 năm 2011

Sau một hiệp định đình chiến [Hiệp định Paris], những người lính Mỹ cuối cùng đã rời Việt Nam vào năm 1973 và năm 1975 thì Sài Gòn (nay đã được đổi tên chính thức thành Thành phố Hồ Chí Mình) đã rơi vào tay Quân đội Bắc Việt. Một cuộc di tản lớn đã diễn ra sau khi Sài Gòn thất thủ, người ra đi không chỉ là những người có quan hệ gần gũi với chính quyền và quân đội Nam Việt Nam mà còn có cả những người giàu có, những người thuộc tầng lớp có học thức và các nhà kinh doanh. Những người thuộc các nhóm này không kịp chạy thoát khi Cộng sản tiếp quản Sài Gòn thì hầu hết đều bị ngược đãi và việc thành lập tràn lan các hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã sản xuất là nguyên nhân khiến cho hàng triệu người phải chạy trốn khỏi Việt Nam, rất nhiều người đã đi bằng thuyền. Chữ “Thuyền Nhân” đã trở thành đồng nghĩa với Việt Nam.  

Trong hơn 10 năm sau 1975, nền kinh tế của nước Việt Nam thống nhất đã ở trong tình trạng trì trệ, đấy là nói bằng ngôn từ đẹp đẽ nhất. Chỉ bắt đầu từ năm 1986 sau khi đã loại bỏ đám “vệ binh già” thì chính quyền Cộng sản mới bắt đầu thực hiện các bước tự do hóa nền kinh tế và cố gắng tạo ra tăng trưởng kinh tế, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Được gọi bằng cái tên là Đổi Mới, chính sách này đã cho phép tư nhân hóa các nông trại và các cơ sở kinh doanh nhỏ.  

Vai trò lớn nhất của chính sách nói trên trong 25 năm [kể từ năm 1986] là nó rút cục đã làm cho người ta quên đi đi hầu hết những tổn thương và tàn phá do cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam gây ra. Tăng trưởng trong thời kỳ của chính sách Đổi mới đã thực sự hồi phục quãng năm 1990 và trong giai đoạn từ năm 1990 đến 1997, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Việt Nam là trên 8%.  Chính vào lúc mức tăng trường đã bị chững lại ở mức vẫn được coi là lớn là 7% thì sự sụp đổ của thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ đã khiến cho Việt Nam bị mất 20% lượng hàng hóa xuất khẩu.

Đến lúc này thì các bộ phận của chính phủ đã chợt đặt câu hỏi về tốc độ tăng trưởng chậm, lạm phát cao, sự phá giá tiền “đồng” ở mức nghiêm trọng cho dù vẫn ở trong tầm kiểm soát có liên quan tới những yếu kém ở chỗ nào và tại sao – đó là những câu hỏi được nêu vậy thôi chứ chẳng hề liên quan tới một nền kinh tế bị kiểm soát theo kiểu cộng sản. Cũng như chẳng liên quan gì đến việc tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ!  

Mặc dù khu vực quốc doanh vẫn đang chiếm 40% nền kinh tế – ở thành phố Sài Gòn năng động nhất đất nước thì là 33% – song dường như sự thịnh vượng và chủ nghĩa thực dụng sẽ là những động lực thúc đẩy của đất nước này, hãy tạm gác chính trị sang một bên, bởi vì không nghi ngờ gì nữa Việt Nam, giờ đây với hơn 90 triệu dân, đang muốn là một trong những nước “phát triển” trên thế giới vào năm 2020. Điều gì ngăn cản Việt Nam thực hiện được mong muốn đó?

Hôm 8 tháng 6 năm 2011, Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin về diễn biến một hội nghị về kinh tế biển quốc nội diễn ra tại thành phố Khánh Hòa ở miền Trung. Theo báo chí của nhà nước Việt Nam thì “kinh tế biển” giúp Việt Nam có thu nhập hơn 10 tỉ đô la mỗi năm. Nhưng thông điệp quan trọng của ông Nguyễn Văn Cư tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo lại gần như là phủ nhận điều nói trên. Kinh tế Biển đã “không đạt được tiềm năng đầy đủ … cơ sở hạ tầng biển và các vùng ven biển cũng như hải đảo vẫn còn kém …Cảng biển vẫn còn nhỏ và thiết bị thì lạc hậu.”

Để nêu bật vấn đề cơ sở hạ tầng không tương xứng nói trên, một bản tin được phát tại hội nghị đã cho thấy rằng khối lượng hàng hóa xếp dỡ tính trên mỗi nhân viên làm việc tại các cảng của Việt Nam chỉ bằng 0,14% của Singapore. So sánh với Malaysia và Thái Lan cũng không làm cho Việt Nam hãnh diện cho lắm: chỉ bằng 14% so với Malaysia và 20% so với Thái Lan.

Đại biểu Phạm Trung Lương của Tổng cục Du lịch than phiền tại hội nghị rằng Việt Nam đã không đủ sức thu hút khách du lịch nước ngoài mặc dù Việt Nam có một bờ biển dài và luôn được coi là rất đẹp.  

Hầu hết đều đồng ý là “kinh tế biển đang hoạt động không hiệu quả”. Mức độ nhất trí cũng tương đương đối với nhu cầu phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, quy hoạch dài hạn cho tới năm 2020 và 2030 và phát triển cảng biển phải được phối hợp với một hệ thống vận tải quốc gia. Phạm Hữu Tấn, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cảng Cam Ranh tuyên bố rằng: “Cảng biển phải trở thành những trung tâm “logistic” [tạm dịch là “hậu cần”] của các vùng.”

“Kinh tế biển” chỉ là một trong những mặt trận trong đó Việt Nam đang phải giải quyết những vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Trong khi dĩ nhiên là nhiều nơi trên đất nước này vẫn đang phải chịu hậu quả của các chất hóa học do Không lực Hoa Kỳ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam nhằm không cho đối phương có chỗ ẩn nấp thì bản thân người Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc đã góp phần rất lớn vào tình trạng chặt phá rừng, xói lở đất và thoái hóa môi trường sinh học ở chính đất nước của họ.  

Điều này xảy ra là do một số yếu tố. Tình trạng khai thác nguồn tài nguyên gỗ, một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam và là một yếu tố sống còn để giảm bớt thâm hụt tài khoản vãng lai tương đối lớn, đã gây ra nạn xói lở đất, thoái hóa môi trường sinh học và gia tăng tốc độ dòng chảy của nước mặt [nguyên nhân gây ra lũ]. Tốc độ tăng trưởng Xuất khẩu Lâm sản hàng năm hiện nay là khoảng 20%.  Chính phủ đang giải quyết vấn đề nói trên nhưng là dưới sự bảo trợ của Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc [UN Food and Agriculture Organisation], theo Nghiên cứu Tầm nhìn Lâm nghiệp Việt Nam (cho tới năm 2020).

Các phương pháp canh tác lạc hậu, trong đó có “đốt rừng làm nương rãy” là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng đáng kể tốc độ thấm của nước mặt và làm tăng những lo ngại về ô nhiễm nước. Với gần 50% dân số sống nhờ vào nông nghiệp, song chỉ đóng đóng góp 17% cho GDP thì chỉ riêng vấn đề nói trên đã hoàn toàn có thể là vấn đề kinh tế lớn nhất của đất nước này.

Hiện nay chỉ có khoảng 30% dân số là dân đô thị mặc dù tốc độ đô thị hóa là 3% mỗi năm khi người dân, đặc biệt là thanh niên, đang tìm kiếm cuộc sống và thu nhập tốt hơn ở các thị trấn và thành phố. Điều này không tránh khỏi dẫn đến việc đất nông nghiệp có giá trị thì lại đang được sử dụng để phát triển nhà ở và phát triển công nghiệp ở nơi đang cần sự ban hành các luật về ô nhiễm môi trường cái đã chứ chưa bận tâm tới việc củng cố luật chắc chắn. Vì thế quy hoạch của chính phủ về đất đai cho tới năm 2020/2030 sẽ phải biến đổi biến số nói trên  thành yếu tố [factoring in] giá như bởi vì một phần tư dân số là từ 15 tuổi trở lên.  

Vấn đề thực sự lớn hiện nay đối với Việt Nam rõ ràng là phải sắp xếp lại trật tự tài chính trong nước. Hôm 23 tháng 12 năm 2010, Bloomberg News đưa tin rằng hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor đã hạ định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam xuống mức BB – tức là mức không có triển vọng [negative] – kém ba mức so với điểm đầu tư [investment grade] – đang gây sức ép buộc chính phủ phải giải quyết lạm phát đang gia tăng (trên 11% trong năm 2010) và tiền “đồng” đang suy yếu.

S&P cũng lưu rằng tăng trưởng cho vay mạnh và sự bất ổn kinh tế vĩ mô “đã làm suy yếu bản cân đối thu chi của các ngân hàng của nước này [Việt Nam] … là nơi thiếu sự minh bạch…” và lo ngại về “những dòng vốn vẫn đang liên tục chảy ra khỏi các ngân hàng trong nước [capital outflows] …

Ngay sau khi Standard & Poor hạ định mức tín nhiệm thì Moody lại hạ tiếp định mức tín nhiệm của Việt Nam thêm một nấc nữa xuống thành B1 (dưới 4 điểm so với điểm đầu tư) khi hãng này đưa ra các lý do cụ thể ấy là khả năng khủng hoảng số dư các khoản thanh toán, dự trữ ngoại tệ sụt giảm và lạm phát tăng vọt  (+11% trong năm 2010) và tiền “đồng” suy yếu.

Không hề xem nhẹ những lo ngại của các hãng đánh giá tín nhiệm nói trên, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế “mở” nhất ở châu Á và những khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là sản xuất, công nghệ thông tin và công nghệ cao, và tin vui dành cho ông Phạm Trung Lương đó là số lượng khách du lịch đã khôi phục trở lại từ chỗ giảm 10% xuống còn 3,77 triệu vào năm 2009 đã tăng lên thành 4,4 triệu vào năm 2010. Số liệu của bốn tháng đầu năm 2011 cũng có vẻ rất lạc quan với mức gia tăng 10,5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong những năm trước đó thì Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực nói trên.

Gác chuyện gươm đao lại để làm kinh tế, đó là ví dụ của thành phố Nha Trang (300 000 dân) thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa. Một thành phố du lịch nằm bên một bờ biển với những bãi tắm còn nguyên sơ, Nha Trang đang nổi danh là một trung tâm dành cho khách du lịch thích bơi lặn [scuba diving]. Thành phố này đã từng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ hồi năm 2008 và Hoa hậu Trái đất năm 2010 và vào năm 2016 sẽ tổ chức các môn thi đấu trên bãi biển của các nước châu Á [Asian Beach Games]. Căn cứ Không quân Mỹ trước đây ở Cam Ranh nay đang được dùng làm Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.

Không biết có nên gọi đây là chủ nghĩa cộng sản hay không! Nhưng khoan hãy đặt phòng khách sạn. Ở ngoài Biển Hoa Nam [Biển Đông] đang có một vấn đề khá nghiêm trọng liên quan đến lãnh hải tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đã lên đến đỉnh điểm. Hôm 14 tháng 6 năm 2011, tờ Financial Times đã đưa tin rằng Trung Quốc đã yêu cầu “các nước thứ ba”, tức họ ám chỉ Mỹ, hãy đừng can thiệp vào những tranh chấp lãnh thổ của họ. Việt Nam thì cuối tuần trước đã tuyên bố rằng Việt Nam sẽ hoan nghênh những nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ và Thủ tướng của Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã “ban hành một nghị định hướng dẫn chi tiết đối tượng nào sẽ được miễn nhập ngũ nếu chiến tranh nổ ra”.

Người dịch: Hiền Ba

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét