Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Vĩnh cửu trong lòng người & Phỏng vấn một tượng đài

Đây là cuộc phỏng vấn ngoài dự tính của một phóng viên không bao giờ có bài đăng ở các báo trong nước ở thể loại phỏng vấn nghiêm túc này. Bởi y quên mất một điều, trong một đất nước không chấp nhận sự thật, nói lên sự thật, hỏi về sự thật cũng đồng nghĩa với sự nguy hiểm và úp nồi gạo, lương thực không phải để phục vụ cho sự thật... trừ khi, y là... một tượng đài khác!

 

[Photo ghép: HN-T]

 

Ngày 11 tháng 9, hai tòa tháp đôi sụp đổ. Tổng thống G. Bush tuyên bố nước Mỹ bị tấn công, có nghĩa là chiến tranh đã diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ, nơi mà người dân Mỹ tin tưởng rằng chiến tranh có ở khắp nơi trên thế giới trừ nước Mỹ. Cú chấn thương khủng khiếp ấy, theo lô-gic phương Đông, sẽ hằn sâu mãi mãi trong tâm trí người Mỹ. Hình như không hẳn vậy. Nỗi đau vẫn được nhắc nhở mỗi lần kỷ niệm ngày đen tối ấy, nhưng dường như nó không làm người Mỹ chỉ quay nhìn ký ức đau buồn.

Một tượng đài mới được dựng lên để ghi nhớ. Nó sẽ có gì qua hình ảnh thể hiện? Lửa? Sự đổ nát? Những gương mặt uất hờn? Nước mắt? Không, nó chỉ là cái hồ nước mênh mông phản chiếu bầu trời, mây trắng in trong ấy, mặt trời soi xuống đấy. Những tên người chết được khắc chung quanh thành hồ không theo thứ tự abc nào cả. Trong cái chết, họ cũng bình đẳng như trong cuộc sống. Nơi ấy dành chỗ cho một cành hoa, ngọn nến đặt xuống, thế thôi. Và một tượng đài khác được tặng cho nước Mỹ, tác giả là một điêu khắc gia danh tiếng người Nhật Bản, được thể hiện rất phương Đông. Giữa hai hình khối tượng trưng hai toà tháp chảy xuống một giọt nước mắt. Vẫn có nước mắt, vẫn không thể không biểu tượng nỗi đau bằng nước mắt. Tư tưởng và nghệ thuật khác nhau rồi nhé.

Chiến tranh Việt Nam tròn 30 năm. Hòa bình cũng chỉ hơn một chút. Nhưng suốt hơn 30 năm không chiến tranh hay chưa thật sự hết chiến tranh? Biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Ký ức chiến tranh lại đầy chấn thương đến nỗi tượng đài nơi đâu trên đất nước cũng chỉ một tư duy: Những cánh tay vung lên, súng ống, giáo mác, những gương mặt khắc khổ, căm giận, đau đớn. Những tượng đài không có bóng dáng của tương lai hạnh phúc. Nó hoàn toàn là quá khứ đau thương. Hào hùng ư? Nhưng buồn quá.

Những năm đầu sau 1975, khi Nhà Triển lãm Chứng tích Chiến tranh trên đường Võ Văn Tần còn mang tên Nhà Trưng bày Tội ác Mỹ-Ngụy, nhiều chủ nhật, từng đoàn người xếp hàng vào xem, ngoài súng ống, nhà tù, bom mìn, máy bay, xe tăng, còn những kệ trưng bày những hũ đựng thai nhi dị dạng vì chất độc khai hoang, theo như lời chú thích. Trong dòng người ấy không chỉ có những người đã trưởng thành. Người ta dễ dàng bắt gặp những thiếu nhi khăn quàng đỏ, hay nhi đồng mẫu giáo. Nhân danh tố cáo tội ác, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người ta cho trẻ con xem những thứ chỉ có thể gây chấn thương tâm hồn trước những hình ảnh ghê sợ.

1989, tôi viết bài thơ “Thư gửi các thiên thần”:

Chào những thiên thần bé nhỏ
Tôi gặp sáng nay trên con đường mát hàng me xanh ngắt
Những hàng me đã đi vào vô số nhạc và thơ
Tôi xin tự giới thiệu
Tôi – một người đã lớn
Kẻ suốt đời đi tìm tuổi thơ đã mất...
...........................................
Thưa các thiên thần bé nhỏ
Đang đuổi theo những chiếc lá me lăn tăn đầu phố
Khăn quàng các em bay như màu lửa
À không!
Tôi xin lỗi
Khăn quàng đẹp như đuôi những chú cá phướn trong chiếc lọ thủy tinh ở nhà
Sau những trò nghịch ngợm lại xếp hàng đôi, hàng ba
Đi vào xem máy chém.
Đi vào xem những chiếc lọ thủy tinh không có con cá phướn
Chỉ bềnh bồng trôi nổi những xác người
Những xác người  ghê rợn
Nhăn nhúm...
Co quắp...
Thưa những người lớn đang làm nhà dìu dắt
Đang hào hứng thuyết minh
Đố quí vị đêm nay có bao nhiêu đứa trẻ giật mình
Trong giấc mơ ôm mặt khóc?
............................................................
Hãy giật mình khi trẻ thơ thắc mắc
Cái chết là gì?
Chiến tranh là gì?
Máy chém.
Để làm chi?
                 [Sài gòn 1989]
 

Cũng hàng chục năm qua,, cứ vào ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27 tháng 7, nhiều nơi tổ chức những cuộc ca hát, giao lưu. Những bà mẹ liệt sĩ được mời đến. Khăn rằn quấn cổ, áo vải nâu hay một chiếc áo dài đơn sơ của mọi bà mẹ quê Việt Nam. Ở đấy nỗi đau thương của các mẹ lại được khơi dậy bằng những câu hỏi: Con của mẹ hy sinh năm nào, ở đâu? Trên những gương mặt già nua, những giọt nước mắt không còn để lăn xuống nữa. Nỗi đau thấu trời  khi lần lượt đặt lên bàn thờ toàn bộ tài sản của mình: những đứa con trai, con gái... Gương mặt những bà mẹ ấy đã thành đá núi câm lặng.

Nếu tôn trong nỗi mất mát, đau đớn đến kinh hoàng kia, lẽ ra hãy để các mẹ yên lặng. Nỗi đau vùi xuống còn chưa hết, sao lại cứ moi lên?

Con cái chết hết, các mẹ cần gì vào tuổi già cô quạnh. Các mẹ cần được chăm sóc chia sẻ, an ủi.Các mẹ cần cơm ăn áo mặc như mọi người. Tượng đài hàng trăm tỉ trong lúc đất nước còn khốn đốn đủ thứ, thật sự có cần không? Hãy thử làm một cuộc trưng cầu từ người dân và chính các mẹ hôm nay. Câu trả lời chắc chắn sẽ khác hẳn cái câu cửa miệng quen thuộc “Theo nguyện vọng của nhân dân...”

Bộ phim “Giải cứu binh nhì Ryan” chỉ đọng lại một vấn đề duy nhất . Khi người mẹ đã mất hai người con trai, người cuối cùng bằng mọi giá phải được mang trở về, phải được sống sót để chăm sóc, xoa dịu nỗi đau người mẹ. Nghĩa vụ cao cả chiến đấu cho đất nước những người khác sẽ gánh thay anh. Anh xứng đáng sống để trở về.

Tượng đài đâu chỉ dành cho những nỗi chết. Nó còn dành cho những gì vinh danh quyền sống của con người. Mà những tượng đài vinh danh quyền sống ấy thường vĩnh cửu ở trong lòng người.

Không thể khác.

Đỗ Trung Quân

http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=13474


Phỏng vấn một tượng đài

Phóng viên (PV): Thưa mẹ, mẹ có thấy vui khi mẹ được xây dựng thành tượng đài lớn nhất Đông Nam Á ?

Tượng đài (TĐ): Thôi thôi, xí chuyện này nha, đừng gọi tui bằng mẹ, cứ gọi tui là tượng đài!

 

PV: Dạ thưa, vì sao ... ạ?

TĐ: À, vì tui là tượng đài, tui không thể là mẹ của các ông, càng không thể gọi tui là mẹ, các bà mẹ Việt Nam đều tốt bụng, đều mang cái bụng bao dung của mình dành cho con cái, cho đồng loại, không có bà mẹ nào nuốt trong bụng mình số bạc quá lớn như vậy được. Chỉ có tượng đài mới làm điều này thôi!

 

PV: Có nghĩa là ... ?

TĐ: Nghĩa với lý gì mấy ông! Phải nói thế này, tui là tượng đài, tui không liên quan gì đến các bà mẹ, tui được tô đắp, nhào nặn bởi một ít công thức hiện thực.

 

PV: Dạ, không hiểu ạ, vui lòng nói rõ hơn?

TĐ: Ồ, thế à, hoá ra các ông rất chậm tiêu, nhưng các ông lại nói rất nhiều. Các ông chậm tiêu bởi các ông ăn rất nhiều, ui dào! Thì công thức xây dựng tượng đài gồm năm hạn mục: hiện thực, khoa học, cơm, cá và gạo tẻ. Nghĩa là động cơ xây tượng đài phải mang chủ nghĩa tung hê, tung càng mạnh, càng cao thì càng có nhiều người hê theo mình, mà muốn có người hê theo thì cần phải biết ai hê, hê để làm gì và hê có lòi tiền ra không... Muốn vậy phải biết bưng bê, xu phụ và áp phe!

 

PV: Xây dựng tượng đài là tri ân, tỏ lòng biết ơn với người xưa, sao lại dùng công thức này?

TĐ: Ồ, cho tui hỏi ông có phải là người Việt Nam?

 

PV: Dạ đúng, người Việt Nam chính hiệu!

TĐ: Vậy thì sao còn hỏi những câu ngớ ngẩn thế này nhỉ! Ông sinh năm nào? Mà thôi, không cần trả lời, nhìn mặt ông cũng đủ biết ông chỉ mới ăn cơm một chuồng. Mà đã ăn cơm chuồng nào thì mùi cũng bốc ra từ chuồng đó. Tui muốn nhắc lại, ông không được phép gọi tui bằng mẹ, tui là tượng đài. Giá như các ông cứ gọi tui là tượng đài ngay từ đầu, đừng thêm chữ “mẹ” vào thì hay thật là hay! Đằng này bắt tui gánh thêm chữ “mẹ” này, nó vô duyên và giả dối vô cùng! Đừng bao giờ nói chuyện tri ân ở đây, đói thì cứ ăn, khát thì cứ uống, muốn chấm mút thì cứ xây tượng đài. Việt Nam có biết bao nhiêu bà mẹ đói khổ, những tượng đài của họ là bữa cơm, là con cá kho, là cái áo ấm, chứ không phải là cục đá tổ tướng và mấy cái câu sáo rỗng... Các ông giỏi lắm!

 

PV: Vì sao?

TĐ: Lại hỏi vì sao? Giỏi hỏi nhỉ! Tui đã nói rồi, tui được xây đắp để ca tụng chủ nghĩa, để rửa tiền một cách thông minh và để làm chỗ dựa cho nhiều cái bụng cần tiền. Để xây dựng nên tui, người ta thu gom nhiều mồ hôi cần lao của các bà mẹ, của tiền thuế, sau đó dùng một ít để đắp lên mặt mũi, tay chân, áo quần tui, số còn lại đắp lên thân thể của gái điếm, nhà báo, nhà đài, nhà quản lý và nhà xây dựng. Một tượng đài trong nhiều tượng đài.

 

PV: Không hiểu ạ?!

TĐ: Tui không mang hình ảnh chung hay cá tính của riêng ai. Ông cần phải hiểu rằng tui là tượng đài của tượng đài, vì tượng đài thật nằm trong ánh mắt, nếp nghĩ của những bà mẹ, những đứa con còn đang lưu lạc đâu đó trong cõi người, và hơn hết là nó nằm trong cái lạnh hiu hiu của cần lao nghèo khổ, nó muốn bứt thoát ra chính mình, nó muốn được bằng an và nói tiếng người một cách tự do và độ lượng. Nhưng tui được đắp ra không phải từ thứ đó, tụi hiện hữu với sứ mệnh dang rộng hai tay che chở cho nhiều dự án và nhiều tài khoản tâm linh đã bị sâu đục mấy chục năm nay. Với tui, như vậy cũng đủ rồi! Đừng gọi tui bằng mẹ, vì tui là tượng đài!

 

PV: Nhưng mà là tượng đài một người mẹ!

TĐ: Nè ông, ông bớt nhẫn tâm đi nhá, ông cần phải tôn trọng sự thật, dù điều này ông có thể không được phép nói ra, nhưng đó là sự thật. Ông cần phải hiểu rằng tui không muốn có mặt tui trong lúc này, và đặc biệt là không được phép có mặt bất cứ bà mẹ nào trong lúc này!

 

PV: Vì sao?

TĐ: Vì những bà mẹ hiện tại quanh tui đều quá nghèo khổ, quá khó khăn, họ làm tổn thương cái chủ nghĩa và cái chân lý tượng đài của tui! Tui là hiện thân của hoành tráng, giàu có và vĩ đại. Dù muốn hay không muốn, tui cũng phải là hiện thân của thứ này. Dù muốn hay không muốn, tui cũng là hiện thân của một niềm tin về điều này! Tui phải dang rộng cánh tay để bảo chứng điều này. Nếu không vậy, người ta không cần xây dựng tui, và nếu tui nói ra sự thật, người ta đập bỏ tui ngay tức khắc!

 

PV: Sự thật nào?

TĐ: Ông đang buồn ngủ lắm sao? Sự thật các bà mẹ Việt Nam dủ không muốn cũng phải làm anh hùng. Làm anh hùng bằng cách nào à? Bằng cách vui vẻ và im lặng, để người ta đẩy mình từ một người mẹ dịu dàng, mất mát, sang thù hận và anh hùng. Ông thử nghĩ có bà mẹ nào muốn đẩy đàn con mình vào chiến tranh, mất xác, để được làm “anh hùng”? Vô lý! Hết sức vô lý! Các ông đã cố gắng đẩy lòng thù hận lên đỉnh cao, gắn cho nó chữ “anh hùng” và biến thành tượng đài, sau đó thổi cho nó phình to ra, cao lên, làm một thứ biểu tượng của lòng thù hận nhưng có cái tên rất bao dung và thơm tho. Mẹ Việt Nam à? Cái này do các ông tự sướng với nhau thôi, tui là tượng đài, không có bất kì bà mẹ nào được phép bén mảng đến gần tui! Không ai được phép gọi tui bằng mẹ!

 

PV: Vậy ... Bà là gì?

TĐ: Tui được làm nên bởi mồ hôi, xương máu của nhân dân và ý tưởng khôn lanh của một số người khôn lanh, thế thôi! Các bà mẹ Việt Nam không được phép ăn mặc nhếch nhác đến gần tui, mà ở đất nước này, thì có đến hơn tám chục phần trăm bà mẹ nhếch nhác. Ngay cả cái bà mẹ Thứ, nếu bà mà sống dậy, bước đến gần tui, tui sẽ nuốt bà vào bụng ngay; bà không được phép sống lại, và ngay cả lúc còn sống, bà cũng bắt buộc phải sống theo nếp của tui cho đến lúc chết, vì bà được dùng để xây tượng đài. Vì tui là tượng đài. Tui mang sứ mệnh sừng-sững-như-tượng-đài!

 

PV: Nếu gặp mẹ Thứ, bà sẽ nói gì?

TĐ: Không nói gì cả, vì chắc chắn chuyện ấy không bao giờ xảy ra. Bà chưa kịp bước đến gần tui, đã có kẻ bắn hạ bà rồi! Bà đã làm làm anh hùng, đã nhúng chân vào lịch sử thì đửng hòng bước ra khỏi nó! Không riêng gì bà đâu, mà bất kì kẻ nào lỡ thành tượng đài rồi, thì đồng nghĩa với việc phải biến khỏi thế giới này để nhường chỗ cho tượng đài. Mà tượng đài, nếu không tô vẽ thì không còn là nó nữa, ngộ ra chưa?

 

PV: Dạ, hơi ngộ rồi, cảm kích và xúc động quá!

http://tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do;jsessionid=5ACD124F5617530FD50B862B2349C54F?action

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét