Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Khi màu đỏ ám ảnh khôn nguôi một dân tộc

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Cách đây hai tháng, nhà xuất bản “Giấy Vụn” tại Việt Nam cho phát hành “Tặng Giang Hồ” - phát hành giới hạn và kín đáo trong vòng thân hữu - tập thơ “Bài Thơ Một Vần” của nhà thơ Bùi Chát, bản dịch tiếng Anh của Lê Ðình Nhất Lang. Ðọc những bài thơ của Bùi Chát, người ta có cảm tưởng, từng con chữ ấp ủ những nỗi đau, nỗi trăn trở, khắc khoải, và nỗi uất nghẹn của tác giả.

Trong cuộc trò chuyện giữa phóng viên Ðinh Quang Anh Thái với Mặc Lâm, biên tập viên Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do, ông Mặc Lâm nói rằng, “Bài Thơ Một Vần” thể hiện “những trăn trở, những uất ức, những thầm lặng của một thế hệ.”

Biên tập viên Mặc Lâm đã nhiều lần trò chuyện với Bùi Chát bằng điện thoại viễn liên; và ông chia sẻ những suy nghĩ về thơ Bùi Chát với độc giả Người Việt sau đây.

-ÐQAThái:

Nhà văn Hoàng Tiến hiện sống ở Hà Nội có lần phát biểu rằng, “giới cầm bút chân thật tại Việt Nam viết như những giọt máu nhỏ xuống trang giấy.” Thơ Bùi Chát có như vậy không, thưa anh Mặc Lâm?

-Mặc Lâm: Như nhà văn Hoàng Tiến nói, rõ ràng, khi đọc thơ Bùi Chát, tôi có cảm tưởng anh đã nhỏ những giọt máu trên trang giấy. Bên cạnh những giọt máu đó, tập thơ “Bài Thơ Một Vần” của Bùi Chát còn là một tiếng thét không ra lời, tiếng thét bị dồn ứ trong cuống phổi của tác giả, khiến những lời thơ của anh có những bộc phá rất mạnh. Tôi cảm nhận được những trăn trở, những uất ức, những thầm lặng của một thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ như Bùi Chát.

-ÐQAThái: Bùi Chát viết trong “Bài Thơ Một Vần:” “Màu đỏ/Như loài cỏ/Ngỡ là chuyện nhỏ/Nên không ai dọn bỏ/Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm thế nào!?/ Ðành bỏ ngỏ..”!!! Anh Mặc Lâm có hiểu được “màu đỏ” trong bài thơ muốn ám chỉ cái gì và anh có cảm nhận được thái độ buông xuôi của tác giả?

-Mặc Lâm: Bài thơ này dùng ngôn ngữ của những blogger, vừa dí dỏm, vừa bộc trực, vừa dễ hiểu, mà lại ẩn chứa những nỗi ngậm ngùi, cay đắng. Theo tôi, màu đỏ là biểu tượng cho lá cờ Việt Nam hiện nay, đó là lá cờ đỏ sao vàng và đồng thời màu đỏ cũng thể hiện lòng quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản của những người cầm quyền hiện nay, đó là màu của chiến thắng bằng mọi cách, bằng mọi giá, bằng mọi phương tiện. Bài thơ, tuy chỉ có sáu câu thôi, chúng ta thấy rõ ràng thân phận, đặc biệt là của những người trẻ ở tuổi của Bùi Chát, những người lên mạng, những người dùng blog như những trang viết của mình và chữ “như loài cỏ” thì màu đỏ bây giờ trở thành một điều gì đấy khó dọn cho sạch, khó phát quang được tư tưởng, khi mà những người mang tư tưởng đỏ ám ảnh khôn nguôi cả một dân tộc. Bùi Chát viết, “chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng không biết làm thế nào,” rõ ràng Bùi Chát muốn nói, trong chế độ mà mọi người đều bị “bó tay” một cách nghiêm khắc, và màu đỏ có ảnh hưởng đến thế hệ của anh như thế nào và dù muốn dù không thì cũng không thoát ra được màu đỏ này.

-ÐQAThái: Một bài thơ khác, tựa đề “Không Thể Khác,” có đoạn: “Những người cộng sản/Anh em chúng tôi/Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi/Trong ngôi nhà đen đủi này/Ai muốn thừa kế di sản của họ?” Thưa anh Mặc Lâm, phải chăng khi Bùi Chát viết “Những người cộng sản/Anh em chúng tôi,” tâm trạng của nhà thơ là một người từ bên trong nói lên nỗi xót xa đau đớn của mình chứ không phải là người từ bên ngoài?

-Mặc Lâm: Vâng, rõ ràng Bùi Chát muốn gửi một thông điệp đến người đọc dù trong hay ngoài. Thông điệp này rõ ràng là những người mà Bùi Chát gọi là “anh em” đó, nghĩa bóng hay nghĩa đen, đều đúng cả. Họ là những người mang màu đỏ trên lưng một cách bị ép buộc hoặc là tự nguyện thì cũng là đỏ. Thế nhưng Bùi Chát vẫn nghĩ họ là những người anh em. Những người anh em này có người cảm thông hoặc có người không cảm thông với những ý nghĩ của Bùi Chát. Dù vậy Bùi Chát nhìn họ với cặp mắt nhân bản.

Và câu chuyện mà từ bên trong anh nhìn những anh em của anh ta nó khác với những người bên ngoài nhìn trở lại bên trong Việt Nam bây giờ. Có lẽ cái khác đó chúng ta nhận thấy rất rõ trong những hành động cụ thể của người anh em đó đối với đồng bào của mình, và Bùi Chát nhìn thấy được hằng ngày, hằng giờ, anh đã được nghe, đã được thấy và đã được (hoặc bị) hưởng tất cả mọi thứ trong cuộc sống hiện nay ở Việt Nam.

-ÐQAThái: Ðọc bài thơ “Thói” của Bùi Chát, chúng ta thấy đây là tiếng nói của một con người đã bị chặn tất cả những tự do của đời sống?

-Mặc Lâm: Theo tiểu sử của Bùi Chát thì anh là con của một người di cư từ miền Bắc năm 1954 và anh chào đời tại Hố Nai, tốt nghiệp ngành Văn Học của Khoa Ngữ Văn Báo Chí trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Sài Gòn năm 2001. Nguồn gốc gia đình như vậy, nên Bùi Chát đã gặp những bó buộc ắt có vì vấn đề về lý lịch. Chúng ta đều biết lý lịch quyết định vận mạng của một con người ở Việt Nam cho tới nay và vẫn còn kéo dài như vậy, cho nên Bùi Chát viết bài thơ ‘Thói,” câu nào cũng chấm dứt bằng chữ “nhé,” nghe vừa bi quan vừa bi phẫn mà vừa hài hước, trong đó mang đậm chất uất ức mà không thể nói lên được.

Chữ “nhé” rất cô đọng, và nó làm tôi xúc động khi đọc bài thơ “Thói” này. Chữ “nhé” rất nhẹ nhàng, giọng Hố Nai, nhưng mà cay đắng của người Bắc, làm cho người miền Nam cảm thấy đây là một sự hài hước cực kỳ đau khổ của một người Bắc muốn châm chọc một vấn đề gì đó mà không thể nói được.

-ÐQAThái: Ðọc thơ Bùi Chát, bài nói về kinh tế thị trường chẳng hạn, nhà thơ nói chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của hoang đường được tiếp thị bằng máu cùng thời gian tiến hóa một chủng tộc; hay bài “Cộng Sản là cái quái gì.” Ðây có phải là bản tuyên ngôn lên án tận gốc rễ chủ nghĩa Cộng Sản?

-Mặc Lâm: Tôi không nghĩ đây là một bản tuyên ngôn mà Bùi Chát cố tình lên án chế độ Cộng Sản; vì Bùi Chát không phải là người chống Cộng cực đoan hay là chống Cộng theo phương cách mà chúng ta nghĩ rằng đây là cách hay nhất để chống Cộng. Bùi Chát là người làm thơ để nói lên sự thật và ghi nhận tất cả những gì anh cảm nhận được trong vai trò một người làm thơ, mang đậm tính nhân văn.

Ðây có phải là một bản tuyên ngôn hay không? Tùy người đọc, họ có thể nghĩ đây là bản tuyên ngôn nhưng Bùi Chát viết tới đó và chấm dứt ở đó. Ðó là cách rất hay của nhà thơ, anh muốn cho chúng ta cảm nghiệm thơ của anh bằng cách riêng tùy mỗi người.

-ÐQAThái: Anh có thể cho biết thêm một chút nữa về con người Bùi Chát.

-Mặc Lâm: Tôi chưa bao giờ nói chuyện với anh mặt đối mặt, nhưng qua những lần điện thoại thì tôi nghĩ Bùi Chát là người rất ít nói và “giấu mình trong một cái vỏ.” Anh không bao giờ nói nhiều về bản thân cũng như những việc xảy ra hàng ngày chung quanh. Nhưng theo tôi được biết thì Bùi Chát đã bị công an “mời” lên rất nhiều lần về những công việc mà anh làm qua nhà xuất bản Giấy Vụn.

Chúng tôi cũng thấy, trong tập thơ này, anh giới thiệu nhà xuất bản Giấy Vụn của anh chuyên môn phát hành những tác phẩm mà có thể bị nhà nước kiểm duyệt và những tác phẩm này chỉ có photocopy và tặng cho bạn hữu thôi chứ không bán. Ðây là điều chúng ta thấy làm lạ; lạ ở chỗ không có ai làm công việc tốn kém mà lại không thu nhận bất cứ một lợi nhuận nào cả, nhưng Bùi Chát và Lý Ðợi đã cùng nhau hợp sức để làm một nhà xuất bản Giấy Vụn và trước đó các anh đã lập nhóm “Mở Miệng” với tất cả những tác phẩm của Bùi Chát được loan truyền trên Internet trong nhiều website văn học.

-ÐQAThái: Anh tâm đắc bài thơ nào nhất của Bùi Chát?

-Mặc Lâm: Tôi thấy có một bài thơ rất hay, đó là bài thơ “Tháng Tư,” khi mà tất cả chúng ta đều nói về ngày ấy, trong và ngoài nước. Trong nước dĩ nhiên là kỷ niệm chiến thắng, ngoài nước thì tưởng niệm ngày uất hận, ngày đau thương; nhưng với Bùi Chát thì ngày 30 Tháng Tư như thế này:

“Những trận mưa rớt xuống đầu thiên hạ

Sự ẩm ướt đổi cuộc đời

Người người không biết trốn vào đâu

Tháng Tư ngập đường cuốn triệu người ra bể

Cuốn vào những cuộc chiến thiếu cân nhắc

Cách mệnh dậy thì vỡ tiếng đầy ngang ngạnh

Nét khốn khổ hiện trên khuôn mặt thành sẹo của quốc gia.”

Chữ “thành sẹo của quốc gia,” không có chữ nào đúng hơn chữ đấy. Bùi Chát đã nhìn sự vật một cách tỉnh táo, theo cách của một người trẻ và tuyên bố những câu như vậy thì chúng ta thấy khả năng làm thơ của Bùi Chát và cách vận động thơ văn của anh rất tuyệt vời.

-ÐQAThái: Cám ơn anh Mặc Lâm đã nói cho nghe về Bùi Chát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét