Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009

Nghịch lý Trung Hoa


Trong khi nước Cộng hòa Nhân dân kỷ niệm sinh nhật thứ 60 đầy hào hứng một cách xứng đáng, thực ra có lẽ đảng Cộng sản đã sắp chết. 

Ai Weiwei, nhà thiết kế mỹ thuật sân vận động Tổ Chim (Bird Nest) Bắc Kinh
Tôi ra đời năm 1957 và trải qua thời thơ ấu ở vùng Tân Cương xa xôi, nơi cha tôi, ông Ngải Thanh (Ai Qing), bị lưu đày. Ông là nhà thơ, không phải là nhà cách mạng nhưng đảng Cộng sản không dung thứ những người biết suy nghĩ tự do. Thế là ông phải trải qua nhiều năm chùi cầu tiêu, bị đánh đập và lăng nhục trước công chúng. Đối với tôi, đó là một bài học về chuyện con người có thể đối xử với nhau kinh khủng như thế nào.

Ngày 1 tháng 10, đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân. Nhờ khả năng phấn đấu và chịu đựng của người dân Trung Quốc, đất nước đã có thể ăn mừng việc trở thành một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Chính quyền sẽ ca tụng thành công này như là sản phẩm của trí tuệ của họ. Tuy vậy, khi hàng trăm triệu người Trung Hoa cần mẫn cuối cùng được tái gia nhập vào cộng đồng thế giới sau một thế kỷ biệt lập, điều tự nhiên là họ sẽ thành công. Khi chúng ta đánh dấu Trung Quốc đã đi được bao xa trong 60 năm qua, cũng cần phải chú ý đất nước đã không đi được bao xa.

Khi những người cộng sản đấu tranh giành quyền kiểm soát đất nước trong các thập niên 1930-1940, họ hứa sẽ thực hiện dân chủ, tự do báo chí và hệ thống tư pháp độc lập. Sáu thập niên sau ngày họ chiếm được quyền lực, những điều này vẫn chưa hề tồn tại.

Hãy xem trường hợp của ông Đàm Tác Nhân (Tan Zuoren), một người bị buộc tội “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”. Hồi tháng Tám, tôi tới Tứ Xuyên để ra làm chứng trong phiên tòa xử ông. Ông Đàm là một người biên tập báo, một người hoạt động môi trường chứ không phải là nhà cách mạng. Nhưng cũng như cha tôi ngày xưa, ông nêu lên những câu hỏi quan trọng và nói ra những gì ông nghĩ. Bây giờ, cũng giống như thời ấy, đó là một điều nguy hiểm ở Trung Quốc. Nếu bạn mở miệng chỉ ra những điều rõ ràng là sai trái, nếu bạn tin vào cái quyền thiết yếu là được nói thì bạn có thể bị chụp mũ là kẻ thù của nhà nước.

Sau khi có quá nhiều trường học ở Tứ Xuyên bị sụp đổ trong trận động đất kinh hoàng năm ngoái, ông Đàm quyết định lập danh sách những học sinh xấu số. Tôi cũng tuyển các tình nguyện viên cho một dự án tương tự. Khi bạn nhìn thấy quá nhiều cuộc đời bỗng dưng biến mất, bạn phải hỏi tại sao. Và khi hệ thống từ chối đưa ra câu trả lời, bạn phải sử dụng mọi phương tiện bạn có để tìm ra nó. Ở mỗi bước đi, chính quyền đều ra sức ngăn cản những cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Cảnh sát theo dõi, quấy nhiễu và trong vài trường hợp, đã đánh đập các tình nguyện viên. Ông Đàm bị bắt ngày 28 tháng Ba. Trong khi tôi có mặt Tứ Xuyên để phát biểu tại phiên xử ông ấy, cảnh sát đã ập vào phòng khách sạn tôi ở lúc nửa đêm, đánh đập tôi và bắt giữ một số người trong nhóm chúng tôi. (Tôi đã phải giải phẫu sọ não ở Munich, CHLB Đức để chữa các vết thương trên đầu). Ý định rõ ràng của họ là bảo đảm rằng không ai trong số những người ủng hộ ông Đàm được chứng kiến vụ xử.

Chúng tôi tin rằng, nạn tham nhũng và xây dựng gian dối gây ra số tử vong cao cho học sinh, có thể lên tới 6.000 em. Tại sao chính phủ sợ cuộc điều tra độc lập về sự kiện này. Tại vì đảng Cộng sản biết rằng hệ thống của họ rất yếu, rằng độ tín nhiệm của họ rất thấp và rằng họ đã trở thành một đảng mafia mà hệ tư tưởng duy nhất gắn kết họ vào nhau là cố bám lấy quyền lực. Sự thật về một chuyện đơn giản như vì sao những học sinh Tứ Xuyên này chết có thể xói mòn quyền lực của đảng. Để chứng kiến chỗ yếu này, bạn chỉ cần nhìn vào mặt những người lính và những người dân binh tràn ngập các đường phố Bắc Kinh và trên các trang báo chính thống trong và trước cuộc duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 1 tháng 10. Họ biểu thị sự sợ hãi chứ không phải niềm vui.

Đối mặt với sự đàn áp, rất dễ trở thành bi quan. Vài người than phiền rằng lớp trẻ ngày nay không chia sẻ những lý tưởng cao đẹp với lớp sinh viên thập niên 1980. Nhưng trong lúc thế hệ chúng tôi mơ những giấc mơ cao cả, những giấc mơ ấy có rất ít nền tảng. Chúng tôi giống như những bông hoa có cái cuống thật dài và mỏng mảnh. Đương đầu với cuộc đàn áp bằng vũ lực năm 1989, sinh viên Bắc Kinh bị đè bẹp một cách dễ dàng và bi thảm. Thế hệ trẻ ngày nay thực tế hơn, và vì vậy tôi lạc quan về những cơ hội của họ nhằm thúc đẩy cuộc thay đổi tận gốc. Họ chưa sẵn sàng xuống đường đấu tranh nhưng họ không hề muốn bị người khác bảo cho những gì họ có thể đọc hoặc không thể đọc, được bàn hoặc không được bàn luận trên mạng. Đơn giản là họ chỉ muốn tự do sống cuộc sống của chính họ.

Tôi không nói tới những gì mang tính cách mạng, chẳng hạn như nền dân chủ mà có thời đảng Cộng sản đã hứa hẹn. Tôi chỉ nói vấn đề căn bản là bảo vệ phẩm giá cá nhân của mỗi con người. Vấn đề tìm câu trả lời cho những câu hỏi đơn giản – chẳng hạn như tại sao quá nhiều học sinh chết ở Tứ Xuyên. Vấn đề đòi hỏi câu trả lời và trách nhiệm giải trình từ chính phủ. Nếu các công dân Trung Quốc làm như vậy, thì lễ kỷ niệm 60 năm này sẽ không chỉ là dịp để đảng Cộng sản tự tôn vinh. Đây có thể là tiếng hô xung phong cuối cùng của một chế độ đang giẫy chết.
 
Ai Weiwei

H. H. dịch
Bản điện tử: The China Paradox, TIME, 5/10/09

Ai Weiwei: Nghệ sĩ Trung Quốc nổi tiếng, nhà thiết kế mỹ thuật sân vận động Olympic Bắc Kinh

Nguồn: http://www.viet-studies.info

1 nhận xét: