Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Nhà tù của 'công an nhân dân' ở Berlin

Nguyễn Giang BBC Blog

Một cây viết của Ba Lan, ông Janusz Reykowski từng nói thuyết Marx-Lenin chỉ nói đến cách giành quyền lực nhưng không nói rời bỏ ra sao.

Nhà tù của công an Stasi tại Berlin đã phần nào cho tôi câu trả lời vì sao Đông Đức sụp đổ.

Nhà ngục Berlin-Hohenschönhausen, nay là khu tưởng niệm quốc gia (Gedenkstätte) trông thật đơn sơ, chẳng khác gì một xưởng đóng gạch ở ngoại thành Hà Nội.

Trước mấy lần cổng sắt là hai ba chiếc xe bus chở du khách theo tuyến thăm Berlin.

Tôi nhập vào nhóm nghe thuyết minh tiếng Anh trong lúc một nhóm khác thì đi theo người hướng dẫn bằng tiếng Đức, chứng tỏ đến nay người Đức vẫn cũng muốn biết chỗ này.

Người hướng dẫn du lịch, một phụ nữ Đức trung tuổi, đeo kính, tóc đã bạc nhiều không giấu được vẻ xúc động khi dẫn chúng tôi xuống căn hầm nơi đặc vụ Liên Xô (NKVD) giam tù từ 1945.

Thì ra, nhà tù cũng có giấy khai sinh hẳn hoi.

Sau khi Đức Quốc xã bị bốn đồng minh chiếm đóng, Liên Xô làm chủ vùng này và biến một khu nhà xưởng thành trại tạm giam.

Phòng giam nhỏ, giường ngắn chỉ chừng 1,6 mét, được dùng để nhốt những người Đức có chiều cao hơn thế.
stasi-torture-chamber226.gif

Hướng dẫn viên nói đấy là cách để tù nhân chỉ có thể ngủ co chân.

Một xà-lim nhỏ tí chừng 6-7 mét vuông có thể nhốt mười mấy người.

Mồ hôi của tù toát ra, tạo độ ẩm khắp các khu tường và tóc của phụ nữ bị giam lâu bị mốc.

Tù bị nhốt trong các phòng hoặc hoàn toàn chìm trong bóng tối nhiều ngày liền, hoặc chiếu đèn liên tục để họ mất hết cảm giác về thời gian.

Thấy một cô gái trong tour đã nhăn mặt xúc động, bà hướng dẫn nói: "Lát nữa mời quý vị xem phòng tra tấn để biết sự thực kinh hoàng ra sao".

Sau khi Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời, công an Stasi tiếp quản nhà tù và tiếp tục hoặc thậm chí nâng cấp một cách 'sáng tạo' nhiều cách tra khảo.

Đến một xà-lim được lót trong bằng các tấm cao su, người hướng dẫn giải thích đây là buồng giam dạng "bể nước" (xem hình bên).

Tù nhân bị giam trong bóng đen hoàn toàn, đứng, ngồi, ăn ỉa đều ngập nửa mình trong nước.

Một chỗ khác là hốc hình chữ nhật khoét vào tường, xung quanh có đai sắt để phạt tù ở tư thế khom người nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày liền.

Họ sẽ bị mất hết cảm giác và phản xạ của cơ thể và hệ thần kinh.

Một bộ phận khác lại chỉ là hai chậu nước.

Người tù bị kẹp đầu vào giữa, nước từ chậu trên liên tục nhỏ xuống qua một lỗ nhỏ vào đỉnh đầu.

Sau nhiều giờ như thế, mỗi giọt nước rơi xuống là một cú giáng mạnh vào sọ não.

Để tránh nó, nạn nhân chỉ có cách ngụp mặt vào chậu nước phía trước.

Xem đến đó thì cả nhóm du khách trong đó có tôi lặng đi không hỏi thêm gì...

Không bao giờ sai

Bà hướng dẫn nói có sự khác biệt giữa nhà tù của phát-xít và Đông Đức sau này.

Theo bà, chế độ Hitler giam cầm để giết dần giết mòn người tù, nhất là dân gốc Do Thái.

Còn ở đây, người ta không quan tâm tù sống chết ra sao về thể xác, miễn là an ninh đạt mục tiêu chính trị, cải tạo người tù theo một 'tiêu chuẩn' định trước.
stasi-arrests.gif

Người hướng dẫn trích lời Bộ trưởng An ninh Erich Mielke (1907-2000) rằng "Kẻ thù của nhà nước là bất cứ ai có ý kiến riêng".

Bà nhấn mạnh:

"Xin quý vị nhớ cho, có 'ý kiến riêng' - your own opinion, đã là tội, chưa cần phải có 'ý kiến khác biệt' - different opinion,"

"Với công an Stasi, mục tiêu cuối cùng của việc bắt giữ, tra tấn là để người tù thú tội".

"Nhận tội (confession) là thứ họ phải đạt được bất kể mạng sống của người bị bắt ra sao, vì nó chứng tỏ nhà cầm quyền đúng, và việc bắt giữ là đúng đắn ngay từ phút đầu".

Bị bắt tức là có tội.

Lời nhận tội là "bằng chứng" quan trọng nhất trước tòa án.

Hệ thống chính trị trên nguyên tắc không thể nào sai vì nó đến từ một lý thuyết ưu việt, lại là tất yếu lịch sử, nên phải đúng bằng mọi giá.

Và bao nhiêu người bị hành hạ trong những buồng giam kinh hoàng này để chứng minh rằng nhà nước Đông Đức đúng.

Nhưng cuối cùng thì nhà nước đó đã bị tan rã, chứng tỏ nó sai ngay từ phút đầu như mọi dự án chính trị thiếu nhân tính khác.

Gần nhà tù Hohenschönhausen mà thời Đông Đức không có trên bản đồ, cuộc sống vẫn diễn ra yên ả ở các khu chung cư nằm giữa các rặng cây đổ lá vàng.

Trên lối đi dạo ra một hồ nước gần đó, tôi thấy các biệt thự từ thời Đông Đức của giới quyền thế vẫn đứng đó thật to đẹp.

Con phố không xa thì mang tên đạo diễn điện ảnh Konrad Wolf, em trai ông Markus Wolf, trùm tình báo Đông Đức nổi tiếng vì các vụ đổi con tin.

Dù lên án ông Markus Wolf (1923-2006) nhưng nước Đức thống nhất không phân biệt lý lịch nên em ông vẫn được vinh danh.

Cuộc thay đổi 1989-1990 cũng chẳng làm cho ai trong bộ máy 'công an nhân dân' (Volkspolizei) hồi trước phải đi tù.

Thậm chí tôi thấy trên các cột đèn những tấm bích chương nhỏ, vận động cho liên minh tranh cử cánh tả gốc cộng sản Die Linke tại quận này.

Một nước Đức mới bao dung hơn nhiều so với thời Đông Đức, đã cho phép bất cứ ai, dù quá khứ, lý lịch thế nào đi nữa, được quyền có tương lai.

berlin-wall-murals.gif


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét