Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Bắc hành

Dân ta, trong đó có người vùng Bình Trị Thiên, thường vào Nam lập nghiệp thay vì đi ngược ra Bắc. Ngay trong phạm vi Bình Trị Thiên mà thôi, xu hướng ấy cũng nổi bật. Nhiều người từ Quảng Bình, Quảng Trị, không ít người tài trí, vô Huế định cư từ đời này đến đời khác, lâu ngày biến thành người Huế. Rồi sau đó nhiều lưu dân sống tại Huế cùng với một số dân bản địa lại xuôi nam, vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Sài Gòn. Trong một lần chuyện trò, nhà văn Võ Phiến cho nghe câu ca dao miền quê ông, có lẽ cũng mang ý nghĩa tương tự:
Anh về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ Khánh Hòa thăm em.


Chữ “em” ở đây nên được hiểu là người yêu, chứ không phải em gái, mà anh sẽ vô Khánh Hòa cưới làm vợ, chẳng khác gì xưa kia bố ở Bình Định vô Phú Yên lấy mẹ. Toàn là xuôi nam. Xuôi nam lập nghiệp, sinh sống, hòa hợp nhau, nâng đỡ nhau, điều đó vẫn xẩy ra từ trước đến nay. Nhưng bây giờ khác. Thực trạng xã hội ngày nay phức tạp, rối rắm hơn nhiều. Và đầy nghịch lý.

Tôi thử phác họa trong đầu một câu chuyện mà mọi người đều không muốn nó có. Thử tưởng tượng vào khoảng năm 2100 chẳng hạn, người thời ấy sẽ kể lể cho nhau nghe chuyện của thời đại chúng ta như chuyện “đời xưa”. Rằng xưa kia có những đàn chim từ Bắc bay vô Nam, hết lớp này đến lớp khác, những buổi sáng tinh sương, những buổi chiều tranh tối tranh sáng, những đêm đen, lúc bay trong mù, lúc in hình trên bầu trời xanh, cũng có khi ngả nghiêng trong gió táp mưa sa, nhưng cuối cùng đều đến được đất lành. Đất lành chim đậu, những đàn chim ấy sống vui vẻ, thân yêu với những đàn chim cùng loại đã ở đấy từ lâu, không mổ nhau, không cướp cái ăn của nhau, tuân theo nếp sống hiền hòa, êm đềm. Thế rồi, tai trời ách nước giáng xuống, một số ác điểu ra đời, ít thôi, nhưng rất hung bạo, quỷ quyệt. Chúng dụ được những con chim khác và mượn thêm sức những con chim “lạ” bay vào Nam thẳng tay tàn sát đồng loại và đảo lộn nếp sống đã có từ lâu đời.

Cứ tưởng rằng từ đó về sau sẽ vĩnh viễn làm chúa tể sống trên xương trên máu kẻ khác, không ngờ gậy ông đập lưng ông, lại đến phiên chúng bị những con chim “lạ” kia “phản phé”. Cờ bạc bịp mà! Loài chim “lạ” kia còn hung hiểm hơn, tìm ra vô số lý do để “ăn thua đủ”. Chẳng hạn chúng phán: trước nợ ta, nay phải trả cả vốn lẫn lời. Lòng tham không đáy, lại phán tiếp: hết nợ còn ơn, còn nghĩa, còn tình. Mà tình sâu nghĩa nặng thì biết đời nào trả cho xong! Chi bằng, để có kết quả vừa nhanh chóng vừa cụ thể, loài chim “lạ” đó đem luật rừng ra xử bọn thiếu nợ “vô ơn bạc nghĩa” ấy. Cướp bóc, đánh giết, chiếm đoạt, “giành sân lấn đất”, nay cấm bọn kia bay tới vùng này, mai làm thịt năm bảy con ở vùng khác. Rồi lại mang luật rừng áp dụng ngoài biển khơi, hóa phép thành loài cá “lạ”, ăn tươi nuốt sống những con cá khác. Những loài thú khác đứng từ xa thoạt đầu bỡ ngỡ rồi dần dần quen mắt thản nhiên nhìn cảnh tượng “mạnh hiếp yếu”, “cá lớn nuốt cá bé”, quen tai nghe tiếng kêu thảm thiết của những con chim sắp chết mà loài chim “lạ” thường kháo với nhau “chim sắp chết tiếng kêu bi ai” (Điểu tương tử kỳ minh dã ai). Còn cá sắp chết có biết kêu không? Hình như loài vật sống dưới nước không có khiếu nói năng, vì mới hả họng định kêu la thì nước đã tràn vào “bịt miệng”, lại nhớ cha Nguyễn Văn Lý, đành chết trong câm nín.

Những tên gọi như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, Tây Nguyên đã biến mất khỏi ngôn ngữ Việt Nam từ lâu, mà ngay cả tên nước Việt Nam cũng bị xóa nhòa trên bản đồ thế giới. Những người nô lệ tủi nhục, sợ sệt, tức là những người kể chuyện đời xưa cho nhau nghe, nói một thứ tiếng An Nam trọ trẹ tiếng Tàu, thỉnh thoảng cũng kể thêm chuyện Tấm Cám, chuyện Quỷ Nhập Tràng, để gọi là có nhớ nguồn gốc, nhưng không dám nhắc nhở gì đến chuyện Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Đức Thánh Trần, hay Quang Trung từng đánh đuổi những con “chim lạ” từ phương bắc bay tới. Đôi lúc chỉ dám rủa thầm trong bụng khi nhớ đến chuyện đời xưa gần hơn, chẳng hạn chuyện các ông chủ tịch nước cụng ly tung hô các khẩu hiệu như “Môi Hở Răng Lạnh”, “Mười Sáu Chữ Vàng”, nhưng rượu chưa ráo ly thì “mặt đã trở”, đã ra tay cho các đồng chí vĩ đại bé nhỏ mấy bài học nhớ đời. Đúng ra là “đã trở mặt”, nhưng tiếng Việt bị lãng quên dần.


 

Thật là:
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa


Vâng, thời đó truyện Kiều cũng còn được biết đến đôi chút nên có người chua chát lẩy một vài câu như trên cho đỡ bức xúc. Cũng có người đau xót nhớ đến nước cũ, nhớ những thời đại vinh quang ngày xưa nay còn đâu, đành mượn vài câu than thở:
Thân sao thân đến thế này
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi


Chuyện “xưa” quả là một cơn mộng dữ, nhưng tỉnh mộng vẫn thấy thực tại đang tiến dần đến gần những gì đã hiện lên trong cơn ác mộng!

Ai đó đã nói một cách rất đúng đắn rằng lý do của hầu hết những cuộc chém giết, tàn sát, những cuộc chiến nói chung, đều xuất phát từ cái dạ dày, từ vấn đề di dân, tức là từ cung cách loài người noi theo bản chất của loài dã thú, loài chim dữ, loài cá mập, loài lang sói. Nhưng nói cho công bình, tuy cùng một bản chất vẫn có vài khác biệt. Một câu rất nổi tiếng của George Orwell, nhà văn người Anh trong Trại Súc Vật (Animal Farm) viết từ năm 1945: “Tất cả loài thú đều sinh ra bình đẳng, nhưng có một số bình đẳng hơn những con khác” (All animals are created equal, but some are more equal than others). Xin nhại theo câu nói ấy: Loài chim, loài cá, sinh ra đều rất thật thà, có gì nói nấy, nhưng ác điểu và chim “lạ”, cá “lạ” thật thà hơn, nào “bao la tình chim”, “mênh mông tình cá”, nào “giải phóng”, nào “môi hở răng lạnh”, nào “hợp tác toàn diện”, nào “bốn tốt”, “mười sáu chữ vàng”. Nghe thật sướng, êm ái như mật rót vào tai, líu lo như bà già sún răng ăn bún.

“Anh! Nghĩ gì mà ngẩn người ra vậy?” cô em họ chăm chú nhìn tôi, hỏi.


 


Tôi hơi ngượng. Quả thật độ rày lắm lúc tôi lẩn thẩn. Ba người chúng tôi đang bàn bạc với nhau, bỗng dưng đầu óc của tôi đi lạc, tôi lảm nhảm một mình. Tôi định bụng sẽ đi ra hướng Quảng Trị, cô em họ lại thích thuê một chiếc xe hơi nhỏ đi về hướng nam, và nếu có thì giờ sẽ qua Hải Vân, vô Đà Nẵng. Cô không thích ra hướng bắc dù chưa hề đi lần nào. Riêng tôi đã đi ra ngoài đó mấy lần, bằng xe lửa hoặc xe hơi. Cũng có thấy loáng thoáng phong cảnh hai bên đường, nhưng cưỡi ngựa ngắm hoa coi bộ còn trông rõ hơn. Cho nên lần này tôi đã có ý định sẽ cùng chú em chở nhau bằng xe gắn máy hai bánh để trước hết có thể chạy chậm lại khi cần, hoặc muốn ghé đâu thì ghé. Đành quay qua cô em họ nói gần như van lơn:
“Anh và chú T. có chút việc ra ngoài đó. Vài hôm nữa mình sẽ thuê xe đi vô thăm chùa Trúc Lâm Bạch Mã ở Cầu Hai nghe. Nghe nói chùa mới xây xong, đẹp lắm. Sau đó xuống Cảnh Dương rồi cảng Chân Mây chơi. Cô chịu không?”

Cô em vui vẻ nghịch ngợm lắc đầu: “Không chịu.”

“Cám ơn cô.”

“Anh khách sáo quá. Việt kiều có khác, hở một chút là cám ơn, xin lỗi, xin phép.”


 

*


 


T., chú em họ, gốc Quảng Trị, bố mất trong chiến tranh, theo mẹ vào Huế từ hồi còn thơ ấu, hỏi tôi:
“Anh muốn muốn ghé những nơi nào? Ghé ít, sáng đi chiều về. Ghé nhiều nơi thì phải ở lại đêm. Cứ ở lại đêm ngoài làng cũ của em, nếu anh không chê.”

Thật ra bà con ruột thịt của T. ở ngoài đó cũng không còn ai, nhưng cũng như những người Quảng Trị khác, T. rất quyến luyến miền đất ấy, nơi bị tàn phá nặng nề nhất trong chiến tranh vừa qua. Những đứa con của quê hương càng thống khổ càng nặng tình. T. thường xuyên ra đó thăm khi thì bằng xe đò, khi bằng xe gắn máy, bây giờ gọi là xe máy, tự lái lấy, thăm ngôi nhà từ đường bị bom đạn san bằng mấy lần nay đã được một người chú họ cho xây dựng lại trên mảnh đất cũ thuộc làng An Cư. Làng An Cư, cái tên hay. Mong rằng từ nay về sau mọi người ở đó sẽ được an cư lạc nghiệp như tên gọi ngôi làng mình. Tôi chưa biết An Cư, nhưng tôi đã đi qua nhiều làng mạc, nhiều thị trấn nằm dọc theo quốc lộ 1 thuộc tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Qua đó mới thấy quê ta nghèo nàn, xơ xác, nhưng lại rất giàu mồ mả, nghĩa trang. Đặc biệt là có nhiều nghĩa trang mang tên “Tổ Quốc Ghi Công”, tức là nơi yên nghỉ ngàn thu của chiến sĩ đã hy sinh của phe thắng trận. Trông khá khang trang, “hoành tráng”. Còn hương hồn tử sĩ miền Nam bại trận nay được thờ ở đâu, không thấy? Hay là tại những nghĩa trang mang tên hơi khác, “Tổ Quốc Ghi Ơn”, mà nay đều đã bị đào bới, san bằng? Nếu thế thì hương hồn của họ, tôi nghĩ đến mấy câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm, chắc là ở trong gió đang “ù ù thổi”, dưới trăng đang “dõi dõi soi”. Và ở trong lòng người.

Tôi bỗng liên tưởng đến bọn thực dân Pháp đô hộ nước ta gần một trăm năm. Dưới ách đô hộ, người sống chịu cực khổ mọi bề, nhưng người chết khá hơn. Thế là phải, ai lại đi trả thù người chết! Vào năm 1920, vua Khải Định và toàn quyền Đông Dương khánh thành Đài Chiến Sĩ Trận Vong tưởng niệm tử sĩ của cả hai bên, được xây dựng trên bờ sông Hương ngay trước trường Trung Học Khải Định. Chúng tôi gọi đó là cái Bia. Thời trung học, chúng tôi thường ghé Bia chơi khi nào đi đến trường quá sớm. Những giờ trống cũng thường ra đó đùa giỡn hoặc bắt chuyện với mấy anh lính gác da đen rạch mặt xê-nê-ga-le (sénégalais). Hồi đó trường còn làm chỗ đóng quân của Pháp (mãi đến cuối 1954 mới được trao trả lại cho ta). Mấy lính gác trông mặt mày hung dữ nhưng cũng có người vui vẻ, hiền lành, chúng tôi bắt chuyện để tập nói tập nghe và học lóm năm ba tiếng Pháp thô tục ngoài đời. Ở trường chỉ học loại tiếng Pháp thanh nhã, học văn phạm, dịch, làm luận. Chủ yếu là dịch, Pháp ra Việt, Việt ra Pháp.

Sau này mỗi khi về thăm Huế, thăm trường cũ, tôi cũng thường “quá bộ” ra bờ sông thăm Bia, một trong những di tích có tiếng trong quần thể kiến trúc Huế cổ kính, tinh vi, đẹp đẽ. Nhưng vào mỗi thời kỳ trong đời người, hay ít nhất trong đời tôi, cái Bia ấy hiện lên khác nhau. Có lúc trông nó như một kỷ niệm êm đềm của tuổi học trò, có lúc quên nó, khi sực nhớ nhìn lại không ngờ thấy nó vẫn còn đấy, “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhưng tuổi đời càng tăng, nay, sau bao nhiêu dâu biển, trông nó lạnh lẽo, cô đơn. Một buổi chiều từ ga Huế cuốc bộ đến Bệnh Viện Trung Ương thăm người thân, đi ngang qua cổng trường xưa, đứng lại nhìn vào trong một chốc, rồi không thể không quay ra đi thăm cái Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong này. Nó nằm trơ dưới bầu trời mây bay từng giải cuồn cuộn, mà người xưa, hồn người xưa, đã đi đâu hết, một đi không về. Nhìn xa hơn một chút, cây cỏ lớp lớp trên bờ kia của sông Hương lặng lẽ, tạnh vắng; quay đầu nhìn về phải, Cồn Hến trải dài bờ bãi mịt mùng; quay đầu về trái, như lờ mờ thấy con đường ngày xưa có tên Huyền Trân Công Chúa. Buổi chiều đứng đó nhìn quanh không thấy làng cũ, chỉ thấy dâng lên trong lòng một nỗi buồn khó tả. Bỗng nhớ Thôi Hiệu và Hoàng Hạc Lâu. Bài thơ ấy đọc lên lúc nào cũng thấy hay, và vào những lúc như thế này, nó càng gây nên những cảm xúc lan man, bồi hồi. Chữ Hán không có là bao nhưng cũng muốn dựa vào những bài Hoàng Hạc Lâu đã được dịch ra tiếng Việt mà viết lại theo ý mình, bỏ bớt niêm luật khắc khe:
Người xưa cưỡi hạc vàng đi mất
Hoàng Hạc Lâu còn tại chốn này
Hạc vàng một đi không trở lại
Mây trắng ngàn năm bay vẫn bay
Sông tạnh Hán Dương cây lớp lớp
Bãi thơm Anh Vũ cỏ hây hây
Chiều xuống quê nhà đâu chẳng biết
Sóng giục sầu lên chất ngất đầy

“Hả, anh muốn ghé những nơi nào? Ghé đâu trước?” T. lặp lại câu hỏi.

“Xin lỗi, anh độ này đãng trí lắm, hồi nãy quên trả lời em. Xem nào... hay là ăn sáng xong rồi tính.”

“Còn sớm quá, kiếm không ra quán đâu,” T. đáp. “Em đề nghị ra tới An Lỗ ăn sáng là vừa.”

Chúng tôi đi từ làng Phú Thượng lên phía Vỹ Dạ, qua Đập Đá, chạy ngang cầu Trường Tiền, quẹo trái về phía cầu Bạch Hổ, quẹo phải về hướng An Hòa, Văn Xá, rồi đi thẳng ra hướng bắc. Đến cầu An Lỗ, dừng lại ăn sáng tại một quán nhỏ bên đường, lỏng chỏng vài ba bộ bàn ghế cũ kỹ. Chưa có khách nào. Cháo bột cá lóc, bánh ướt thịt ba chỉ, và chén nước mắm ớt tỏi chanh thật cay. Ăn lạ miệng, ngon, và rẻ. Ở Huế món ăn gì cũng rẻ hơn nhiều so với Sài Gòn. Chúng tôi vừa ăn vừa bàn với nhau rằng chuyến ra theo một đường, chuyến vào theo đường khác, làm như thế, thăm được nhiều nơi. T. biết rất nhiều về Quảng Trị, thật là may mắn cho tôi. Buổi sáng còn se se lạnh, trên quốc lộ 1 còn vắng, tuy nhiên tại cây xăng gần cầu An Lỗ đã có mấy người ghé đổ xăng, có cả các bà đã lớn tuổi, các chị “buôn thúng bán mẹt”. Phụ nữ Huế độ rày rất xông xáo, tôi vừa nhận ra thế. Chúng tôi ăn sắp xong thì chủ quán đã mang đến ngay một ấm nước và hai cái ly: “Mời hai bác uống nước chè xanh ấm bụng. Có bỏ gừng.”

Khỏi Phò Trạch đến Mỹ Chánh, thay vì chạy thẳng ra Quảng Trị, chúng tôi rẽ phải đi men theo sông Ô Lâu, một trong ba con sông đổ về Phá Tam Giang (Hai con sông kia là sông Hương, sông Bồ), qua các làng Vân Trình, Thanh Hương. Thế là chúng tôi đang đi trên một trong những vùng mà trước kia người Pháp gọi là La ville sans joie (Phố Buồn Hiu). Sau đó nhà văn Bernard B. Fall dùng tên gọi ấy viết thành một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam nhan đề Street Without Joy. Phố Buồn Hiu là dải đất nằm giữa Quốc Lộ 1 và Biển Đông bắt đầu từ những ngôi làng thuộc nam Quảng Trị qua những sông, ngòi, lạch, đầm lầy, độn cát, và phá, kéo dài đến gần Sịa, Huế.

Bernard Fall viết trong lời tựa cuốn Street Without Joy: “This is not a history of the two ‘Indochinese Wars’ – that fought by the French from 1946 to 1954 with their Vietnamese allies, and that fought by the South Vienamese and their American allies since 1957- but a historical sketch of certain key developments in both wars, and of the men who fought on both sides” (Tạm dịch: Đây không phải là lịch sử của hai cuộc ‘Chiến Tranh Đông Dương’ - do Pháp và đồng minh Việt Nam chiến đấu từ 1946 đến 1954, và do Miền Nam Việt Nam và đồng minh Hoa Kỳ chiến đấu từ 1957 – mà là một phác họa lịch sử về một số biến chuyển then chốt của hai cuộc chiến ấy cùng với những chiến sĩ của cả hai bên). Vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, một trận đánh vô cùng ác liệt đã xẩy ra tại vùng này bắt đầu từ tháng 7 năm 1953, Pháp gọi là cuộc hành quân Camargue (Operation Camargue) do thiếu tướng Leblanc chỉ huy, dân Huế và Quảng Trị gọi là trận chiến Thanh Hương. Quân Pháp, lê dương, và đồng minh Việt Nam, nói theo Bernard Fall, đã tung một mẻ lưới lớn gồm bộ binh, pháo binh, thiết giáp, nhảy dù, có cả tàu chiến yểm trợ ngoài khơi, oanh tạc cơ trên không, quyết làm cỏ trung đoàn 95 chính quy của cộng sản và du kích quân. Kết quả không mấy khả quan, theo Bernard Fall.

Chúng tôi đi chầm chậm ven sông Ô Lâu cách cầu Mỹ Chánh vài cây số. Rồi đi sâu vào các thôn xóm. Dấu binh lửa có còn sót lại trên miền đất có một thời bị bom đạn dày xéo tan hoang này hay không? Hình như không còn dấu vết gì. Con sông trong vắt, nhiều nơi trông thấy đáy, nước chảy nhè nhẹ, sóng lăn tăn, thuyền đò lác đác. Hai bên sông, làng mạc êm ả, những ngôi nhà tranh cũ, hầu hết một gian hai chái, một số ít ba gian hai chái, đứng sau những hàng rào chè tàu, bao quanh bởi cau, trầu, dừa, chuối, mít, nhãn, khế, đu đủ, vả, dứa. Trông khá quen mắt, nhà cửa, vườn tược của những làng quê xứ Huế đều na ná như thế. Chỉ lạ là vùng này dường như không có ruộng lúa. Thế là dân ở đây không sống bằng nghề nông như hầu hết những miền quê khác? Có nghề đánh cá chăng? Đang mùa xuân, chưa có trái chín, vẫn nghe trong không gian lành lạnh man mác mùi hương buổi sáng. Mọi vật tĩnh lặng, thỉnh thoảng chiêm chiếp mấy tiếng chim sâu. Và trầu thì bò lên quanh thân cau thẳng đứng lốm đốm rêu đen, rêu vàng, rêu xanh từ gốc đến lưng chừng ngọn. Gió từ con sông đưa lại chút mùi gây gây mằn mặn của biển cả - vâng, nơi này không xa phá Tam Giang bao nhiêu - làm đu đưa đọt chuối, bẹ dừa, ngọn cau, làm rung rung lá trầu trong nắng mới. Vết thương chiến tranh đã liền da. Đó là bên ngoài.

Nhưng trong lòng người? Tâm trí tôi không thể không quay về với những trận đánh đã xẩy ra cách đây gần 60 năm, và tiếp theo là những trận chiến tàn khốc khác kéo dài cho đến tháng 4, 1975. Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao thế, tại mình có tính thù lâu, hay do có trí nhớ dai dẳng? Không phải thế, tôi, và những người trên dưới vài thế hệ, cùng tâm trạng, cố quên mà không thể nào quên được quá khứ. Tình hình đất nước bây giờ càng gợi nhớ những ngày tháng điêu linh cũ.

http://www.diendantheky.net/2010/08/bac-hanh.html

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét