Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Những kinh hoàng thời Trung Cổ của nền y tế Bắc Hàn

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

Định nghĩa của chữ "chuyên chế" đã bị mất đi nhiều giá trị kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Thuật ngữ này từng được dùng đúng đắn để mô tả những hệ thống chính phủ đòi hỏi đến một "sự quỵ luỵ tuyệt đối với nhà nước" (theo như từ điển cho tôi biết). Nhưng thời nay, người ta đã tung ném từ ngữ ấy một cách bừa bãi như để chê bai về nền y tế xã hội hóa, ủy ban nhân quyền và các hình thức khám xét trong phi trường.

Ngay cả ở Trung Quốc và Cuba - với mạng điện thoại di động và khách sạn du lịch của họ - củng không còn đủ tiêu chuẩn để liệt vào hạng "chuyên chế" nữa. Những chính phủ này chỉ miệng lưỡi với tư tưởng hợp nhất của chủ nghĩa cộng sản, còn việc thực hiện của họ chỉ là sự giả dối. Năm thập kỷ sau cái chết của Joseph Stalin, ước mơ hủy diệt tinh thần cá nhân của nhân loại trong nhân danh của chủ nghĩa cộng sản chỉ còn tồn tại trong một góc nhỏ bé trên thế giới: Bắc Hàn.

Đây là một nơi mà chính bản thân Thượng Đế đã bị loại trừ như một hình thức "mê tín dị đoan". Thay vào đấy, người dân Bắc Hàn sẽ được dạy dỗ (theo đúng nghĩa đen) để thờ bái chế độ. Theo như tuyên truyền của nhà nước, những mệnh lệnh đầu đời đối với một em bé không phải là "mama" hay "dada", mà là "Cảm ơn, Cha Kim Il-Sung".

Bắc Hàn là một nhà tù khổng lồ. Thực tế tồi tệ hơn cả một trại giam bởi vì tù nhân ở các nước khác không phải tìm cỏ dại hoặc bắt chuột để ăn mà sống sót. Nhưng với người phương Tây, những người không được phép nhìn thấy cuộc sống tăm tối có thực này bằng chính đôi mắt của mình, tất cả các kinh dị của loại chủ nghĩa Stalin thời cổ đại này đã gây choáng cho chúng ta trong một sắc màu siêu thực. Bắc Hàn không có vẻ gì là một quốc gia có thực, đúng hơn nơi này chỉ là một loại công viên giải trí lớn dành riêng cho sự xấu xa tàn ác của con người. - lòng tôn kính đến một sự sùng bái độc tài chết người quá lỗi thời, bị bỏ quên với thời gian vốn từng bị dập tắt trong tất cả ngõ ngách của thế giới vào những thập niên trước đây.

Sự thực của nỗi kinh hoàng Bắc Triều Tiên chỉ thực đau nhói lòng khi tôi đã có thể ngồi an toàn tại một nhà hàng ở Toronto với một trong số ít người phương Tây từng được phép để đi lang thang trên đất nước mà không bị một quan chức chính phủ nào kiểm soát.

Norbert Vollertsen, một vị bác sĩ Đức trung niên tóc vàng, lần đầu tiên đến Bắc Hàn vào năm 1999, trong một phần của công việc từ thiện của ông với một tổ chức quốc tế Phi Chính phủ. Nhận những ca làm việc trong một phòng cấp cứu ở Bình Nhưỡng, ông đã kinh hoàng bởi những cảnh tượng xung quanh. Ngay cả những bệnh nhân mang các bệnh dễ trị như bệnh tiểu đường và bệnh lao cũng phải nằm chiụ không được chữa trị trên các giuờng bệnh. Trong khi các loại thuốc đã được gửi từ Đức để cứu mạng cho họ được bán bằng đô la Mỹ tại một cửa hàng đặc biệt ở Bình Nhưỡng dành riêng cho ngoại giao nước ngoài.

Một hôm, Vollertsen thấy một hàng người xếp hàng trước bệnh viện của mình. Ông biết được rằng một công nhân nhà máy sản xuất máy kéo đã bị bỏng nặng do kim loại nóng chảy, và dòng người xếp hàng ở đó để hiến tặng những mảnh da của họ để có thể cứu người đàn ông ấy. Vollertsen biết được rằng những cảnh như vậy là phổ biến ở Bắc Hàn: Một số các y tá bệnh viện đã trải qua quá trình này nhiều lần đến độ toàn thân họ phủ đầy những vết sẹo. Vollertsen đã thực hiện một quyết định quan trọng là gia nhập dòng người xếp hàng, như một cử chỉ đồng lòng đoàn kết với các bệnh nhân được ông điều trị.

Lúc đầu, những người chủ nhân của ông nghi ngờ: Một số lo ngại rằng làn da Đức này có thể bị ảnh hưởng với các mầm bệnh ngoại lai của phương Tây. Nhưng dù sao họ cũng cứ lấy da của ông và những lời bình phẩm đã lan tỏa về cử chỉ bất thường của ông.

Một tuần sau, Vollertsen được yêu cầu thực hiện một lần hiến da nữa. Nhưng lần này, khi ông đến bệnh viện, các đội quay phim của truyền hình Bắc Hàn đã thu hình mọi việc. Sự kiện này được phát hình trên hệ thống duy nhất của nước này và Vollertsen được xem như một anh hùng dân tộc - một người Đức đã yêu thương Bắc Hàn nhiều đến mức sẵn sàng ban phát chính da thịt của mình. Chế độ còn trao tặng cả "Huy chương Hữu nghị Bắc Hàn" cho ông và - quan trọng hơn - ban cho ông một bằng lái xe khiến ông được phép đi lang thang trong các vùng nông thôn Bắc Hàn mà không bị cản trở gì. Không một nhà báo phương Tây nào từng có được phép đi lại như vậy.

Không có gì Vollertsen từng nhìn thấy ở Bình Nhưỡng đã khiến ông phải thương hại hơn là những gì ông đã thấy ở các tỉnh vùng nông thôn. Tất cả xung quanh đều là đồng không mông quạnh - những rừng cây đều bị đốn chặt làm củi.

Nạn đói lan tràn: Hầu hết nông dân sống sót nhờ những túi gạo quyên góp từ phương Tây (mà chính phủ Bắc Hàn lại tuyên bố là một hình thức "lễ vật " đến từ các nước phương Tây sợ hãi). "Tôi biết về nạn đói ở Châu Phi và ở các nước nghèo tại châu Á - Tôi đã từng nhìn thấy " Vollertsen nói với tôi. "Nhưng ở Bắc Hàn, tình hình nghiêm trọng hơn, vì người dân đang bị ảnh hưởng không chỉ với nạn đói, mà còn với thời tiết lạnh tàn bạo. Tại châu Phi, nhiệt độ ấm có thể chấp nhận được đến một mức độ nhất định. Nhưng trừ khi có đủ calori, người ta sẽ phải chết nhanh chónghơn trong cái lạnh. Sau một đêm độ lạnh xuống dưới 25, họ sẽ chỉ đơn giản là không thể thức dậy nữa".

Các bệnh nhân do Vollertsen điều trị tại các phòng khám trẻ em chắc chắn là có sinh khí hơn những cái xác chết. Ông nhắc tôi nhớ đến một trong những mẫu người có ám ảnh đặc biệt - một đứa trẻ 12 tuổi gầy gò mặc bộ đồ sọc, gợi nhớ đến tù nhân ở trại tập trung Đức Quốc xã, đánh trúng lòng đau có tính lịch sử nghiệt ngã của Vollertsen. "Nó nhìn thẳng vào mắt tôi," vị bác sĩ người Đức nhớ lại, "đầy đau khổ và tuyệt vọng. Không tương lai. Không hy vọng. Không có gì cả. Nó nhắc tôi đến những hình ảnh của những người mà bạn từng thấy ở nhà bảo tàng Holocaust tại Washington ".

Ngày hôm sau, đứa trẻ đã chết. Nhưng trước đó, Vollertsen đã chụp ảnh - cùng với hàng chục tấm ảnh của những trẻ em khác. Thông thường, việc sử dụng của máy ảnh như thế là bị cấm ở Bắc Hàn. Nhưng Vollertsen nói với nhân viên trông trẻ rằng các bức ảnh đó sẽ hữu ích cho việc quyên góp tiền ở Đức.

Điều đáng sửng sốt, Vollertsen ghi nhận, là tất cả các hình ảnh khủng khiếp ông chụp được là từ các bệnh viện ở Bắc Hàn - nơi chính quyền muốn cứu người. Ông không thể tưởng tượng được cuộc sống khủng khiếp của 150.000 tù nhân chính trị sống trong sáu trại giam của đất nước còn khủng khiếp đến mức nào.

Đó là những gì dày vò trong tâm trí của Vollertsen lúc này. Ông không còn chỉ muốn đem những chăm sóc tạm thời xoa dịu đến những cái xác chết biết đi ở Bắc Hàn. Ông muốn đánh thức cả thế giới về những kinh hoàng ở quy mô lớn của đất nước này. "Là một người Đức luôn cảm thấy tội lỗi về quá khứ của Đức Quốc xã, đó là nguyên nhân khiến tôi nhận ra mình không thể giữ im lặng về những gì tôi đã thấy," ông nói với tôi. "Đó là lúc tôi bắt đầu cuộc phản kháng của tôi".

Sử dụng quyền đi lại ưu tiên của mình, Vollertsen bí mật tự lái xe đến thăm những khu vực bên ngoài làng Potemkin của Bình Nhưỡng. Kết quả là ngày 25 Tháng 10 năm 2000 Washington Post đã vớ được những cảnh khốn khổ rõ ràng của Bắc Hàn. Ngay sau đó, Vollertsen bị trục xuất, và chuyển sang một cuộc sống mới ở Nam Hàn như một nhà hoạt động nhân quyền. (Chế độ hiện nay tại Bình Nhưỡng vẫn gọi ông là một kẻ quấy rối có tinh thần không ổn định của phương Tây).

Từ năm 2000, Vollertsen đã viết nhiều sách, làm chứng trước Quốc hội ở Washington, điều trị bệnh cho những người tị nạn Bắc Hàn tại Trung Quốc, và nói chuyện với bất kỳ nhà báo nào muốn lắng nghe. Tuy nhiên, dù có những tường thuật mắt thấy tai nghe rành rành của mình, ông vẫn gặp phải những khó khăn để thu hút sự quan tâm, ngay cả từ các nhà hoạt động đồng nghiệp phương Tây của mình.

"Khi nói chuyện với mọi người, tất cả thường muốn bàn đến chuyện những điều khủng khiếp ở Guantanamo hoặc Gaza ra làm sao. Họ tập trung vào những chuyện Israel và Hoa Kỳ. Đôi khi, họ còn buộc tội tôi là làm việc cho CIA, hay là quá "thân phương Tây.'" Đó là một hiện tượng ông thấy điên khùng.

Ông cho tôi biết rằng ngay cả ở Nam Hàn cũng khó mà khơi dậy được sự quan tâm đến những điều kinh hoàng diễn ra bên kia biên giới - đặc biệt là đối với giới thanh thiếu niên, thành phần không hề có ký ức về cuộc Chiến tranh Triều Tiên. "Đây là những gì tôi đã từng thấy ở Đức khi lớn lên: Những người trẻ cảm thấy một ý nghĩa thân thuộc trong họ về những người cộng sản ở Đông Đức khiến đã trở nên bực mình chán ghét cha mẹ của họ" ông nói với tôi. "Chính xác một điều tương tự như thế đang xảy ra ở Nam Hàn. Trẻ em Nam Hàn không biết gì về thực tế ở phía Bắc và họ đang thực sự ủng hộ Bình Nhưỡng".

Sự hiểu biết này giúp giải thích tại sao phải đến một cuộc tấn công bằng pháo binh của Bắc Triều Tiên hay một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới có thể khiến quốc gia này thực sự quan tâm đến. Chúng ta quá quen với những loại tranh cãi có tính hình thức của mình trong những vấn đề nhân quyền tương đối nhỏ khiến bỏ sót sự tồn tại của những gì thực sự là một trại tập trung khổng lồ chỉ cách Seoul nửa giờ lái xe, nơi hàng triệu người đã chết đói từ cả một thế hệ qua và hàng trăm ngàn người khác đã chết trong các trại tập trung. Thật là một trò hề gì,chẳng hạn như một nhân vật như George Galloway, mối lái các thứ "nhân quyền" của những kẻ như Hezbollah và Hamas, lại thu hút được những đám đông lớn tại các trường đại học, trong khi một người như Vollertsen bị xua đuổi như một tay sai của Mỹ.

Điều gì đã giúp cho một kẻ như thế cứ tiếp tục những loại nhân quyền đạo đức giả như vậy? ". Tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi khuôn mặt của những đứa trẻ mà tôi nhìn thấy" ông nói với tôi. "Một ngày nào đó tôi sẽ quay trở lại. Đó là mục tiêu của tôi: tôi sẽ là một bác sĩ ở Bắc Hàn một lần nữa ".

Nguồn: Jonathan Kay, National Post

http://www.x-cafevn.org/node/1400

2 nhận xét: