Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Bài học Ba Lan cho Giáo hội Công giáo VN

Nguyễn Văn Lục

Hóa ra các sự việc, biến cố xảy ra gần đây đều là do lỗi của giáo dân, một số tín hữu để thói đời lôi cuốn? Và trách nhiệm của các mục tử là giáo dục, huấn luyện tín hữu?

Tôi không thể chia sẻ được cách nhìn sự việc về các biến động xảy ra trong các giáo xứ và các địa phận chống đối lại nhà cầm quyền bằng lối nhìn đơn giản và quy chụp như thế được.

Khi giáo dân đòi hỏi tranh đấu, khi giáo dân bị nhà cầm quyền đánh đập, bị bắt, bị truy tố ra tòa án thì các vị mục tử ở đâu? Phải chăng đó là tình trạng để cho thói đời lôi cuốn?

Thế cho nên, nỗi lo lắng cho giáo hội không phải là sợ giáo dân phai mờ lòng đạo mà sợ các mục tử mất bản chất, biến thái.

Vâng thực sự đó là nỗi lo của chúng tôi đấỵ.


Hoạt động của cộng sản
Nguồn: hitchcock.itc.virginia.edu

Nếu cứ áp dụng lề luật giáo hội một cách nghiêm khắc thì có thể một số giám mục và mốt số linh mục phải bị «treo chén», hoặc bị rút phép thông công mới phải.((Anathème).

Họ không xứng đáng trong vai trò của họ.

Họ mất bản chất trong cái hèn của họ được đồng hóa với sự khôn ngoan. Bằng chứng là ngay giữa lòng tổng giáo phận Sài gòn, người ta vẫn thấy linh mục có thẻ đảng đứng làm trùm trong phẩm trật giáo hội một cách công khai từ mấy chục năm nay?

Không một ai dám lên tiếng phản bác công khai về sự hiện diện « lù lù, trơ trẽn » của. tên cán bộ cộng sản này. Ngoại trừ giám mục quá cố Lê Đắc Trọng.

Ai có thể nói là Huỳnh Công Minh không theo lệnh đảng tổ chức cài đặt mạng lưới cán bộ đảng viên trong hàng ngũ tu sinh? Ai có thể biết chắc có bao nhiêu tu sinh có thẻ đảng đã được Huỳnh Công Minh chuẩn phê?

Nuôi cộng sản trong nhà là nuôi một kẻ nội thù và một ngày nào đó trả giá. Kẻ lãnh đạo giáo phận có lòng không thể mãi tiếp tục làm ngơ chuyện này được mãi.

Chúng ta cần những giám mục, linh mục có một chữ "DÁM". Dám nói, dám dấn thân, dám đứng về phía tín hữu. Có bao nhiếu linh mục dám đứng về phía giáo dân trong các cuộc tranh đấu đòi quyền lợi về cho giáo hội.

Có linh mục biện hộ cho sự có mặt của Huỳnh Công Minh là có ích cho giáo hội, vì mỗi lần cần xin điều gì thì Huỳnh Công Minh có thể nói một tiếng là xong. Chúng ta có cần một thứ trung gian giữa giáo hội và chính quyền bằng một Huỳnh Công Minh không?

Đó là một thứ tương quan bệ rạc của cơ chế xin cho.

Ông ta có thể làm lợi 9 điều và hại một điều. Nhưng mục đích chính của y là kiểm soát, bá cáo và điều động theo chiều hướng thuận lợi cho đảng cầm quyền.

Giáo hội phải đủ can đảm loại trừ những thành phần trung gian kiểu Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ để cho mối liên lạc giữa giáo hội và chính quyền trở thành lành mạnh hơn.

Ai có thể tin được là ngay những chức sắc trong địa phận cũng răm rắp tuân theo những lời khuyến cáo của viên tổng quản tòa giám mục? Những điều họ phát biểu là đều xuất phát tự cái tâm của họ hay do có tên cò mồi xúi dục? Nào ai biết được điều gì đã xảy ra?

Và các mục tử càng bào chữa càng cho thấy sự bất trung (infidèle) của họ với lý tưởng, biến những lời kinh thánh thành một thứ diễn giải tùy tiện, sai lạc như thẻ dị giáo (hérétique).

Những điều họ phát ngôn cho ta có cảm tưởng họ phát ngôn làm sao để không phải nói sự thực mà không phải là nói dối.(not to tell the truth without really lying).

Đó không phải là thứ ngôn ngữ của người tu đạo. Tại sao Giáo hoàng John Paul II nói điều gì thì điều ấy thấm vào lòng người còn những mục tử kia nói không nghe lọt tai, có nghe cũng không hiểu.
Hay là họ đang “nói tiếng lạ” đây?

Xin ghi nhân một số đông trí thức hải ngoại phát biểu trong cái tinh thần lo lắng cho hình ảnh giáo hội đang bị phai nhòa ấy.

Và nếu vì một lẽ nào đó, có một số tu sĩ biến giáo hội thành giáo hội quốc doanh thì cái lỗi đó đổ hết trách nhiệm lên Hội Đồng giám mục và các giám mục.

Đi vào thông điệp thứ hai

Khi giáo hội Ba Lan phát giác ra môt số giám mục và linh mục làm tay sai cho chính quyền cộng sản thì điều đó đã gây một cú sốc trong dân chúng. Sau đó linh mục Isakowiez Zaleski đã hoàn thành một tập sách nhan đề Các linh mục Ba Lan và cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan dựa trên những tài liệu văn khố mật còn được lưu trữ, trong đó tại chương bảy đã liệt kê 39 giáo sĩ đã cộng tác với mật vụ Ba Lan với 4 giám mục.

Riêng Hồng y Glemp tiết lộ cho biết một số linh mục người Ba Lan làm việc tại Vatican đã làm việc cho công an mật vụ của Ba Lan dưới thời cộng sản để theo sát và bá cáo về những việc làm của giáo hoàng John Paul II. Ông nói thêm, “Tại Vatican có gián điệp và Moscow rất để ý tới những gì đang xảy ra tại Roma dưới quyền John Paul II.” Và ông cho rằng có đến 15% giáo sĩ nước này đã cộng tác với mật vụ Ba Lan.

Vấn đề phát giác của Hồng y Glemp là quá trễ, tại sao Hồng y Glemp biết mà giữ kín không tiết lộ ra. Sự im lặng này mang ý nghĩa gì?

Nhưng còn bao nhiêu trường hợp cộng tác bí mật, giao thiệp chỉ bằng lệnh miệng, thực giả thật không dễ.
Chuyện giáo hội Ba Lan không phải chỉ là chuyện của người hàng xóm, không liên can gì đến Việt Nam. Không, điều gì đã xảy ra ở Ba Lan thì cũng có nhiều cơ hội xảy ra ở Việt Nam và có thể đạt một mức độ báo động.

Vậy có bao nhiêu tu sĩ, linh mục Việt Nam làm tay sai cho công an, cảnh sát mật vụ? Không có con số nào cho phép người ta đưa đến một kết luận về những con số này. Phần vì cả hai phía đều giữ bí mật, phần thì cách làm việc của công an chỉ dùng lệnh miệng không để lại dấu tích gì.

Nhưng dầu vậy, có rất nhiều tín hiệu để biết ai là người tốt, kẻ xấu.

Tiện đây, xin trích dẫn một tín hiệu, đoạn báo đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 20 tháng 10 năm 1992 như sau:

“Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp Hội đồng giám mục Việt Nam” đăng trên trang nhất:

Ngày 19 tháng 10 năm 1992, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tiếp Hội đồng giám mục Việt Nam đến Chào và Bá cáo kết quả đại hội lần thứ 5 của Hội đồng giám mục Việt Nam... Giám mục Nguyễn Văn Sang, phó chủ tịch hội đồng giám mục Việt Nam, đã bá cáo kết quả Đại hội đồng giám mục lần thứ 5 và trinh kiến nghị của Hội đồng giám mục gửi thủ tướng. Thay mặt Hội đồng giám Giám mục, giám mục chủ tịch Nguyễn Minh Nhật đã bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà nước, chính phủ và thủ tướng và hứa cùng đồng bào, linh mục, tu sĩ, giáo dân chu toàn nhiệm vụ của mình trong tinh thần kính chúa yêu nước.”
Những ngôn ngữ như thế, tôi đọc thấy xấu hổ và nhục, làm sao tôi có thể tin tưởng vào hội đồng giám mục Việt Nam được?

Tinh thần thụ hưởng và chủ nghĩa cá nhân rất là rõ rệt. Lm Nguyễn Huy Mai, giám mục Ban Mê Thuột bị nhà nước trù dập, quản thúc cấm đi họp HĐGMVN, cấm đi viếng ad limina, v.v... không được phép dự HĐGMVN và họ đã nại ra đủ thứ lý do cấm đoán ông. Các giám mục thay vì bày tỏ thái độ liên đới bằng cách hoãn phiên họp hay hủy bỏ phiên họp.

Nhưng ai dám làm điều ấy?

Khi tổng giám mục Kiệt bị tống xuất ra nước ngoài, ai là người dám lên tiếng? Thỏa hiệp, im lặng để được dễ dãi cho mình, thây kệ sự bất công đối với kẻ khác, nhưng vẫn tin rằng mình hành xử vì Chúa, vì giáo hội.

Đó là sự ngụy tín tôn giáo trong niềm tin mà thật ra chỉ là một hình thức phản bội và bất trung.

Phần giáo dân cần ghi nhận điều này: các vị giám mục được chọn không phải là thần thánh gì ..không phải là những con người toàn hảo.

Mới đây nhất, Hồng y Phạm Minh Mẫn Mẫn lại tất bật sang Vatican nhằm “giải độc” dư luận nhân vụ tổng giám mục Kiệt với lá thư nhan đề: Tôi nghe thấy và học được gì từ những cuộc gặp với Bộ ngoại giao và bộ truyền giáo Vatican trong hai ngày 1 và 2 tháng 6-2010

Tôi đã đọc đi đọc lại ba bốn lần lá thư, nhưng thú nhận là tôi bất lực, vì không nắm bắt được một cái gì cụ thể, minh bạch trong những lời giải thích của Hồng Y Ivan Dias, của Tổng giám mục Mamberti, của đức ông Ballestrero.

Tốt hơn hết, xin trích dẫn một đoạn để độc giả cùng chia xẻ:

“Sau khi nghe tôi giải bày tình hình do dư luận tạo ra. Đức tổng giám mục Mamberti, bộ trưởng bộ ngoại giao Vatican, nói về phần vụ của bộ ngoại giao và đường hướng phục vụ lợi ích của giáo hội địa phương và toàn cầu trong sự tôn trọng ý kiến của người liên hệ. Đức ông Ballestrero, thứ trưởng cho biết trong thực hành đường hướng đó, bộ luôn luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến cùng bản thân của đương sự, luôn lưu tâm đến chức vụ cùng đời sống của đương sự trong tương quan với xã hội.”

Ai có thể giải thích rành mạch rõ ràng đoạn văn này, xin chỉ dùm.

Hồng y Phạm Minh Mẫn Mẫn thiếu sự minh bạch (transparency) trong nội dung lá thư bởi vì một lẽ đơn giản vì cái tâm ông không trong sáng. Ông dấu diếm che đậy.

Tuy nhiên, cái ngây ngô là Hồng y Mẫn đã trích dẫn Hồng y Glemp, giáo chủ Ba Lan như một mẫu mực với lời khuyên khôn ngoan như sau, “Hồng y giáo chủ Ba Lan, người đã sống qua 3 chế độ xã hội cũng đã có lời khuyên tương tự khi đến Việt Nam thăm hỏi tôi trong năm vừa qua.”

Nhưng Hồng y Glemp là ai?


Hồng y Glemp
Nguồn: Flickr.com
Khi biết Lm Jerzy có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, Giáo hoàng John Paul II đã gửi thư báo động cho Hồng Y Glemp như sau, “Hãy bảo vệ cha Jergy Popieluszko, nếu không có ngày họ sẽ tìm thấy vũ khí ngay tại bàn giấy mỗi đức giám mục …”

Hồng y Glemp có nhận thức được lời cảnh cáo từ Vatican và đã có những biện pháp gì nhằm bảo đảm tính mệnh cho linh mục Jergy Popieluszko? Chắc là không. Ngược lại ông chỉ muốn tống xuất linh mục này ra khỏi Ba Lan cho đỡ bị quấy rầy.

Thái độ ấy thật đáng trách.

Xin hãy dở lại trang sử cuộc tranh đấu của công đoàn Đoàn kết và thái độ ứng xử của Hồng y Glemp như thế nào:

“Tại Krakov, theo đề nghị của vị tổng giám mục, một vị linh mục được lệnh rời nơi thờ Chúa được giành cho Công Đoàn Đoàn kết vào phía trong nhà thờ và dùng các cuộc họp đào tạo công nhân được tổ chức tại nhà thờ.

Tuy nhiên, nhiều cha xứ khắp cả nước chỉ trích một cách thẳng thắn vị tổng giám mục, Họ ủng hộ phong trào chống đối và chương trình rộng lớn khôi phục xã hội mà Công đoàn Đoàn kết đại diện».
Trích “Đức giáo hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy”, Carl Bersnstein và Marco Politi, trang 515, nxb Công an nhân dân.

Hồng Y Glemp được coi như một người bảo thủ và trở thành lực cản cho phong trào tranh đấu của Walesa.

Phải chăng đây là điều mà Hồng y Mẫn muốn theo gương Hồng y Glemp? Phải chăng vì thế mà bài “giải độc” này đã được trân trọng đăng trên Công giáo và dân tộc?

Nếu quả thực như vậy thì là điều bất hạnh cho giáo hội Việt Nam .


Đôi dòng thay lời kết


Khi đang viết bài này thì người viết gặp một chị bạn cùng đi chợ Việt Nam. Chị là người đạo dòng và luôn luôn mang cái tâm tình mến Chúa, kính trọng các vị bề trên trong giáo hội cho dù các vị ấy có sai sót. Chị tỏ ra buồn phiền về một số bài bào viết đả kích nặng nề các “đấng bề trên” trong giáo hội, trong đó có một số bài viết của chính tác giả.

Cái tâm tình ấy vốn là truyền thống đáng kính cũng cần được tôn trọng và giữ gìn.

Sự phiền muộn ấy thật chính đáng và không thể không làm người viết cẩn trọng hơn trong khi cầm bút. Trách nhiệm người cầm bút chẳng những đối với độc giả mà con với những tín hữu như chị bạn nói trên.
Khi viết những dòng này, người viết cũng không thể không nghĩ đến một vài giám mục vốn là bậc đàn anh mà người viết có quen biết từ thuở thiếu thời. Cũng càng không thể quên được những vị đã từng là bạn học trên ghế nhà trường và ngay cả một số vị thuộc thế hệ lớp sau.

Có thể quý vị ấy đọc bài này không khỏi không đau lòng và buồn phiền.

Nhưng nếu suy nghĩ cho cùng, sự thật là giải pháp duy nhất giải thoát chúng ta.

Người viết mong muốn là mọi người hãy vượt lên chính mình để biết đâu là con đường phải theo.
Mọi người hãy từ bỏ thái độ yên tâm mà người viết cảm thấy không yên tâm chút nào.

Không nói, giữ im lặng có thể trở thành điều tồi tệ hơn thế nữa khi mọi chuyện được phát giác va phơi bầy ra như trường hợp vị tổng giám mục Ba Lan ở trên.

Bởi vì người cộng sản luôn luôn tìm cách phá rối, gài đặt, ly gián, phao vu như trong các trại cải tạo, trong cộng đồng tín hiữu, gây chia rẽ và nghi ngờ.

Thật không dễ khi phải sống chung với người cộng sản và cũng thật klhông dễ giữ được lòng dạ ngay thẳng và cương trực.

Trách nhiệm các tôn giáo trước cảnh một xã hôi suy vong thật lớn lao. Không có tôn giáo, xã hội Việt Nam không còn là một xã hội của con người nữa.

Mỗi lần đọc báo, nhìn thấy những cảnh đời bên Việt Nam hiện nay với những nhan đề tin tức trong những ngày gần đây làm người viết sửng sốt và tuyệt vọng. Đại loại như những mẩu tin Anh trai tưới xăng thiêu cháy em ruột…. Chồng ghen, chồng tạt chảo dầu sôi vào người vợ…. Sắp xử kẻ cuồng ghen đâm kim vào đầu bé sơ sinh…. Hà Nội mâu thuẫn gia đình, con gái đâm chết cha. Kẻ cắt đầu người yêu cũ đối với mặt với án tử hình… Chuyện không muốn chứng kiến ở nơi “tước bỏ quyền làm mẹ”…

Đọc những tin trên, thưa bạn đọc, thưa các vị lành đạo tôn giáo, tôi chỉ có thể nói rằng chủ nghĩa cộng sản là thứ chủ nghĩa khước từ con người.

© DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét