Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

“Mẹ con tôi đã quên mùi vị của thịt từ lâu rồi”

(Dân trí) - “Các cô có tin không, dân miền biển mà lại thiếu chất tanh? Bữa ăn của 2 mẹ con chỉ có muối và rau xanh… còn thịt thì mẹ con tôi đã quên mùi vị của nó rồi”, giọng bà nghẹn lại, đôi hàng nước mắt lưng tròng.
 

Đó là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Đấu 74 tuổi trú tại Thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Cũng như bao người dân ven biển khác, bà sống dựa vào nghề bán cá, mỗi sáng sớm ra biển mua ít cá về bán ở chợ Phương Diên kiếm được dăm ba nghìn đồng cũng đủ sống qua ngày. Nhưng từ 5 năm trở lại đây, đau ốm thường xuyên, đi lại cũng khó khăn nên bà buộc phải nghỉ bán ở nhà.

 

Trong căn nhà lụp xụp chẳng có gì qúy giá, đến cái ghế tiếp khách cũng chẳng có, cái chiếu nằm cũng rách thành từng mảnh. Bà cho hay: “Từ dạo chồng tôi mất, tôi lại nghỉ bán, nhà có được chút tài sản nào bán được tôi đều bán hết, giờ muốn mua cái chiếu để mẹ con nằm cũng phải tính cả mấy tháng rồi mà vẫn chưa mua được”.

 


Hai mẹ con bà Đấu sẽ sống thế nào khi tuổi bà ngày một già yếu.

 

Chồng mất cách đây 17 năm. Gánh nặng đều dồn hết lên đôi vai bà trước, bà phải trả tiền thuốc men, nợ nần khi chạy chữa bệnh cho chồng và kiếm tiền nuôi người con tâm thần hơn 30 tuổi thường xuyên đau ốm. Hiện nay, hai mẹ con sống nhờ vào chế độ trợ cấp khó khăn 120.000/ tháng của nhà nước. Đến tháng nhận tiền bà phải nhờ người mua gạo luôn. Bà tâm sự: “Có gạo để ăn, là có thể tiếp tục sống, mỗi khi thằng Côi đau ốm, mua thuốc hết mấy chục nghìn thì mẹ con tôi lại nhịn đói nhìn nhau”.

 

Nhìn chúng tôi bà kể tiếp: “Các cô có tin không, dân miền biển mà lại thiếu chất tanh? Bữa ăn của 2 mẹ con chỉ có muối và rau xanh. Ngày trước chân còn khoẻ, còn có thể đi ra biển xin con cá về cải thiện bữa ăn, còn giờ chỉ trông vào hàng xóm. Họ mang cho con nào thì biết con đó, mà mùa này khó đánh bắt lắm thành ra… còn thịt thì mẹ con tôi đã quên mùi vị của nó rồi”, giọng bà nghẹn lại, đôi hàng nước mắt lưng tròng.
 

Căn bếp của nhà bà Đấu tạm bợ, dột nát.

 

Cái bếp nấu nướng chỉ là một cái ô nhỏ mà hễ khi trời mưa tạt ướt hết không thể nhóm được lửa, mẹ con lại nhịn đói. Nhiều lần bà ước có một cái bếp có mái che để có thể đun khi nắng khi mưa… nhưng đó là điều quá xa vời.

 

Bây giờ, mẹ con bà chỉ trông cậy vào đàn gà, mang tiếng là đàn gà nhưng chỉ có 4 con. Bà nhìn chúng mà tự hào kể: “Không có chuồng nhưng chúng vẫn sống, tôi mừng lắm. Cuối năm có thể bán để mua cho thằng Côi cái chăn, mùa đông sẽ bớt lạnh”.

 

Khi chúng tôi trò chuyện, có một người đàn ông thi thoảng đi qua đi lại, nói nói cười cười. Anh Nguyễn Văn Côi (33 tuổi ) mắc bệnh thiểu năng bẩm sinh. Nhìn anh bà nói: “Tôi phải trông chừng nó luôn không thì nó lẻn đi, có khi đi đâu mấy hôm không tìm được, tôi phải nhờ người tìm về. Chân tôi đau đi không được, tìm được nó khó lắm cô ơi”.

Nhìn con nhà người đi biển, đi làm bà chỉ mong con có thể tự chăm sóc bản thân. Tuổi già đang đến với bà ngày một nhanh, nhìn đứa con, bà lại không ngừng rơi nước mắt: “Mai mốt, tôi có chuyện không biết nó ra sao?”. Có được đứa con, đã không làm được việc gì lại thường xuyên ốm đau bà còn phải trông giữ, canh từng bữa cơm.

 

“Con người ta từng tuổi này đã nên vợ nên chồng, còn con tôi thì… tôi chỉ mong nó trưởng thành được như bao người khác là tôi mừng lắm rồi”, lời nói của bà khiến ai cũng cảm động. Không biết khi bà nằm xuống thì đứa con trai này sẽ sống thế nào.
 

2 nhận xét:

  1. Nghèo gì mà nghèo thê thảm vậy, ai trách nhiệm cho những cảnh nghèo khổ này, mục đích của xã hội là gì ???

    Trả lờiXóa
  2. trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, đảng và nhà nước đã hết lòng hết sức lo cho dân, nhưng vì hoàn cảnh bất khả kháng, nên sogi dân ráng chịu thêm một thời gian nữa chắc 20 năm, 30 năm nữa đất nước ta sẽ giàu mạnh gấp mười lần hồi bọn thực dân đế quốc đô hộ, đợi đi á, đảng và nhà nước đang cố gắng đây, sẽ chăm lo đầy đủ cho bá tánh !!!

    hồi mẹ Su mang bầu Su, chín tháng mừ hem có miếng thịt nào vào miệng đó, nhờ ơn đảng, giờ Su ăn chay vì hem có quen ăn thịt hic ;D

    Trả lờiXóa