Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Bài học Ba Lan (I)

Nguyễn Văn Lục

Bài học Ba Lan cho Giáo hội Công giáo Việt Nam

Kính tặng TM Ngô Quang Kiệt

Ba Lan (Poland) là một nước đa số dân theo Thiên Chúa giáo. Giáo hoàng John Paul II khi trở về Ba Lan đã nhận định, “Chẳng lẽ chúng ta không có quyền nghĩ rằng trong thời đại chúng ta, Ba Lan đã trở thành một mảnh đất có một trách nhiệm đặc biệt để làm một nhân chứng?” (Trích “Giáo hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta”, Carl Bernstein và Marco Politi, trang 17. Nxb Công an nhân dân.)

Những biến cố chính trị làm thay đổi diện mạo thế giới và tôn giáo xảy ra tại Ba Lan gửi đến cho mọi người hai thông điệp chính yếu:

• Thông điệp thứ nhất chỉ ra rằng có một ưu thế vượt trội của những giá trị tôn giáo và tinh thần nhân bản (human spirit) trên ý thức hệ cộng sản. Ý thức hệ cộng sản xem ra đã lỗi thời, đã mục nát. Vì thế khi được hỏi ngài đã làm gì để chế độ cộng sản ở Ba Lan sụp đổ, Giáo Hoàng John Paul II đã nhận xét rất đơn giản và cụ thể, “Tôi không tạo nên điều này. Một cái cây đã mục, tôi lay mạnh là nó đổ.” (Trích “Một quan điểm về Giáo hội và chính trị”, Người tín hữu. Nguoitinhuu.com/chiase/linhtinh/churchPolitichtm

Và chế độ cộng sản đã sụp đổ mà không cần tốn một viên đạn tại Ba Lan, Liên Xô (Soviet Union), Hungary, Tiệp Khắc (Czechoslovakia cũ), Đông Đức (German Democratic Republic). Đó là một sự sụp đổ dây chuyền ngoài dự đoán của mọi người.

Người Việt Nam phải tin chắc rằng điều gì đã xảy ra cho chế độ ấy ở khắp nơi thì số phận dành cho nó ở Việt Nam dứt khoát sẽ không khác.

Sự chọn lựa dứt khoát của dân chúng Ba Lan khi đón tiếp vị giáo hoàng nói lên điều này, “We want God.” Chúng tôi muốn có Chúa. Có nghĩa là họ không chấp nhận chế độ cộng sản nữa.

Chỉ mấy chữ đó thôi đủ nói trọn vẹn tất cả.

Sở dĩ người dân Ba Lan có thể khẳng định như thế vì họ có được những nhân vật tiêu biểu cho tình thần nhân bản, tinh thần đạo giáo. Đó là những Hồng y Wyszynsky, Giáo hoàng John Paul II và linh mục Jerzy Popieluszko.

Thiên Chúa giáo Việt Nam cố gắng vươn lên theo với những con người như Trịnh Như Khuê, Nguyễn Kim Điền và mới đây Ngô Quang Kiệt, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi.

Đó là tin mừng của một giáo hội lên đường theo tinh thần của các tông đồ xưa: Hãy ra khơi. (Duc in altum). Hãy ra khơi là chấp nhận tất cả những sóng gió, bão táp và hiểm nguy.

Sự trù dập, đe dọa và khủng bố, bắt tù đầy của chính quyền cộng sản hiện nay sẽ không còn là nỗi sợ của mỗi người dân nếu biết chấp nhận tinh thần: Hãy ra khơi.

Và tiêu biểu cho tinh thần Hãy ra khơi, giáo hội Ba Lan đã sinh ra 3 người con thân yêu của họ và nay cả ba nhân vật Ba Lan ấy đều được coi như là những bậc thánh nhân.

Phần chúng ta bằng lòng với những gì mà chúng ta có được.

Triển vọng ra khơi nhìn bằng những con số thì hiện nay Ba Lan chiếm 26% đại chủng sinh của toàn Âu Châu với 7131 chủng sinh. Ba Lan trở thành nước “xuất cảng” linh mục tới các nước Âu Châu và Bắc Mỹ.

Niềm hy vọng và triển vọng của BaLan phải chăng cũng là niềm hy vọng của giáo hội Việt Nam mà hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn? Tôi cũng không thể ngờ được giáo hội sau bức màn tre miền Bắc nay trở thành niềm hy vọng “kích cầu” trong nhiều phạm vi như dân số giáo hữu gia tăng ngoài sự mong đợi của mọi người, hoạt động tích cực trong các phong trào phản kháng,đặc biệt là giới sinh viên tại một số địa phận.

Chúng ta đặt rất nhiều hy vọng vào họ.

Chẳng hạn, tín hữu giáo phận Vinh trước 1954 là 219.000 người nay con số lên đến 500.000 người. (Theo thống kê của World Bank, World Development Indicators – cặp nhật lần chót June 15, 2010, dân số Việt Nam năm 1960 khoảng 35 triệu và đến năm 2008 đã trên 86 triệu người - DCVOnline). Tổ chức sinh viên ở địa phận Vinh là một trong những tổ chức hoạt động hăng say và hữu hiệu đáng kể.

Phần giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam nói chung muốn ra khơi không thể không học bài học Ba Lan.


Hai công dân Ba Lan và Giáo hoàng John Paul II
Nguồn: OntheNet

• Thông điệp thứ hai không kém quan trọng là giáo hội Ba Lan để lộ cho thấy một giáo hội dù có căn tính và gốc rễ, có cả một lịch sử truyền thống, có tinh thần đoàn kết đấu tranh vẻ vang vẫn không tránh khỏi vết nhơ để cho cộng sản xâm nhập và lũng đoạn.

Bài học đó đắt giá và tủi hổ cho giáo hội Ba Lan.

Bằng chứng là tân giám mục Warszawa bị tố cáo từng cộng tác với chế độ cộng sản hàng chục năm liền. Cuối cùng thì ông đã thú nhận, “Sự thật tôi đã có dính líu. Tôi đã gây ra thiệt hại lớn cho giáo hội và tôi đã lại gây họa lần nữa trong những ngày gần đây trước một cơn sốt truyền thông khi tôi phủ nhận sự kiện cộng tác này.”

Đến lượt linh mục Michał Czajkowski, một linh mục nổi tiếng ở Ba Lan đã thú nhận làm nhân viên tình báo, săn tin tức của những người bất đồng chính kiến và hàng giáo sĩ để báo cho cơ quan mật vụ. Trớ trêu hơn nữa, ông còn là phụ tá của Giáo hoàng John Paul II khi ông còn ở BaLan.

Sự cài người bằng đủ mánh khóe của cộng sản là một lời cảnh giác cho bất cứ ai và cho bất cứ giáo hội nào. Và ngay tại Vatican, linh mục Konrad Hejmo, người cầm đâu trung tâm hành hương ở Roma, hướng dẫn nhiều phái đoàn đến triều yết giáo hoàng cũng hoạt động cho cộng sản.

Những gì đã xảy ra ở Ba Lan, người viết bài này cảm thấy lo ngại như một cảnh báo giáo hội Việt Nam đang trượt chân vào vết xe đổ của giáo hội bạn.

Đi vào thông điệp thứ nhất

Nhìn vào giáo hội Ba Lan và những gì đang xảy ra ở đó từ 1980, không khỏi mong muốn và so sánh với giáo hội Việt Nam và tự hỏi bao giờ Việt Nam có được những con người kiệt xuất như vậy?

Ngày 6-6-2010 vừa qua, hằng trăm ngàn người từ khắp nơi trên đất Ba Lan đổ về Warsaw để tham dự lễ phong chân phước cho linh mục Jerzy Popieluszko.

Việc phong chân phước tử đạo này là bằng chứng gián tiếp Vatican thừa nhận tính cách chính nghĩa và sự dấn thân nhập cuộc của giáo hội Thiên Chúa giáo trong việc chống lại chính quyền cộng sản qua linh mục Jerzy Popieluszko.

Thông điệp ấy mong là được hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo Việt Nam ghi nhận và là dấu chỉ của hy vọng rằng chính nghĩa sẽ thắng.

Ở vào thời điểm tranh đấu sống còn với chính quyền cộng sản, Jerzy Popieluszuko trở thành nạn nhân số 1 của chế độ cộng sản Ba Lan. Nhưng ông lại là linh hồn của cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại chế độ độc tài cộng sản. Ông đã bị cảnh sát mật vụ Ba Lan (SB) tra tấn đến chết và bị vứt xuống sông Vistula vào năm 1984.

Lãnh tụ công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa khi được tin về vụ thảm sát đã nói, “Điều tệ hại nhất đã đến.”

Nay ông trở thành người anh hùng của dân tộc Ba Lan, người được yêu mến và kính trọng. Quả là cái chết của ông không phải là điều vô ích.

Ý nghĩa lớn lao qua cái chết của ông là vực dậy cả một nước Ba Lan và điều gì đang diễn ra trong tim những người Ba Lan, nếu không phải là sự phấn khích, sự choáng ngợp của giới trẻ trước cái chết bi phẫn đó.

Qua bài học cái chết đó, hàng vạn người đã cải đạo. Cũng qua cái chết đó, hàng ngàn thanh niên Ba Lan gia nhập các chủng viện.

Một tu sinh khi được hỏi là tại sao lại đi tu? Người tu sinh ấy trả lời không do dự bởi vì chúng tôi có những tấm gương như John Paul II.

Đồng thời người dân Ba Lan nói không với chế độ đương quyền và làm tan biến những nỗi sợ hãi trước đây. Họ tìm lại được lòng tự trọng của chính mình và dám đứng thẳng, thách thức lại chính quyền cộng sản.

Nhìn lại dân tộc mình, người viết thấy rõ ràng là người cộng sản Việt Nam đã thành công không nhỏ trong việc đánh mất lòng tự trọng của người dân trong nước.

Đánh mất lòng tự trọng là đồng nghĩa trở nên hèn, trở nên nhát sợ. Chúng ta đã từng được nghe những lời tự thú “hèn” của một số nhà văn, nhà báo, trí thức Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn một ngày không xa, có những lãnh đạo Thiên Chúa giáo chứng tỏ mình đã hèn.

Nhắc lại cái thời điểm linh mục Jerzy Popieluszko bị bắt cóc ngày 19 tháng 10, 1984. Cả nước Ba Lan cầu nguyện cho ông và chờ đợi tin dữ. Agnieszka Holland sau này đã dựng thành phim nhan đề “To Kill a Priest” ghi lại những giờ phút cuối cùng của vị linh mục- tử đạo này.

Prêtre-Martyr. Linh mục- tử đạo. Đó là biểu tượng chính xác nhất về Jerzy Popieluszko Sau khi tin dữ cho biết ông bị tra tấn và chết trôi sông, Piotr Moszynski viết cho đài Rfi mô tả cái cảnh tượng hằng 400.000 ngàn người Thiên Chúa giáo Ba Lan (chiếm 90% dân số) đã lũ lượt về giáo đường Stanisław tiễn đưa ông.

Chỉ có tiếng khóc và tâm tình nhớ thương.

Người viết cũng mong muốn một cách ích kỷ có một linh mục Việt Nam như thế.

Chúng ta thử dám so sánh xem, linh mục nào ở Việt Nam đi theo được bước chân của con người thánh thiện và anh hùng này? Các linh mục, tu sĩ Việt Nam cảm nghĩ gì về vai trò linh mục của mình khi so sánh với vị linh mục Ba Lan? Điều gì có thể so sánh và điều gì có thể học hỏi được nơi con người thánh thiện đó? Tại sao cũng trong những hoàn cảnh tương tự lại không thể sản sinh ra được những con người bất khuất và tiêu biểu cho Việt Nam?

Ba Lan với 90% dân số theo Thiên Chúa giáo đã trở thành tiêu biểu cho sự thống nhất ý chí trong đấu tranh và hành động. Và người giáo hữu Ba Lan chỉ có một con đường chọn lựa duy nhất là lưỡi gươm (chế độ cộng sản) hay thập giá.

Với 7% dân số Việt Nam theo đạo, chúng ta đã chọn con đường nào? Hàng giáo phẩm đã chọn con đường nào?

Hãy chọn con đường mà nhiều người Ba Lan đã hô to khẩu hiệu xác định tư cách tôn giáo của mình, Chúng tôi muốn có Chúa.

Một khẩu hiệu vắn tắt, nhưng đầy đủ ý nghĩa. Sự chọn lựa đã công khai và rõ ràng.

Kể từ ngày ấy, cùng với vai trò của Giáo hoàng Johhn Paul II, hai người Ba Lan theo Thiên Chúa giáo đã lên tiếng nhân danh những người không có tiếng nói hay không có quyền lên tiếng. Và rồi dân chúng Ba Lan đã chiến thắng và Chúa của người Ba Lan đã hồi phục lại được bộ mặt của Ba Lan.

Đó là bộ mặt con người.

Từ đó, đất nước Ba Lan không còn là quê hương của người cộng sản nữa.


Trích sơ lược cuốn sách của Carl Bernstein và Marco Politi nhan đề His Holiness John Paul II and the Hidden history of our time. (“Đức Giáo Hoàng John Paul II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta”, nhà xuất bản Công An nhân dân, dịch giả Nguyễn Bá Long- Trần Quý Thắng.)

Cuốn sách này chính thức được dịch ra tiếng Việt vào năm 2002. Tôi gọi đây là một món quá mà nhà nước cộng sản tặng cho Thiên Chúa giáo. Xin mọi người trong nước tìm đọc. Giá có 80.000 đồng, bằng hai tô phở đặc biệt.

Và mỗi tu sinh Việt Nam nên đọc sách này và cần đưa tài liệu này nằm trong chương trình Tu Đức học.

Phải đọc, phải thảo luận, chia sẻ, chiêm nghiệm (méditaitons) để noi gương may ra mai sau trở thành những mục tử tốt, một linh mục tốt. Đã có bao nhiêu linh mục Việt Nam học được tinh thần phục vụ và hy sinh của một Carolus Josephus Wojtyla khi còn là linh mục?

Tình cảnh người Ba Lan trên nhiều mặt như đời sống vật chất, tinh thần, chính trị, xã hội nhất là mặt tôn giáo gợi nhớ một phần xã hội Việt Nam.

Vì thế, không lạ gì khi Lm Tarnowsky Wiktor Skworc, chủ tịch Ủy ban Truyền giáo của Hội đồng giám mục Ba Lan đã đưa ra nhận xét, “Tình hình của giáo hội tại Việt Nam rất giống với tình hình giáo hội Ba Lan chúng ta trong hai thập niên 1960 và 70 – Đáng tiếc là giờ đây chúng ta thấy những gì đã diễn ra ở Ba Lan lại được tái diễn tại Việt Nam.”

Bài học cho giáo hội Ba Lan cũng là bài học cho giáo hội Việt Nam.

Người ta tự hỏi hàng giáo phẩm Việt Nam đã phản ứng ra sao về vụ tòa Khâm sứ, vụ Thái Hà, vụ Đồng Chiêm, vụ Tam tòa, vụ tổng giám mục Kiệt?

Chỉ có sự im lặng và bất động trả lời.

Người dân có mắt thấy sự im lặng đó là biểu hiện của bệnh liệt kháng phản ứng thần kinh hệ, bệnh tê liệt trí năng bằng những bào chữa khó nghe và chướng tai. Những bào chữa trong khung cảnh một giáo hội giả hình, chật hẹp, thiển cận và tham ô.

Đó là ba cái yếu đuối (faiblesse) nói chung của hàng giáo phẩm từ linh mục đến giám mục. Yếu đuối mà không ý thức được.

Cái hình ảnh về một giáo hội tốt đẹp, đạo hạnh không còn nữa. Cái image là quan trọng lắm. Hiện nay Hội đồng giám mục, các chức sắc trong giáo hội đã làm mất cái image ấy?

Hãy lấy một vài sự kiện xảy ra gần đây để dẫn chứng.
Như mới đây, người ta so sánh ba cái scandal là Tiger Woods, Toyota và giáo hoàng. Mặc dầu ở những lãnh vực khác nhau, những vấn đề khác nhau, nhưng có chung một mẫu số, một câu trả lời: sự chậm trễ trong những lời thú nhận lỗi và xin tha thứ. Tiger Woods đã làm thiệt hại 12 tỉ đô la cho các hãng Nike, Gatorade, Gillette và nhiều hãng khác, Toyota thiệt hại 5 tỉ đô la để bồi thường. Giáo hội tốn 3 tỉ đô la trang trải cho các nạn nhân và các chi phí tòa án. Nhưng Tiger Woods và Toyota khôi phục lại được hình ảnh cũ.

Phần vị giáo hoàng hiện nay, hình ảnh một John Paul II ngày nào không còn nữa .

Hình ảnh giáo hội Việt Nam bây giờ cũng ở mức độ thấp nhất mà không ai lường được hết hậu quả. Những ai còn chút quan tâm và lo lắng cho hình ảnh giáo hội không khỏi đau lòng khi thấy sự bất trung của một số phẩm trật giáo hội.

Nó sẽ trở thành một hồ sơ đen của giáo hội Việt Nam mà một ngày nào đó không che dấu mãi được.

Những con chiên lạc ấy không phải là những giáo dân mà là những mục tử có nhiệm vụ hướng dẫn bầy chiên.

Nó trái ngược với những điều mà hồng y Phạm Minh Mẫn Mẫn gián tiếp kết tội tín hữu trong câu nói úp mở sau:

“Về định luật nhân cách làm người được cấu thành bởi ba yếu tố: một là di truyền, hai là môi trường (gia đình, học đường, cộng đồng xã hội, giáo hội), ba là ý thức và ý chí tự do của mỗi người. Thể theo định luật này, khi cộng đoàn tín hữu lâm tình trạng thiếu ít nhiều sự nhất trí và sự hợp nhất, khi một số tín hữu để thói đời lôi cuốn, để lòng đạo phai mờ dần, các mục tử đều có phần trách nhiệm. Và trách nhiệm ở đây là giáo dục, huấn luyện, trợ lực cho mọi tín hữu luôn chung sức lấy lời Chúa làm nền, làm trụ cột để xây đắp gia cố những ngôi nhà gia đình và cộng đoàn, giáo hội và xã hội ngày càng thêm vững bền.”

(Trích thư Ngày 9-6-2010. Gioan B. Phạm Minh Mẫn.)

(Còn tiếp)

© DCVOnline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét