Thứ Năm, 15 tháng 7, 2010

Cuộc trao đổi 'gián điệp' chớp nhoáng

Ngô Nhân Dụng

Tuần trước, bà con mình bận coi World Cup, chẳng mấy ai để ý đến vụ Mỹ và Nga trao đổi gián điệp, một vụ “đổi người” lớn nhất kể từ sau năm 1985 khi Mỹ trả 4 tay gián điệp Nga để đổi lấy tự do cho 25 tù nhân bị giam giữ ở Ba Lan và Ðông Ðức. Lần này, chính phủ Nga trả tự do cho 4 người Nga đang bị giam ở nước Nga để đón về 10 tay gián điệp bị bắt ở Mỹ (một tay khác đã trốn sau khi bị bắt ở Cypres), chỉ trong ba ngày sau khi đám điệp viên này bị bắt.

Gián điệp là nghề của Cộng Sản. Cơ quan mật vụ Cộng Hòa Nga bây giờ, viết tắt là SVR, là hậu duệ của KGB thời cộng sản. Gián điệp là nghề chính của cả đám lãnh tụ ở điện Kremlin, hồi xưa và bây giờ. Ông Vladimir Putin vốn là một sĩ quan KGB. Ông Larry Berman, tác giả cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn có lần hỏi riêng: “Tại sao miền Nam Việt Nam không đặt được một tay gián điệp chiến lược nào cỡ như ông Ẩn tại miền Bắc?” Lý do chính vẫn là: Vì gián điệp là nghề của cộng sản, những người quốc gia chưa học được nghề đó trước khi thực sự đánh nhau. Hồ Chí Minh vốn là một tay gián điệp của Ðệ Tam Quốc Tế đưa sang Tầu hoạt động từ thời 1924. Sau đó Hồ Chí Minh còn tình nguyện làm gián điệp cho cả OSS, tiền thân của CIA Mỹ nữa. Mà các tổ chức tình báo, gián điệp của miền Nam thì đến sau năm 1955 mới ra đời, đâu có dịp nào gài người vào miền Bắc được?

Muốn biết có tay gián điệp chiến lược nào lọt vào guồng máy của Cộng Sản Việt Nam hay không thì phải hỏi Phòng Nhì của Pháp. Vì Phòng Nhì Pháp đã hoạt động trước khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Phòng Nhì đã gài được Agent Pinot tức “đồng chí” Lâm Ðức Thụ vào các tổ chức cách mạng Việt Nam ở Tầu, Thụ làm việc với Hồ Chí Minh trong nhiều năm. Nhưng chính Hồ đã lợi dụng, tiết lộ cho Lâm Ðức Thụ tên họ và hình ảnh những thanh niên cách mạng Việt Nam được huấn luyện ở Hoàng Phố, nếu họ thuộc các đảng phái Quốc Gia và không chịu theo Hồ vào đảng cộng sản. Khi những người này vượt biên về nước thì công an Pháp cứ thế mà tóm từng người một. Lâm được trả tiền cũng chia cho, Hồ được lợi cả hai đường! Sau năm 1954, Pháp bất mãn phải rút khỏi Việt Nam, đâu có chia sẻ tin tức tình báo nào với Việt Nam Cộng Hòa? Ngay ông Phạm Xuân Ẩn, đã bị cảnh sát Pháp bắt giam ở Sài Gòn trước năm 1954 nhưng sau đó cảnh sát Sài Gòn không thấy hồ sơ nào về vụ đó cả! Cho nên muốn biết có tay gián điệp chiến lược nào đã được gài trong đảng Cộng Sản Việt Nam hay không, phải hỏi Phòng Nhì Pháp. Có thể những tay gián điệp đó hiện nay vẫn còn sống và đang ngồi trên một trong những chiếc ghế cao đâu đó!

Mười một tay gián điệp Nga, nam và nữ, bị FBI theo dõi từ nhiều năm, đến nay mới bị bắt. Họ đã được gài vào nước Mỹ để sinh sống như những người bình thường. Họ đi học, làm việc, mua nhà ở ngoại ô, mở công ty buôn bán, sống giả như vợ chồng, có con cái sinh ra ở Mỹ, họ là những gián điệp trường kỳ, có người lấy quốc tịch Mỹ (bà Anna Chapman, tức Anya Kushchenko, 28 tuổi từng lấy chồng người Anh năm 2002, mới bị tước bỏ quốc tịch Anh). Những gián điệp này đã làm quen với nhiều nhân vật trong chính giới Mỹ, các doanh nhân, và thiết lập các cơ sở kinh doanh bình thường. Cơ quan Ðiều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) đã nghe trộm được những “chỉ thị” của trung tâm tình báo Nga gửi cho họ: Hãy lặn vào xã hội Mỹ thật sâu, tìm cách nghe ngóng tin tức về các chính sách lâu dài của nước Mỹ trong các vấn đề tài giảm vũ khí, bom nguyên tử, Iran, thay đổi trong CIA, bầu cử tổng thống, quốc hội, các đảng chính trị, cho tới thị trường chứng khoán, v.v... Có bà gián điệp Nga đã khai thuế cho chính phủ Mỹ với số lợi tức 135,000 đô la một năm. Bà Chapman làm chủ một công ty địa ốc quốc tế trị giá trên 2 triệu đô la. Chắc chắn chính phủ Mỹ không thể nào gài người vào làm gián điệp lâu dài ở Nga như vậy. Vì có người Mỹ nào muốn phí bỏ 20, 30 năm của cuộc đời mình, đi sống ở một nước xa xôi và nghèo như vậy hay không? Trong khi đó, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Tiệp Khắc, nhiều điệp viên xứ này đã từ chối không về nước mà xin ở lại Mỹ!

Trước khi các gián điệp Nga được trả về nước, báo chí ở Mát Cơ va không coi vụ trao đổi này là tin quan trọng; nhưng sau đó họ ồn lên những lời chỉ trích cơ quan mật vụ. Chỉ trích không phải vì việc đã gửi gián điệp viên sang Mỹ mà vì các gián điệp tồi quá, tài tử quá. Những gián điệp này bị đưa ra tòa ở Mỹ vì 2 tội: “làm việc cho một chính phủ ngoại quốc mà không khai báo” và tội “rửa tiền.” Nhưng không ai bị buộc tội làm gián điệp cả, bởi vì họ không bị bắt khi gửi một tin tức mật nào về Nga hết. Phần lớn các tin tức mà họ gửi về Nga, như tương lai giá vàng, dư luận sau cuộc bầu cử, có thể thu lượm được dù ngồi ở Mát Cơ Va vào Internet mà tìm!

Một công ty Mỹ báo cho FBI biết một điệp viên Nga (đang bị FBI theo dõi) đã gạ bán cho nhân viên của công ty một nhu liệu và trao cho để đem thử vào máy, nhưng nhân viên này từ chối. Té ra, nhiều công ty cũng đã báo cáo cho cảnh sát Mỹ rồi. Nếu đem thử nhu liệu này trong computer, máy này chắc sẽ bị “nghe trộm” mãi mãi. Một gián điệp Nga đã phải đem một máy lap top từ Mỹ, bay qua Roma, đổi passport giả khác, bay về Nga, để máy được trang bị lại, vừa đi vừa về mất 2 tháng. Một điệp viên khác đưa cái lap top cho bạn đồng sự và dặn dò: Nếu máy không chạy, sẽ gặp lại trong 6 tháng!

Một bà gián điệp điệp Nga mỗi Thứ Tư ra quán cà phê dùng lap top vào Internet gửi email về Nga qua các mạng thông thường, trong khi nhân viên FBI đứng ngoài đường đọc email mà bà ta đang viết! Bà đã nhờ một người bạn Mỹ sửa hộ máy lap top của mình, vì dùng nó để liên lạc về Nga trục trặc không gửi được! Bà từ chối không nghe theo đề nghị khi người này nói bà hãy đưa cho tòa lãnh sự Nga ở New York sửa, hoặc gửi về Nga sửa. Bà nói: Tôi cứ đưa cho anh sửa giúp là tiện nhất. Anh bạn này là một nhân viên chìm của FBI có nhiệm vụ theo dõi bà! Khi cảnh sát Mỹ đến khám ngôi nhà của một gián điệp, đã bắt được miếng giấy ghi mật mã (pass word) để mở được máy computer ra coi, nhờ thế kiếm được hàng trăm hồ sơ quan trọng, kể cả địa chỉ các web sites mà các gián điệp này dùng để gửi mật thư về Nga. Mật mã này dài đến 27 chữ, cho nên phải ghi lại trên giấy, rồi để miếng giấy tênh hênh trên bàn!

Trả lại cho chính phủ Nga những điệp viên như vậy là một cách “nhục mạ” giới lãnh đạo Nga, vì hầu hết các cộng sự viên của ông Putin đều xuất thân từ trường KGB! Nhưng nhiều người vẫn chỉ trích chính phủ Obama đã hành động quá vội vàng. Tổng Thống Obama được báo cáo về vụ này 2 tuần trước khi FBI chụp lưới bắt 10 điệp viên, ba ngày sau khi ông Obama tiếp Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev. Sau đó chính phủ Mỹ đã đề nghị ngay việc trao đổi. Chính phủ Nga cũng đồng ý ngay. Trong lúc trao đổi vội vàng, một người bị oan ức là ông Igor Sutyagin. Ông bị cảnh sát Nga bắt năm 2004 vì cung cấp cho một công ty Anh Quốc một tài liệu mà ông cho là tin tức công khai, ai cũng có thể tìm ra. Nhưng Sutyagin vẫn bị gán tội làm gián điệp, bán tin tức quốc phòng, vân vân. Từ 6 năm nay ông vẫn tuyên bố mình vô tội. Nhưng nay ông bị ép buộc phải ký giấy nhận tội gián điệp trước khi được trả cho chính phủ Mỹ!

Ðiều ngạc nhiên trong vụ này là cả 11 “gián điệp” Nga không ai bị truy tố về tội làm gián điệp, mà tại sao chính phủ Nga vẫn vội vàng chấp việc nhận trao đổi? Ðiều này chứng tỏ họ không muốn bị mất mặt. Vì nếu 10 điệp viên này bị đưa ra tòa, báo chí tới nghe các lời chứng của nhân viên cảnh sát Mỹ thì cảnh tượng đó sẽ bêu riếu cả nghề tình báo của các cựu sĩ quan KGB! Thà rằng đón bọn này về trong lúc cả thế giới đang mãi coi World Cup, không ai chú ý tới, thì đỡ xấu hổ hơn!

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116011&z=7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét