Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Bắc kinh giận dữ với Nobel Hòa Bình

“Thẻ SIM của tôi mới bị de-activated, không còn hoạt động được nữa, biến cái iPhone của tôi thành iPod, sau khi tôi gửi text cho bố tôi báo tin ông Lưu Hiểu Ba thắng giải Nobel Hòa Bình.”

Bắc Kinh giận dữ, xóa mọi thông tin

OSLO, Na Uy - Lần đầu tiên một nhà tranh đấu đang trong tù được trao giải Nobel Hòa Bình, người đó là ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), nhà tranh đấu nhân quyền từng tham gia phong trào dân chủ Thiên An Môn, sáng lập Hiến Chương 08, và hiện đang thọ án 11 năm tù vì tội “chống phá chế độ.”

Người ủng hộ dân chủ biểu tình bên ngoài Văn Phòng Liên Lạc Trung Quốc ở Hồng Kông hôm Thứ Sáu, tay cầm hình và biểu ngữ “Giữ khôi nguyên Nobel Hòa Bình trong tù là sự xấu hổ của Trung Quốc” và “Hãy thả Lưu Hiểu Ba và mọi nhà bất đồng chính kiến.” (Hình: AP Photo/Kin Cheung)

Việc trao giải thưởng lập tức tạo sự giận dữ và lên án từ chính quyền độc tài Bắc Kinh. Ngược lại, nhiều lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo khắp thế giới, kể cả Tổng Thống Barack Obama là Bắc Kinh hãy sớm trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng qua một bản văn hôm Thứ Sáu rằng giải này nên được trao cho người nào cổ xúy cho tình hữu nghị quốc tế và giải trừ vũ khí thì hơn. “Lưu Hiểu Ba là một tên tội phạm bị hệ thống tư pháp Trung Quốc kết án vì vi phạm luật pháp TQ.” Và “Việc trao giải cho ông Lưu “hoàn toàn phản lại nguyên tắc của giải và cũng làm cho giải bị xấu đi.”

Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc không loan tải tin này và bộ máy kiểm duyệt của chính quyền cũng ngăn chặn mọi tin tức về giải Nobel Hòa Bình năm nay.

Xóa internet, truyền hình, CNN

CNN hôm Thứ Sáu tường thuật rằng, trong khi cả thế giới đang phổ biến rộng rãi tin về sự công bố giải Nobel Hòa Bình, thì chính quyền của người được giải đang chạy đua với việc xóa tên của ông ta ra khỏi mọi phạm vi công cộng càng nhanh càng tốt.

Tại Trung Quốc, người lên mạng, vào mục tìm kiếm thông tin và gõ “Liu Xiaobo” hay “Nobel Peace Prize” thì sẽ gặp ngay một trang báo lỗi.

Ở các khách sạn dành riêng cho du khách quốc tế, khi xem các chương trình truyền hình quốc tế như CNN, người ta thấy màn hình tối đen khi có bản tin đề cập đến họ Lưu.

Ngay cả khi gửi text-messaging trên điện thoại cầm tay cũng bị ảnh hưởng. Một công dân mạng ở Thượng Hải kể lại kinh nghiệm của mình: “Thẻ SIM của tôi mới bị de-activated, không còn hoạt động được nữa, biến cái iPhone của tôi thành iPod, sau khi tôi gửi text cho bố tôi báo tin ông Lưu Hiểu Ba thắng giải Nobel Hòa Bình.”

Ðối với hầu hết người dân Trung Quốc bình thường, họ chỉ biết lờ mờ về tin này, khi xướng ngôn viên đài truyền hình nhà nước đọc bản tin vắn về việc bộ ngoại giao nước họ nguyền rủa về sự chọn lựa của ủy ban Hòa Bình Na Uy, khi quyết định chọn một kẻ chống đối nhà nước TQ đang bị cầm tù để trao giải, và rằng đây là hành động “phỉ báng.”

Phản đối chính phủ Na Uy

Trung Quốc tuyên bố quyết định trao giải sẽ gây phương hại cho mối quan hệ với Na Uy và triệu đại sứ của Na Uy tại Bắc Kinh đến bộ Ngoại Giao để chính thức nghe phản kháng của Trung Quốc.

Tại Oslo, đại sứ Trung Quốc ở Na Uy gặp một giới chức cao cấp tại bộ Ngoại Giao, theo nữ phát ngôn viên Ragnhild Imerslund.

Các giới chức Na Uy giải thích rằng ủy ban tuyển chọn trao giải Nobel Hòa Bình là một tổ chức hoàn toàn độc lập với chính phủ và Na Uy muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, bà Imerslund cho hay.

Giải Nobel Hòa Bình năm nay tiếp tục một truyền thống có từ lâu nay là vinh danh các nhà tranh đấu chống cường quyền trên khắp thế giới và đây là giải Nobel đầu tiên cho cộng đồng những nhà tranh đấu ở Trung Quốc, vốn tái xuất hiện kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc khởi sự cuộc cải cách kinh tế nhưng không cải cách chính trị khoảng ba thập niên trước đây.

Ông Lưu Hiểu Ba, năm nay 54 tuổi, hồi năm ngoái bị tuyên án 11 năm tù về tội chống phá chế độ. Ủy Ban Nobel cho hay ông là người đầu tiên được trao giải trong khi bị tù, dù rằng cũng có những người khác đoạt giải trong khi bị quản thúc tại gia hoặc từng bị tù trước đó.

Những nhân vật tranh đấu từng đoạt giải Nobel Hòa Bình có nhân vật tranh đấu hòa bình người Ðức Carl von Ossietzky năm 1935, nhà đối lập trong chế độ Liên Xô Andrei Sakharov năm 1975, lãnh tụ công đoàn Ba Lan Lech Walesa năm 1983 và nhà lãnh đạo phong trào đòi dân chủ ở Myanmar Aung San Suu Kyi năm 1991.

Từ Thiên An Môn đến Hiến Chương 08

Ủy Ban Nobel nêu lên sự tham dự của ông Lưu Hiểu Ba vào cuộc biểu tình phản kháng ở Thiên An Môn, Bắc Kinh năm 1989 và việc đồng soạn thảo bản hiến chương “Charter 08” kêu gọi có thêm tự do ở Trung Quốc và chấm dứt tình trạng độc đảng.

Ðối với đảng Cộng Sản TQ, đây là một thách thức trực tiếp. Công an bắt giữ ông Lưu vài giờ trước khi Hiến Chương 08 được công bố vào tháng 12, 2008.

Hiến Chương 08, nguyên văn tiếng Hán là Linh Bát Hiến Chương, do hơn 300 nhân vật tiếng tăm ở Trung Quốc ký, được ấp ủ và viết ra với lòng khâm phục thực sự đối với những người sáng lập ra bản Hiến Chương 77 ở Tiệp Khắc, nơi vào năm 1977, hơn hai trăm trí thức ở đây lập ra để đấu tranh cho nhân quyền và dân quyền ở trong nước và trên thế giới.

Hiến Chương 08 không những chỉ kêu gọi cải tổ hệ thống chính trị hiện thời ở Trung Quốc mà còn kêu gọi chấm dứt một số nét đặc trưng của chế độ, trong đó có quyền cai trị độc đảng, và thay thế bằng một hệ thống đặt căn bản trên dân chủ nhân quyền.

Những người ký vào Hiến Chương 08 gồm người trong chính quyền lẫn người dân, không chỉ các nhà bất đồng chính kiến và giới tri thức, mà còn có các cán bộ trung cấp và thành phần lãnh đạo ở nông thôn.

Trong một năm mà số người được đề cử lên tới con số kỷ lục là 237 người, ông Lưu được chọn với sự ủng hộ công khai của những nhà thắng giải trước đây như Tổng Giám Mục Desmond Tutu, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Ðạt Lai Lạt Ma và nhiều người khác nữa.

Vốn là con của một bộ đội, ông Lưu gia nhập làn sóng sinh viên đại học đầu tiên ở Trung Quốc vào giữa thập niên 1970, sau thập niên hỗn loạn của Cách Mạng Văn Hóa.

Bài viết của ông Lưu lần đầu tiên tạo nên một bước ngoặt chính trị vào năm 1988, lúc ông trở thành một học giả khách mời ở Oslo và cũng là lần đầu tiên ông ra khỏi nước.

Tham gia Thiên An Môn

Nhiều tháng sau, ông rút ngắn cuộc viếng thăm trường Ðại Học Colombia để tham gia cuộc phản kháng ở Quảng Trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh vào năm 1989. Ông cùng ba nhà hoạt động lớn tuổi hơn bấy giờ đã thuyết phục sinh viên nên rút ra khỏi quảng trường trong ôn hòa, chỉ vài giờ trước khi xảy ra cuộc tàn sát vào ngày 4 tháng 6.

Sau biến cố này ông bị bỏ tù rồi được thả ra vào năm 1991 vì biết hối lỗi và “thi hành những công tác quan trọng đáng khen,” theo truyền thông nhà nước hồi bấy giờ, nhưng không nói rõ ông đã làm những gì.

Tuy nhiên, 5 năm sau ông lại bị đưa đi “cải tạo” trong ba năm vì cùng ký tên vào một thư ngỏ đòi hỏi hành tội chủ tịch nước hồi đó là ông Giang Trạch Dân.

Tổng Thống Obama nói rằng ông Lưu “hy sinh tự do cho niềm tin của mình” và “là tiếng nói can đảm cho việc thúc đẩy các giá trị chung qua hình thức hòa bình và bất bạo động.”

Trong cuộc phỏng vấn của Reuters ngay sau khi tên người trúng giải được công bố, vợ ông Lưu là bà Lưu Hà (Liu Xia) cho biết công an thường phục xuất hiện tại nhà bà và buộc bà phải đi khỏi Bắc Kinh. Họ nói họ muốn đưa bà đến nhà tù ở Jinzhou, nằm về phía Ðông Bắc tỉnh Liaoning, nơi chồng bà đang bị nhốt, theo bà, rõ ràng là họ muốn ngăn không cho báo chí tiếp xúc với bà.

Trong lần phỏng vấn đầy xúc động dành cho đài truyền hình Cable ở Hồng Kông, bà nói bà hy vọng cộng đồng thế giới từ nay sẽ áp lực chính quyền Trung Quốc phóng thích chồng bà. Bà Lưu Hà thêm rằng đất nước bà “nên lấy làm hãnh diện về việc chọn lựa ông và hãy trả tự do cho ông.”

Bà Lưu Hà cho biết bà không hề nghĩ rằng chồng bà sẽ được giải. Bà nói: “Tôi không thể nào tin được chuyện này vì đời tôi đầy cả những chuyện không may. Giải này không chỉ riêng cho ông Lưu Hiểu Ba mà còn cho những ai đấu tranh cho nhân quyền và công lý ở Trung Quốc.”

Bà Lưu Hà nhấn mạnh: “Ông Lưu Hiểu Ba vô tội” và tố cáo chính quyền TQ đã hành động vi hiến, bà tiếp: “Hiến Pháp bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Chính quyền là người phạm pháp trước ai hết.” Bà nói giải này mang lại hy vọng cho các nhà đấu tranh cho dân chủ vốn ngày càng suy yếu dần.

Ở Trung Quốc, phong trào dân chủ hầu như bị thờ ơ, theo đó đa số chỉ biết chạy theo sự cải đổi kinh tế.

MSNBC trích thuật lời của Tổng Thống Barack Obama lên tiếng qua một văn bản: “Trung Quốc đã tiến bộ vượt bực trong chương trình cải tổ kinh tế cũng như cải thiện đời sống của dân chúng. Tuy nhiên giải thưởng này nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng cải tổ chính trị lại không tiến triển, và rằng quyền căn bản của con người dành cho mỗi người, đàn ông, đàn bà cũng như trẻ em, cần phải được tôn trọng. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc hãy trả tự do cho ông Lưu càng sớm càng tốt.”

Chủ Tịch Ủy Ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland nói rằng chính quyền TQ nên xét lại kỹ lưỡng các chính sách của mình, một khi họ chuyển mình trở nên một cường quốc lớn về kinh tế lẫn chính trị.

Giải thưởng trị giá $1.5 triệu sẽ được trao tại Oslo vào ngày 10 tháng 12. Chưa rõ ai sẽ lãnh giải nếu ông Lưu không thể đến.

Khác với một số các nhà đấu tranh ở Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, từng là một nhà hoạt động hăng say cho một sự thay đổi trong ôn hòa và tiệm tiến, thay vì phải đối đầu bằng bạo động với chính quyền.

Giải Nobel có nêu: “Trung Quốc đã bội ước rất nhiều thỏa ước quốc tế mà họ đã ký kết, kể cả những điều khoản do chính họ qui định liên hệ đến các quyền chính trị.” Ðiều này muốn đề cập đến một đề mục trong hiến pháp Trung Quốc về quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp. “Trên thực tế, những quyền tự do này của mỗi người dân TQ tỏ ra đã bị tước mất.”

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hòa Bình nằm 1989 nhưng TQ bôi nhọ ông như là một kẻ phản bội vì tìm cách đòi tự trị cho Tây Tạng. (TP)



Ông Lưu Hiển Ba (trái) cùng vợ, bà Liu Xia, tại nhà riêng ở Bắc Kinh vào tháng 10 năm 2002. (Hình: STR/AFP/Getty Images)


Người Việt Nam phản ứng với tin Nobel Hòa Bình


Nghe tin nhà tranh đấu dân chủ cho Trung Quốc được giải Nobel, nhiều nhân vật tranh đấu dân chủ Việt Nam lên tiếng. Dưới đây là một số ý kiến.



* Ðoàn Thanh Liêm

(Luật sư, tù nhân chính trị ở Việt Nam 1990-1996, bị trục xuất ra hải ngoại ngay sau khi ra tù)

Tôi thật vui mừng phấn khởi khi được biết tin này. Rõ rệt đây là một sự đóng góp rất đáng kể cho Phong trào Tranh đấu Nhân quyền trên khắp thế giới. Và riêng đối với các nạn nhân của sự đàn áp tàn bạo của chánh quyền cộng sản hiện nay ở Việt Nam, thì việc cấp giải thưởng cho một người tranh đấu bất bạo động cho tự do dân chủ và nhân quyền mà hiện còn đang bị giam giữ trong nhà tù ở Trung Quốc cũng sẽ là một khích lệ lớn lao, giúp cho họ kiên trì dũng cảm hơn nữa trong công cuộc tranh đấu cam go, nhằm xây dựng một đất xã hội tự do, tiến bộ và nhân ái tại quê hương thân yêu của 90 triệu đồng bào ruột thịt chúng ta vậy.



* GS. Ðoàn Viết Hoạt

(Giáo chức đại học, cựu tù nhân chính trị, thành viên một số tổ chức vận động dân chủ hóa Việt Nam)

Theo tôi, giải Nobel Hòa Bình là một giải thưởng chính trị. Ban trao giải cân nhắc việc trao giải theo với thực tế và nhu cầu chính trị trên thế giới. Chúng ta hãy lược xét lại những người được trao giải này, phần lớn đều nhắm mục đích này, như Tutu, Mandela (Nam Phi), Lech Walesa (Ba Lan), Dalai Lama (Tibet), Aung San Suu Kyi, kể cả Lê Ðức Thọ-Kissinger, và nhất là Obama năm ngoái. Hiện nay vấn đề Trung Quốc đang nổi lên, sắp trở thành vấn đề số 1 của thế giới, sau khi Mỹ rút khỏi Irak và xuống thang ở Afghanistan (năm 2011). Việc trao giải cho một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đáp ứng tình hình này. Ðồng thời nó cũng là một chỉ dấu cho thấy sự quan tâm của thế giới, cũng như diễn biến của tình hình sắp tới tại Á Châu, nói chung, và tại Trung Quốc nói riêng.



* Ông Nguyễn Ngọc Quang:

(Nhà tranh đấu dân chủ, 46 tuổi, ra khỏi tù ngày 3 tháng 9, 2009 sau 3 năm tù vì bị qui cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước”)

Ngày 18 tháng 9, 2010 vừa qua, ông mới bị hai “kẻ xấu” ép xe gắn máy, ngã xuống đường rồi còn bị “kẻ xấu” cán qua đầu. Nếu không có “mũ bảo hiểm” thì có thể đã vỡ đầu chết.)

Giải Nobel Hòa Bình trao cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đang bị tù, ông Lưu Hiểu Ba cho thấy chính sách ngoại giao “Kinh Tế và Quả Ðấm” của Trung Quốc đã không hiệu quả và còn cho chúng ta nhận rõ: Nhân Loại Tiến Bộ không hề bàng quan trước những nỗ lực của những cá nhân tranh đấu không mệt mỏi cho công cuộc giải thoát con người khỏi sự thống trị độc tài của các chế độ cai trị độc tài.

Chế độ cai trị độc tài của CSVN cũng không nằm ngoài quy luật phát triển chung của nhân loại là sẽ đi đến diệt vong để nhường chỗ cho một thể chế dân chủ. Việt Nam cũng có những người đấu tranh không mệt mỏi như đại lão hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế... cũng đáng được vinh danh và đang là tấm gương sáng cho tuổi trẻ Việt Nam hôm nay trên con đường giải thoát Dân Tộc khỏi ách độc tài của CSVN.

Qua việc Ủy Ban Giải Nobel của Na Uy, cơ quan độc lập với chính phủ, đã không tỏ ra lo sợ trước sức ép từ Bắc Kinh, đã khích lệ và động viên rất lớn đối với các nhà đấu tranh cho Dân Chủ trong các nước độc tài nói chung và đặc biệt ảnh hưởng tinh thần rất lớn đối với các nhà Dân Chủ Việt Nam đang trực diện với chế độ độc tài, độc đảng Cộng Sản hiện nay.


* BS Nguyễn Quốc Quân

(Nhà tranh đấu dân chủ, em ruột BS Nguyễn Ðan Quế đang bị quản thúc tại gia ở Sài Gòn)

Tôi rất là phấn khởi và vui mừng khi nghe được tin này.

Việc ông Lưu Hiểu Ba được trao giải này là một thắng lợi chung của những nhà đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới, và là một dấu hiệu là nhân quyền tại Á Châu sẽ được quan tâm nhiều trong những ngày tháng tới.



* Nguyễn Chí Thiện

(Cựu tù chính trị, ở tù nhiều hơn ở ngoài, có lần bị bắt sau khi ném một tập thơ tranh đấu qua bờ tường tòa Ðại Sứ Anh ở Hà Nội.)

Rất là thích thú, giải Nobel hàng năm là chuyện bình thường, và trên thế giới có nhiều người rất xứng đáng được lãnh giải, tại Việt Nam thì như HT Thích Quảng Ðộ, cha Lợi, cha Lý, v.v...

Trung Quốc đã có những phản đứng ngông cuồng và điên rồ, và có lời tuyên bố gần như mất trí trước sự việc này.

Việc giải Nobel được trao cho một người đang bị tù, có tính cách khích lệ cho nhân quyền cho Á Châu sẽ gây ra một tiếng vang lớn trên thế giới và là một lời cảnh báo đến nhà cầm quyền Trung Quốc.

Sự kiện này khiến tôi tin tưởng là những nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam có lẽ cũng sẽ được trao giải trong một tương lai không xa.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=121017&z=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét