Chủ Nhật, 14 tháng 3, 2010

Chuyện vỉa hè: kiếp nạn thứ 81

 

Người Buôn Gió

LTS: Người Buôn Gió, tác giả loại truyện giả tưởng “Ðại Vệ Chí Dị” thỉnh thoảng vẫn tiếp tục giúp vui thiên hạ những mẩu chuyện khôi hài đen đầy kịch tính “tuy rằng nói đó mà đây chạnh lòng” ở một nước được mô tả là dân chủ triệu lần tư bản.

Thầy trò Ðường Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Thiên Trúc là câu chuyện giả tưởng hấp dẫn đã được quay thành phim, truyện truyền hình nhiều tập. Tấm hình này là quảng cáo của hãng TVBI.

Thầy trò Ðường Tăng trên đường đi Tây Trúc lấy kinh, tính ra thấm thoát đã hai mươi năm. Trải qua 80 kiếp nạn. Cuối cùng cũng đến Tây Trúc thỉnh kinh, trên đường về phải đi qua một nước nữa là về tới quê hương. Thầy và trò đều phấn khởi, hồ hởi lắm, tới kinh thành thấy chữ trên cổng thành đề Ðại Vệ Nam Quốc, Ðường Tăng quay lại bảo các trò.

- À, có phải đây là nước Vệ danh tiếng, chính sự yên bình, vua sáng, tôi hiền, sản vật phong phú, nhân dân sống âm no, vui vẻ an hòa trong lời ca tiếng hát đó không?

Ngộ Không bay vút lên cao một hồi quay xuống nói.

- Thưa thầy, đúng là nước Vệ mà thầy nói đó ạ.

Thầy trò kéo nhau đến quán dịch, ngỏ ý xin đổi điệp văn. Quan coi quán dịch nói.

- Xin cho hỏi qua nước Vệ là có ý gì?

Ðường Tăng trình bày đi lấy kinh, lúc về muốn vòng qua nước Vệ để khỏi vượt qua dãy núi Hy Mã Lạp Sơn cao ngút phủ đầy băng giá.

Quan trầm ngâm nói:

- Các ngài nói là vậy, nhưng chúng tôi chưa nghĩ vậy, mời các ngài cứ ở quán dịch chờ chúng tôi kiểm tra xem đúng như lời ngài nói hay không. Nếu đúng chúng tôi sẽ nhanh chóng để các ngài đi.

Ðường Tăng nhập gia tùy tục, nghĩ mỗi nước có một lệ riêng. Ngài vui vẻ chấp nhận để quan nước Vệ làm rõ sự việc. Ngày đầu tiên Bát Giới bị gọi lên hỏi, quan hỏi:

- Anh tên gì?

- Trư Bát Giới.

Quan hỏi lý lịch trích ngang mất hai ngày, đến ngày thứ ba quan hỏi Bát Giới:

- Tại sao tai và mũi của mày to thế, có phải để do thám tình hình nước tao phải không?

Bát Giới hốt hoảng thanh minh là cha sinh, mẹ đẻ ra mình đã thế này Quan phán.

- Ai làm chứng là cha mẹ mày sinh ra mày như thế, hay là phẫu thuật chỉnh hình để phục vụ mưu đồ gì đó? Giờ mày có gì chứng minh rằng sinh ra như vậy để chúng tao xem xét.

Bát Giới trình bày giờ chỉ có về nước mới tìm được hàng xóm láng giềng xác nhận, nhưng muốn thế phải có điệp văn ra về. Quan bảo muốn có điệp văn thì phải có người xác nhận, chưa có thì cứ đợi bao giờ có thì lên quan.

Hôm sau quan gọi Ngộ Không vào phủ hỏi.

- Mày đi đâu cũng cầm cái gậy sắt làm gì?

Ngộ Không.

- Thưa để đánh yêu quái.

Quan đập bàn quát.

- Thằng này láo! Ở nước Vệ này mấy chục năm nay thanh bình, yên ổn làm gì có yêu quái, mày nói vậy có ý gì? Phải chăng mày mang gậy để chống đối hay gây sự với ai. Mau trả lời thành khẩn nếu không đừng trách.

Ngộ Không giải bày đường sá xa xôi, đèo cao núi hiểm, yêu quái khắp nơi. Cậy gậy này đã giúp Ngộ Không tiễu trừ những bọn yêu quái hại người, trước là giúp dân sau là giúp thầy trò đi qua bình an. Quan nghe xong hỏi.

- Thế mày đánh yêu quái đã xin phép ai chưa?

Ngộ Không lắc đầu.

- Dạ, chưa ạ.

Quan hỏi:

- Mày làm thế là vi phạm, ở đâu cũng phải có kỷ cương. Muốn đánh thì cũng phải xác minh rõ đúng nó là yêu quái hay không, lập hồ sơ thu thập tội trang, trình cho quan có thẩm quyền xem xét và đưa ra quyết định. Ai cũng manh động như mày thì loạn, cần gì đến các quan. Có phải mày đến đây ý đồ khuyến khích manh động, không tôn trọng pháp luật hay không? Ðất nước tao đang yên ổn mà mày vác gậy đi nghênh ngang bảo là dung để đánh yêu quái, rõ là muốn bêu giễu nước Vệ đầy rẫy bất an. Mày phải ở lại để tao thẩm tra. Giờ tạm giữ cái gậy sắt này của mày.

Ngộ Không định phân bua, quan xua người lôi cổ ra khỏi công đường.

Ngày sau nữa gọi Ngộ Tĩnh vào công đường nói:

- Hai thằng kia đã khai rõ hết rồi, giờ mày có nhận để hưởng khoan hồng hay cố tình chối cãi cho mất thì giờ đây.

Ngộ Tĩnh tá hóa tam tinh, mới nói rõ sự tình vụ trộm nhân sâm là do Ngộ Không chủ mưu. Quan nghe xong nói.

- Mày khai chưa hết, còn chuyện chúng mày vào đây để làm gì nữa.

Ngộ Tĩnh ngẩn ngơ một hồi, sau vò tai bứt trán kêu qua nước Vệ xin điệp văn về cố quốc, tuyệt không có ý đồ gì. Quan gợi ý.

- Thế cái hòm đựng tài liệu mày vác là tài liệu gì?

Ngộ Tĩnh thưa đó là kinh sách nhà Phật, đưa cho quan xem. Quan lớn thấy chữ loằng ngoằng như giun bèn phán.

- Ðợi tao cho người dịch xong ra tiếng Vệ, rồi thẩm tra xem tài liệu gì mới quyết được. Biết đâu đây là tài liệu độc hại, có nội dung chống phá nước Vệ thì sao?

Ngộ Tĩnh thở dài ra về trình lại với Ðường Tăng. Thầy trò đợi mấy tháng không thấy ai hỏi đến, Ðường Tăng vào phủ hỏi tin, quan trả lời chưa xong, cứ đợi. Ðường Tăng về bảo học trò.

- Kinh sách trong tay họ không biết có nguyên vẹn không? Nếu thất lạc, tứ tán thì uổng công thầy trò nhà ta. Ngộ Không con mau đằng vân xin Ðức Phật Tổ Như Lai cứu giúp.

Phật Tổ Như Lai vào phủ xin yết kiến để trình bày. Quan hỏi:

- Ðến đây có việc gì?

Phật Tổ Như Lai:

- Xin quan giúp những người đi lấy kinh sớm về ạ.

Quan hỏi:

- Tên gì, quan hệ thế nào với đám đó.

- Tên là Phật Tổ Như Lai.

Quan hỏi:

- Anh Lai cho biết, anh hiện ở đâu, làm nghề gì?

- Dạ thưa tôi làm nghề tu hành.

- Tu hành là trồng hành, bảo dưỡng, chăm sóc cây hành?

Hỏi xong quan quay sang bảo Công Tôn Tích:

- Ghi là làm nghề nông.

Ðức Phật Tổ Như Lai xua tay.

- Thưa ngài, tu hành không phải là nghề nông, mà là không nghề nghiệp, chỉ chuyên tâm nghiên cứu tu dưỡng tâm trí của mình, hướng tới cái thiện.

Quan vặn.

- Ăn nói phải đúng trọng tâm, tu thế lấy gì để sống?

- Thưa nhờ ơn bố thí của chúng sinh.

Quan lầu bầu.

- Ăn xin lại còn làm bộ loanh quanh, Công Tôn Tích, ghi là ăn xin.

Phật Tổ Như Lai thở dài.

Quan hỏi:

- Quan hệ với đám kia thế nào?

Ðức Phật thưa:

- Dạ họ là họ là đệ tử của tôi.

Quan lớn biến đổi sắc mặt:

- À thì ra có tổ chức, có phân chia các cấp. Phải làm rõ tổ chức của các anh, gồm những ai, mục đích thành lập làm gì, hoạt động ra sao, ai cấp giấy phép.

Ba năm trôi qua, Ðức Phật Tổ Như Lai và thầy trò Ðường Tăng vẫn chưa đổi được điệp văn. Trong lòng sốt ruột nghĩ đủ mọi cách để sớm về, Ngộ Không lên thiên đình nhờ Ngọc Hoàng Thượng Ðế nhờ giúp. Ngọc Hoàng nghe xong chán nản lắc đầu.

- Ta mà xuống nước Vệ, thì cũng lại phải xác minh lý lịch, nhân thân. Ta sống mấy nghìn năm rồi, những người biết ta đâu còn ai sống mà xác nhận giùm ta. Xuống đó rồi cũng kẹt với các người thôi.

Ba năm nữa trôi qua, một hôm Ngộ Không đi xin cơm ngoài đường, thấy quan bí thư phụ trách quan hệ đối ngoại nước Ðường sang Vệ công cán, mới gọi.

Cuối cùng thì cũng nhanh chóng, thầy trò Ðường Tăng thoát khỏi kiếp nạn cuối cùng. Kiếp nạn thứ tám mươi mốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét