Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Mơ xuân

Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi lại nôn nao những cảm giác đón chào mùa xuân mới với những niềm hy vọng mới.

Năm Mới đến, người dân có những niềm hy vọng mới

Bài viết này xin bày tỏ một vài ước vọng của ngày xuân, cũng với một mong muốn là ca ngợi và tôn vinh cái đẹp của tình người, vốn đã phai mờ trước vận nước nổi trôi, và những ngổn ngang bề bộn của cuộc sống.

Quyền phát biểu chính kiến

Câu chuyện cổ tích “The Emperor’s New Clothes” (tạm dịch là “Hàng độc” của Đức Vua) của nhà văn Hans Christian Andersen là một câu chuyện vui cảnh giác đối với các nhà cầm quyền trên thế giới, chuyện khó tin mà như có thật. Một ông vua chuyên chế đến nỗi không ai dám phê bình, đã mặc bộ quần áo mà ông ưng ý nhất nhưng khổ nỗi là nó lại trong suốt như “pha lê”, khiến ai cũng thấy “kỳ cục”, mà không ai dám hó hé nói cho vua biết một điều bất kính là đức vua trông giống như đang trong tình trạng “cuổng trời”.

Vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, xã hội chúng ta cần tôn trọng và cầu thị lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân về “quốc kế dân sinh” về “giáo dục” và “pháp luật”, nhất là các bậc trí thức uyên thâm, các vị thân hào nhân sĩ, “uy vũ bất năng khuất”, không nhắm mắt cúi đầu trước bạo lực cường quyền xâm hại lợi ích của Nhân dân và Tổ quốc. Tuy “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”, nhưng “hào kiệt thì đời nào cũng có”. Chúng ta phải thấy đó là “nguyên khí của quốc gia”, phải trân trọng cám ơn ý kiến đóng góp của các nhân tài của đất nước, của các công dân tốt, có ý thức trong sáng, thành tâm đóng góp xây dựng chính quyền Nhân dân vững mạnh.

Báo chí phải là kênh phản ánh ý dân

Quyền Tự do Báo chí, quyền Tự do Ứng cử và Tự do Bầu cử, cùng quyền cho các công dân được tự do phát biểu chính kiến xây dựng đất nước, đã được minh thị trong Hiến pháp, cần phải được Nhà nước tổ chức phát động, khuyến khích phát huy thêm, theo đúng nguyện vọng của Nhân dân và yêu cầu cải cách hành chính, chống tệ nạn trì trệ lãnh cảm trước nỗi khổ của nhân dân và tệ nạn bè phái tập đoàn tham nhũng - sâu dân mọt nước.

Việc thành lập các Đại Công ty xuyên quốc gia và quốc tế, các tổ hợp truyền thông rộng lớn cũng phải nhằm cống hiến tập hợp thay cho Nhà nước các kênh phản ánh ý dân, kêu gọi sự đóng góp của người dân trong nước và hải ngoại (khúc ruột xa ngàn dặm) trong việc thực hiện chính sách và quản lý xã hội. Qua đó, Nhà nước có cơ hội thấu hiểu những mơ ước khát khao và nguyện vọng chính đáng của toàn dân, để Nhà nước kịp thời điều chỉnh các sai sót tự nhiên trong quá trình xây dựng quản lý và phát triển đất nước.

Tinh thần pháp luật

Một vấn nạn xã hội ngày càng sâu sắc, đó là sự phân hóa thật cùng cực giữa giàu và nghèo. Khi một vé đi xem ca nhạc một đêm để được tận mắt thấy thần tượng ngôi sao, ngang bằng với tiền học phí của sinh viên nghèo trong cả một năm, quả là một vấn nạn “nghịch lý tự nhiên” mà một xã hội có lương tâm cần nên xem xét.

Có người lý giải sở dĩ việc chống tham nhũng cứ trì trệ chưa hiệu quả, việc giải quyết khiếu nại tố cáo cứ nhì nhằng, việc cải cách hành chánh thì như một mớ bòng bong, gỡ ra rồi lại rối, rối thì lại gỡ. Đó là vì luật pháp ta có nhiều kẻ hở, chưa nghiêm, chưa chuẩn xác, cần phải có thời gian điều chỉnh. Những vướng mắc trong soạn thảo pháp luật thì ai cũng đã rõ. Nhưng vấn đề quan trọng là muốn ban hành luật ta phải nắm rõ thấu đáo cái “tinh thần của pháp luật”. Pháp luật phải phục vụ cho Nhân dân, phải thuận lòng dân, phải có tính khả thi, nhân danh Công lý – phù hợp với đạo lý, lẽ công bằng và tiến bộ xã hội.

Luật của chính quyền Nhân dân là phải “lấy dân làm gốc”, “phục vụ cho nhân dân”, phải góp phần ”phát triển xã hội đất nước ngày càng được tốt đẹp hơn”. Do vậy, Tinh thần Pháp luật có nghĩa là Luật đó trước hết, phải phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, phục vụ cho nhân dân, chăm lo cuộc sống, sự an vui và hạnh phúc của nhân dân. Kế tiếp, một văn bản Luật muốn có giá trị thì nó phải có tính khả thi, phải phù hợp với đạo đức và lẽ công bằng, phải mang tính nhân bản và tiến bộ xã hội.

Nếu tôn giáo có “yêu cầu chân chính” phục vụ nhân dân như xin đất để mở trường học hay thờ phụng, lập các cơ sở phước thiện nuôi chữa bệnh người nghèo, thì Nhà nước và Chính quyền địa phương cũng nên xem xét.

Nguyễn Bính Châu

Ngoài ra, sau khi Luật ấy đã ban hành, thì trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật, ta cũng cần phải tiếp tục theo dõi, rút kinh nghiệm và điều chỉnh pháp luật để pháp luật thực sự là công cụ phục vụ an toàn xã hội và đời sống tốt đẹp cho nhân dân. Chính do những đặc tính đó của ”tinh thần pháp luật” mà Luật pháp được ban hành mới mang tính cưỡng chế, bắt buộc mọi người phải tuân thủ vì lợi ích của nhân dân, của toàn xã hội và đất nước.

Trong khi người dân phải rứt ruột xa rời mảnh đất truyền đời của cha ông tổ tiên, để ra đi với trong lòng bao nỗi ngổn ngang sinh kế và cuộc sống, thì có những nhà giàu mới phất lên dễ sợ từ các dự án đất đai... (đất cũ đãi người mới) quả là một điều “hợp lý nhưng bất công”. Và đó chính là lý do tại sao ta vẫn phải có bổn phận lắng nghe “Tiếng Dân kêu” mà cải sửa chính sách đền bù đất đai cho công bằng và hợp lý, cho thuận lòng dân.

Từ ngày hòa bình lập lại, trên tinh thần “tốt đạo đẹp đời”, các tôn giáo đã đóng góp vai trò động viên giáo dân lương giáo, cống hiến cho việc xây dựng đất nước, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và tiếp tay xoa dịu trước các nỗi bất cập và bất lực của xã hội. Tôi thiết nghĩ nếu tôn giáo có “yêu cầu chân chính” phục vụ nhân dân như xin đất để mở trường học hay thờ phụng, lập các cơ sở phước thiện nuôi chữa bệnh người nghèo, thì Nhà nước và Chính quyền địa phương cũng nên xem xét cân nhắc giúp đỡ tạo thuận lợi cho nhu cầu đó, cho phù hợp với quy hoạch và kiến trúc.

Vì “mục đích duy nhất và cái lợi duy nhất thuộc về Nhân dân” chính Nhân dân là người thụ hưởng trực tiếp từ lợi ích đó, chứ không có bất cứ một cá nhân nào khác có thể tự thân quơ quào hưởng lợi được, và giáo dân cũng nhận biết rằng Nhà nước luôn có “chính nghĩa sáng ngời - biết nhìn xa trông rộng”, luôn quan tâm chăm lo tạo điều kiện phát triển tôn giáo theo kế hoạch quốc gia và chính sách pháp luật. Chúng ta không thể mơ mộng sự “đồng thuận xã hội”, khi có sự chênh lệch quá sâu sắc về quyền lợi và mâu thuẫn quyền lợi, khi không có sự công bằng và hợp lý.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần kiên quyết đấu tranh xử lý với các động cơ cá nhân, lợi dụng tôn giáo hoặc mê tín dị đoan, thu vén cá nhân, đi ngược lại “tinh thần bác ái” và “từ bi hỷ xả “ của tôn giáo, làm thiệt hại lợi ích chung.

Bên cạnh việc cải cách hành chánh còn nhiều việc phải bàn, chẳng hạn vụ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Ngay chính các cơ quan hữu trách mà còn không thống nhất được ý kiến. Lúc một lúc hai, rồi thì lại lúc hai lúc một (giấy). Theo tôi, căn bản là cái đất, còn nhà thì có thể thay đổi, nay nhà trệt mai lên hai tầng rồi ba tầng, thiết kế nội thất phân chia tường nhà ở đâu hay nâng cao mấy tấm mấy tầng là quyền của chủ nhà, ta chỉ can thiệp xem xét nhằm bảo đảm sự an toàn cần thiết của công trình và phù hợp quy hoạch cảnh quan chung. Vấn đề cốt lõi không phải là cãi nhau về một giấy hay hai giấy, mà căn bản là phải phục vụ cho yêu cầu quản lý khoa học và tạo thuận lợi cho người dân qua sự minh bạch về luật pháp, công khai thời hạn cấp giấy, không bắt bẻ làm khó dân trong thủ tục hành chánh. Do vậy, chỉ cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo giấy phép xây dựng và đăng ký công trình trên đất là được.

Nhiều người dân đổ về Hà Nội khiếu kiện vì đất đai

Nhưng ta cũng không nên buộc những người có giấy tờ cũ, đã được cấp sau 1975 phải cấp đổi giấy mới, gây phiền toái trong nhân dân. Chẳng lẽ giấy của chính quyền cách mạng cấp lại quá “lôi thôi”, không có giá trị (thiếu tính bền vững nhìn xa trông rộng, vừa mới đưa vào sử dụng thì đã lạc hậu trật đường ray?). Việc bắt buộc mọi người dân đều phải xin cấp đổi mới giấy chứng nhận về nhà đất vừa mang tính tốn kém phiền phức, vừa làm nặng gánh lo toan cho người dân và chắc chắn sẽ gây áp lực quá tải cho cơ quan quản lý nhà nước. Nên chăng chỉ những người có nhu cầu muốn cấp đổi sổ thì ta mới cấp đổi sổ mới cho họ. Như thế, vừa khoan được sức dân vừa giúp cho chính quyền có điều kiện tập trung công sức vào nghiên cứu quy hoạch và quản lý cho tốt, việc cải tiến hành chánh được khoa học và bền vững, ngày càng thuận lợi và tạo điều kiện dễ dàng cho người dân, phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của nhân dân.

Con cọp cuối cùng ở Côn Đảo

Năm nay là năm con Cọp, nên trước khi chia tay bước vào năm mới, tôi xin phép kể cho các bạn một câu chuyện về con cọp cuối cùng tại Côn Đảo. Nhà văn An Khê, người đã chịu án chung thân khổ sai của thực dân Pháp tại nhà tù Côn Đảo, ông được may mắn trở về và đã kể câu chuyện này trên một nhật báo Saigon trước 1975, khi tôi chỉ mới là một chàng trai mới lớn trẻ tuổi yêu đời.

Do biết tù Côn Đảo thường có ý định trốn trại vượt ngục, thực dân Pháp nghĩ ra một hiểm kế, đó là làm thế nào để có thể có tiêu diệt tù chính trị bị nhốt trên Côn Đảo dám cả gan vượt ngục mà không bị dư luận lên án. Nên đã thả trong rừng Côn Đảo 10 con cọp trẻ dữ dằn, sẵn sàng “xơi tái” những anh tù trốn trại. Dân tù biết được nên dùng chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống”, tìm cách cô lập hủy diệt mọi thứ mà lũ cọp có thể ăn được, nhiều khi tổ chức đông người lập bẫy vây bắt giết cọp. Lũ cọp không chịu nỗi sơn lam chướng khí và cạn nguồn lương thực nên bệnh và chết hết, chỉ còn lại duy nhất một con cọp.

Một đêm nọ cọp đi kiếm ăn trên bãi biển, thấy một con hến to như cái bàn tròn lớn cỡ một người ôm, nằm há miệng trước biển, khoe cái mình hến trắng hếu, lồ lộ hấp dẫn dưới ánh trăng. Cọp khoái chí đưa hai chân trước vồ con hến. Hến hết hồn ngậm miệng lại, cọp đang bệnh ốm đói và kiệt sức nên không sao vùng vẫy thoát. Đêm hôm ấy, người ta nghe tiếng con cọp gầm rú suốt cả đêm. Sáng hôm sau, con cọp xấu số đã nằm chết ngộp khi nước triều dâng lên trên bãi biển.

Câu chuyện con cọp cuối cùng nơi Côn Đảo làm ta chợt nghiệm ra rằng, tính ra loài người là một con vật hết sức khôn ngoan và nguy hiểm hơn cọp dữ. Vì vậy, người xưa thường ví các tham quan ô lại còn nguy hại tàn ác gấp nhiều lần hơn loài thú dữ cọp beo.

Vậy thì mong rằng trong năm con cọp, các quan tham ô lại bọn sâu dân mọt nước sẽ bị sập hầm, số phận sẽ như con cọp cuối cùng trên Côn Đảo, cho người dân đỡ khổ và diệt trừ được quốc nạn.

Nhưng trước hết, thì ta hãy nâng ly phấn khởi: “Chúc mừng năm mới” và tiếp tục “mơ Xuân”.

Nguồn: BBC Vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét