Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Họ là những “lao nô nhập cư”bị các công ty của Mỹ lừa? Công nhân Việt cáo buộc các công ty ở bên nhà đã bóc lột họ

HOUSTON CHRONICLE

LISE OLSEN

lise.olsen@chron.com

Ngày 15 tháng 4 năm 2011

Những người Việt nhập cư, Ngo Ba Chin (người bên trái), Nguyen Van Hung, Vu Van Tuyn va Le Hai No vừa đệ đơn lên tòa án liên bang Hoa Kỳ để kiện các công ty của Việt Nam với cáo buộc tuyển dụng lừa đảo và bóc lột

Chỉ một tuần sau khi một thẩm phán của Quận Harry đưa ra quyết định một khoản tiền bồi thường chưa có tiền lệ là 60 triệu đôla cho những thợ hàn người Việt được tuyên bố là đã bị các công ty cung ứng lao động của Mỹ bóc lột thì vào hôm thứ Tư chính những công nhân này đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang hàng quận khẳng định rằng họ là nạn nhân của một âm mưu buôn bán người ở quy mô quốc tế còn rộng hơn nữa.

Đơn kiện xác định thủ phạm là hai công ty lớn của Việt Nam, cả hai công ty này đều do nhà nước sở hữu một phần: Công ty Dịch vụ và Đầu tư Thương mại, tên viết tắt là Interserco, và Tổng công ty Công nghiệp Ô tô, tên viết tắt là Vinamotors.

Luật sư của các công nhân này, Tony Buzbee, cho rằng các công ty có quan hệ với chính phủ Việt Nam nói trên đã cố tình tuyển dụng lừa đảo để xuất khẩu rất nhiều người lao động và bóc lột họ theo cách chiếm đoạt số tiền tiết kiệm của họ rồi đưa họ sang làm việc tại những công ty của Mỹ chỉ muốn thu lợi từ những nhân công “chung quy chỉ là những lao nô nhập cư.” Đơn kiện lên tòa án liên bang này đòi một khoản tiền bồi thường nữa là 100 triệu đô.

Nhân viên tại tòa lãnh sự quán của Việt Nam ở Houston đã không nhấc máy trả lời những lời cáo buộc và những cuộc gọi tới tòa đại sứ Việt Nam ở Washington rồi được hướng dẫn là phải gọi tới lãnh sự quán ở Houston. Phát ngôn viên của tòa đại sứ đã không nhấc máy trả lời các cú điện thoại gọi tới hôm thứ Tư.

Qua phỏng vấn và theo nội dung của đơn kiện thì khoảng 50 công nhân xuất xứ từ các thành phố lớn ở Việt Nam khẳng định họ đã đăng ký để được tuyển dụng sang làm việc tại một nhà máy đóng tàu ở Houston vì bị lừa từ một chương trình quảng cáo do các công ty Việt Nam nói trên thuê phát trên truyền hình.

Năm 2008, người muốn được tuyển dụng phải trả ngay một khoản thủ tục phí lên tới 15.000 đôla – số tiền này được gom từ tiền thế chấp nhà cửa, bán phương tiện làm ăn sinh sống và vay mượn tiền tiết kiệm cả đời của những người họ hàng. Để đổi lại, họ được hứa hẹn sẽ nhận được  tổng số tiền công vào khoảng 100.000 đôla cho một hợp đồng kéo dài 30 tháng. 

Sau khi sang tới Mỹ, những công nhân này được đưa tới sống trong “những ngôi nhà như dành cho súc vật”,” “bị đối xử như những lao nô nhập cư” và bị sa thải sau tám tháng khi chính các công ty môi giới này dự định thay họ bằng những chuyến hàng mới và do đó là những khoản thanh toán thủ tục phí mới, theo các cuộc phỏng vấn và theo đơn kiện được đệ trình lên tòa án liên bang hàng quận ở  Galveston.

“Đây là cường quốc và chúng tôi không thể tin nổi rút cục chúng tôi đã bị lừa như thế này, công ty đang lừa chúng tôi,” Ngo Ba Chin, một người trong số những công nhân nói trên đã nói với tờ Chronicle thông qua một người phiên dịch. Tình cảnh ở đây tồi tệ hơn bất cứ nước nào khác mà anh ta từng tới làm việc chẳng hạn như Nga, Hàn Quốc và Lybia. “Không khác gì đi tù.”

85.000 người lao động mỗi năm

Việt Nam hàng năm xuất khẩu tới 85.000 người lao động đem lại nguồn thu khoảng 2 tỉ đôla, theo lá đơn kiện và những nguồn tin của chính phủ Việt Nam. Việt Nam quảng cáo sáng kiến này như là cách để tăng cường kinh tế trong nước và giảm thất nghiệp.

Ngo, một thợ hàn có kinh nghiệm ở độ tuổi 50, nhớ lại rằng anh xem TV và thấy có quảng cáo đi làm việc tại Mỹ. Anh đã nhanh chóng hưởng ứng, nộp thủ tục phí và một hôm thấy mình đã ngồi trên một chiếc máy bay sang Texas. Tới Texas anh được ghép với khoảng ba chục người khác, hầu hết đều còn trẻ và là dân sống tại nhiều thanh phố khác nhau ở Việt Nam.

Chẳng có một căn phòng đầy đủ tiện nghi và an toàn nào hết, Ngo phải sống chung với những người khác trong một căn hộ đầy chuột và gián ở Pasadena, dây điện thì thò cả ra ngoài tường còn thảm trải sàn thì bẩn thỉu hôi hám vậy mà anh và ba người sống cùng phải trả 2000 đôla một tháng. Người sử dụng lao động đã trừ tiền thuê nhà và chi phí đi lại hàng tháng là 1.200 đô la trên bảng lương mặc dù những công nhân này chỉ được chở bằng xe tới nơi làm việc rồi về nhà và mỗi tuần một lần đi tới một siêu thị.

Hai công ty môi giới của Mỹ bị tòa ra lệnh phải bồi thường 60 triệu đôla cho những công nhân nói trên là: ILP Agency LLC ở Louisiana và Coast to Coast Resources Management Services, trước đây có trụ sở ở Houston. Một luật sư của công ty Coast to Coast nói rằng công ty này hiện đang ngừng hoạt động. Tờ The Chronicle không thể liên lạc được với bất kỳ ai ở công ty ILP Agency.

Hợp đồng mới được tám tháng thì Ngo và những công nhân Việt Nam khác được bảo là bị sa thải và được lệnh phải đóng gói hành lý.

Đang sống như những kẻ trắng tay

Trên giấy tờ những cựu công nhân ở nhà máy đóng tàu đã thắng trong vụ kiện dân sự chống lại người sử dụng lao động của họ thì nay họ đang là những triệu phú đôla, song họ chẳng nhận được xu nào sau khi phán quyết của tòa được ký hồi tháng 1 và tháng 2 bởi Thẩm phán Tòa Liên bang hàng Quận Steven Kirkland.

Thay vì thế, những công nhân này hiện đang sống như những người trắng tay, lo sợ bị trục xuất và bị chính phủ Việt Nam trả thù.

“Theo sự hiểu biết chắc chắn của tôi thì thủ phạm thực sự (và) phần tiền được chia nhiều hơn đang được hưởng bởi các công ty ở bên nhà,” luật sư Buzbee đã nói trong một cuộc phỏng vấn.

Lời khẳng định này phù hợp với những báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố từ rất lâu trước đây đã chỉ trích chính phủ Việt Nam không bảo vệ công dân của mình khỏi nạn buôn người trong đó bao gồm cả việc “các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam”, hầu hết là những công ty của nhà nước, đã thu những khoản phí bất hợp pháp và quá cao. Những khoản phí này thuộc loại “cao nhất” so với mức phí của “nhân công nước ngoài đến từ tất cả các nước châu Á khác”, điều này khiến cho họ rất dễ bị rơi vào tình trạng bị trói chặt vì nợ nần và lao động cưỡng bách,” Báo cáo năm 2010 về tình hình buôn người do Bộ Ngoại giao công bố đã viết như vậy.

Việt Nam chưa bao giờ khởi tố một công ty nào vì các tội buôn người, bản báo cáo nói trên viết.

Bị canh phòng biệt lập

Houston có một cộng đồng người Việt đông đúc và hùng mạnh về chính trị, thế nhưng các công nhân của nhà máy đóng tàu nói rằng họ bị  canh phòng biệt lập và được cảnh báo rằng vì họ là công dân của một nước cộng sản cho nên họ bị người Mỹ đối xử tồi tệ thậm chí bị đối xử bằng bạo lực, đơn kiện và các cuộc trả lời phỏng vấn đã cho biết như vậy.

Chỉ sau khi có sự can thiệp của các nhà truyền giáo của giáo phái Chứng nhân của Đức Jehovah (Jehohah’s Witness) khi họ tới thăm căn hộ của những công nhân này ở Pasadena thì họ mới nhận được sự giúp đỡ kể từ khi bị sa thải.

Luật sư Tammy Tran ở Houston, một người Mỹ gốc Việt, đã tập hợp được một số luật sư làm việc thiện nguyện từ các văn phòng luật ở Houston gồm Buzbee, Mark Lanier  và Gordon Quan.

Một nhóm sinh viên của khoa luật thuộc trường đại học South Texas College do luật sư Naomi Bang phụ trách cũng giúp những công nhân này xin thị thực với tư cách họ là những nạn nhân của buôn người và những tội ác khác.

“Tôi muốn cả thế giới biết tới vụ kiện này,” Tran nói. “Giúp đỡ những con người này là một vinh dự và chúng tôi hi vọng rằng thông qua vụ kiện này chúng tôi có thể giúp đỡ rất nhiều người đàn ông và đàn bà khác đang là nạn nhân của buôn người.”

Người dịch: Hiền Ba

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

1 nhận xét:

  1. Tình cảnh ở đây tồi tệ hơn bất cứ nước nào khác mà anh ta từng tới làm việc chẳng hạn như Nga, Hàn Quốc và Lybia. “Không khác gì đi tù.?

    Trả lờiXóa