Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Tinh thần «chí nhân thay cường bạo» của Chân phước Gioan Phao Lồ II

Tú Anh

Năm năm sau ngày từ giã cõi đời, Cố Giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị được phong Á thánh vào ngày chủ nhật 1/5/11 sắp tới. Với tinh thần khoan hòa, với lời nói có sức thu hút người đối thoại và quần chúng, lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ năm 1978 đến năm 2005 đã ghi dấu thế kỷ 20 với công lao làm sụp đổ chế độ cộng sản vào cuối thập niên 1980, xóa tan chiến tranh lạnh bao trùm thế giới suốt nửa thế kỷ.

Vào lúc tín đồ Công giáo trên thế giới đón chờ ngày phong Chân phước cho vị Giáo hoàng mà họ hằng yêu kính, các hãng thông tấn quốc tế nhấn mạnh đến vai trò của then chốt của nhân vật lịch sử người Ba Lan mà hầu như ai cũng công nhận công đầu trong việc xóa bỏ chiến tranh lạnh, hệ quả của bức màn sắt do chế độ Stalin dựng lên chia cắt con người tại châu Âu.

AFP nhắc lại, từ thời thơ ấu cho đến khi lãnh đạo Tòa thánh La Mã, cuộc đời của linh mục Karol Wojtila, người Ba Lan đầu tiên được bầu làm Giáo hoàng của Giáo hội Hoàn vũ, đã kinh qua nhiều biến động của lịch sử. Ngài đã vượt qua Thế chiến thứ hai, thành công trong việc đương đầu với hai chế độ độc tài tàn bạo nhất thế giới là Đức Quốc Xã và Cộng Sản . Ngài góp phần vào cuộc tranh đấu cam go của Công đoàn Đoàn Kết của Ba Lan, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin mang lại tự do cho Đông Âu.

Nhưng cả hai chủ thuyết cộng sản man rợ và tư bản rừng rú đều bị Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ Nhị lúc sinh thời xem là kẻ thù của loài người.

Nhưng điều nổi bật ở Ngài và có lẽ cũng là một trong những lý do làm cho Ngài được mọi người kính phục, đó là tinh thần nhân ái. Vũ khí của Ngài là lòng « dũng cảm , không sợ hãi » để làm thay đổi định mệnh. Dù là trong hoàn cảnh xấu nhất cũng không đánh mất hy vọng.

Từ Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, đến Chủ tịch Cuba, Fidel Castro đều công khai tỏ lòng yêu kính Đức Giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ Nhị.

Đại tướng Jaruzelski, người ban hành tình trạng thiết quân luật tại Ba Lan và quản thúc lãnh đạo công đoàn Đoàn Kết, Tổng thống tương lai Ba Lan, sau này đã phải thừa nhận : thông điệp « Đừng khiếp sợ, hãy thay đổi bộ mặt thế giới » đã góp phần làm sụp đổ thẻ bài domino đầu tiên và đánh sập chế độ xô viết.

Cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa cũng công nhận sức mạnh của tinh thần “không sợ hãi”. Ông kể lại, trước khi linh mục Karol Wojtila lên làm Giáo hoàng thì phong trào Công đoàn độc lập vỏn vẹn chỉ có độ 50 thành viên. Đúng là « nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm ».

Nhưng chỉ 16 tháng sau, lực lượng Công đoàn độc lập tăng từ 50 thành viên nòng cốt lên 10 triệu thành viên. Một sớm một chiều hàng triệu người hết sợ xe tăng, công an, quân đội đàn áp. Hệ quả « trúc chẻ ngói tan » thì mọi người đã biết.

Cùng nhận định này, giáo sư bang giao quốc tế Lê Đình Thông và cũng là một tín hữu Công giáo tại Paris đã mượn một câu bất hủ trong Bình Ngô Đại Cáo để mô tả đức độ của Cố Giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị : lấy chí nhân thay cường bạo…

Để tìm hiểu thêm về con người của vị tân Chân phước của Giáo hội Công giáo, Ngài đã sống ra sao, công đức làm thay đổi địa lý chính trị thế giới hư thực như thế nào, và thông điệp của Ngài đối với Việt Nam mà lúc còn tại thế từng xem là quê hương nhưng không được đặt chân đến, RFI đặt câu hỏi với giáo sư Lê Đình Thông, đại học Paris-Nanterre.

Giáo sư Lê Đình Thông : «Để trả lời câu hỏi Ngài đã sống như thế nào tôi xin mượn câu "Lấy chí nhân mà thay cường bạo, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn... " mà Nguyễn Trãi đã nói vào năm 1427…Ngài có góp phần làm sụp chế độ cộng sản… nhưng cũng phần khác , theo nhận định của linh mục Chân Tín thì chế độ cộng sản phải sụp đổ do chính những nhược điểm của nó, vì cách đối xử tàn tệ của nó… »

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110428-tinh-than-%C2%AB-chi-nhan-thay-cuong-bao-%C2%BB-cua-chan-phuoc-gioan-phao-lo-de-nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét