Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

New York Times: Việt Nam ngược đãi tín đồ Thiên Chúa giáo dân tộc thiểu số

Seth Mydans

Ngày  31, tháng 3 năm 2011

BANGKOK — Theo một bản báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [Human Rights Watch] công bố hôm thứ Năm thì Việt Nam đã gia tăng đàn áp người dân tộc thiểu số theo Thiên Chúa giáo ở Tây Nguyên, giải tán các buổi hội họp thân mật thành nhóm nhỏ để cầu nguyện, ép buộc họ công khai từ bỏ tín ngưỡng và bắt giữ nhiều tín đồ,

Các tộc người thiểu số, được gọi là Người Thượng, vốn theo tín ngưỡng linh vật (animist) nhưng trong nửa thế kỷ qua rất nhiều người đã cải đạo Thiên chúa. Khác biệt về văn hóa và dân tộc với người Kinh chiếm đa số đang sinh sống ở các vùng đồng bằng, tín đồ Thiên Chúa giáo người Thượng thờ phụng kín đáo trong những khung cảnh thân mật được gọi là nhà thờ tại gia, điều bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp Việt Nam.

“Ở Việt Nam, người Thượng phải chịu sự ngược đãi tàn nhẫn, đặc biệt là những ai thờ phụng tại các nhà thờ tại gia riêng biệt bởi vì chính quyền không cho phép hoạt động tôn giáo nằm ngoài tầm giám sát hoặc kiểm soát của họ”, ông Phil Robertson, phó giám đốc châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền đóng tại New York cho biết. “Chính phủ Việt Nam thường xuyên thắt chặt kiểm soát các nhóm tín đồ người Thượng tồn tại riêng biệt, với luận điệu là những người đó đang sử dụng tôn giáo để gây mất ổn định”.

Nhiều xung đột xảy ra không chỉ liên quan đến tôn giáo khi mà dân số và kinh tế của Việt Nam phát triển nên người Kinh ở đồng bằng đang lấn chiếm đất trồng trọt của người dân tộc thiểu số, chủ yếu là để làm các trang trại nông nghiệp.

Sự xung đột còn diễn ra về mặt chính trị khiến cho chính phủ lo ngại rằng nhiều người Thượng đã có mối liên lạc với các nhóm truyền giáo tại Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh Việt Nam, rất nhiều người Thượng đã từng chiến đấu sát cánh với quân đội Mỹ và Nam Việt Nam và nhiều người vẫn tiếp tục chống đối sau khi Cộng sản giành chiến thắng vào năm 1975.

Hầu hết tín đồ Thiên Chúa giáo người Thượng hiện nay đều không dính dáng đến chính trị thế nhưng chính phủ đặc biệt quan tâm đến một tổ chức có tên là Tin lành Dega có liên hệ với một phong trào đòi lại đất đai bị mất.

Năm 2004, Hoa Kỳ đã gọi Việt Nam là một “quốc gia được quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo nhưng hai năm sau đó đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này vì cho rằng Mỹ đã hài lòng với những tiến bộ của chính phủ Việt Nam trong việc nới lỏng những hạn chế.

Tuy chính thức được coi là vô thần nhưng bắt đầu từ những năm 1990 Cộng sản Việt Nam đã cho phép thực hành tín ngưỡng. Việt Nam theo truyền thống là quốc gia chủ yếu theo đạo Phật nhưng có số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã đông thứ hai ở Đông Nam Á sau Philippin. Chùa chiền luôn đông nghịt người vào những dịp lễ hội còn nhà thờ thì thường tràn ngập người vào các ngày Chủ Nhật, lễ Phục Sinh và Giáng Sinh.

Nhưng theo luật pháp Việt Nam thì các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với chính phủ và hoạt động theo những hướng dẫn đã được chấp thuận. Cách đây quãng mười năm, khi chính phủ chính thức công nhận một số hội thánh Tin Lành Phúc Âm thì trong số đó hầu như không bất kỳ một nhà thờ nào trong số 400 nhà thờ ở Tây Nguyên.

Các tổ chức tôn giáo độc lập không đăng ký với nhà nước luôn bị chính quyền gây áp lực rất mạnh. Trong số đó có các giáo hội độc lập không được công nhận như giáo phái Mennonites, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Khmer Nguyên Thủy và Giáo hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và tín đồ Thiên Chúa giáo người Thượng.

Công an và quan chức địa phương đã giải tán các cuộc tụ họp tín ngưỡng, tịch thu tài liệu tín ngưỡng và triệu tập những người đứng đầu đến đồn công an để tra hỏi. Có trường hợp công an còn phá hủy nơi cầu nguyện tại gia của các nhóm không được cho phép, bắt giữ hoặc bỏ tù các thành viên của họ về tội vi phạm an ninh quốc gia.

“Chính phủ Mỹ nên thừa nhận điều này và nên gọi đích danh Việt Nam là một quốc gia được quan tâm đặc biệt vì những vi phạm tự do tôn giáo”, ông Robertson nói. “Tôi nghĩ rằng đây là yêu cầu xuất phát từ thực tế. Tình hình xảy ra với người Thượng là một trong những vi phạm lớn nhất về tự do tôn giáo tại Việt Nam”.

Các nhà báo và các nhóm nhân quyền độc lập hầu như bị cấm đi tới vùng Tây Nguyên. Bản báo cáo cho biết hầu hết thông tin được lấy nguồn các phương tiện thông tin chính thức cũng như từ những người tị nạn đã chạy trốn qua đường rừng núi để tới nước láng giềng Campuchia và từ các nhóm ủng hộ người Thượng ở hải ngoại.

Điều đáng chú ý là các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam đang tỏ ra không nói úp mở vì về sự áp lực đối với người Thượng, ông Robertson nói.

Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã trích dẫn một bản tin trên Báo Gia Lai, một tờ báo của nhà nước của tỉnh Gia Lai, như sau: “Sau khi định tổ chức các cuộc biểu tình bạo loạn tại nhiều địa điểm ở Tây nguyên và liên tục bị thất bại, một số kẻ cầm đầu bị cô lập đã chạy trốn vào rừng. Nhưng rừng thiêng nước độc cũng không thể dung tha chúng”.

Bản báo cáo trích dẫn Đài Tiếng nói Việt Nam: “Khi cái gọi là tôn giáo trở thành một công cụ trong tay của những kẻ xấu, nó phải bị coi là xấu xa, bất hợp pháp và phải bị loại bỏ”.

Người dịch: Phạm Anh Tuấn

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

http://anhbasam.wordpress.com/2011/04/03/436-vi%E1%BB%87t-nam-ng%C6%B0%E1%BB%A3c-dai-tin-d%E1%BB%93-thien-chua-giao-dan-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét